Các câu hỏi thường gặp về quyền lợi Bảo hiểm y tế tại Vinmec

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất về quyền lợi Bảo hiểm Y tế tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình.

Câu 1:

Hỏi: Tôi có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Vinmec, vậy khi tôi đi khám chữa bệnh ở Vinmec được chi trả tiền BHYT như thế nào?

Trả lời: Luật bảo hiểm y tế hiện hành quy định: Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh có xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và thẻ BHYT đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu ghi trên thẻ, KCB trong trường hợp cấp cứu, hoặc KCB có giấy chuyển tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí với 03 mức hưởng 80%, 95%, 100% chi phí KCB theo đơn giá của BHYT ( tùy theo từng đối tượng tham gia bảo hiểm).

Ví dụ: Mức hưởng chi phí khám bệnh và giường bệnh của một số khoa như: nhi, nội, ung bướu, tim mạch cho phí khám và 1 ngày lưu viện tại Vinmec như sau:


Mức hưởng chi phí khám bệnh và giường bệnh của một số khoa tại Vinmec
Mức hưởng chi phí khám bệnh và giường bệnh của một số khoa tại Vinmec

Câu 2:

Hỏi: Mẹ tôi có thẻ bảo hiểm hưu trí được hưởng 100% khi khám chữa bệnh đúng tuyến tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, nếu tôi chuyển thẻ BHYT của mẹ tôi sang Bệnh viện Vinmec. Vậy mẹ tôi có được thanh toán 100% khi đi khám chữa bệnh tại Vinmec không? Mẹ tôi có phải thanh toán thêm chi phí gì không?

Trả lời: Nếu bác chuyển đăng ký KCB ban đầu sang Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bác vẫn được hưởng 100% danh mục và đơn giá của BHYT nhà nước và phải trả thêm chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ của Vinmec và giá chi trả của BHYT. Ví dụ chi tiết về chi phí vui lòng tham khảo tại câu 1.

Câu 3:

Hỏi: Bố tôi là đối tượng công an và có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Vinmec. Vậy trường hợp nào khi khám chữa bệnh tại Vinmec không được BHYT chi trả?

Trả lời: Theo điều 23 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 có quy định về các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế như sau:

  • Các chi phí do ngân sách Nhà nước chi trả.
  • Điều dưỡng, an dưỡng.
  • Khám sức khoẻ định kì.
  • Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
  • Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ KHHGĐ nạo hút thai, phá thai.
  • Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
  • Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt trừ trẻ dưới 6 tuổi.
  • Sử dụng vật tư y tế thay thế (chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện giúp vận động trong PHCN).
  • Khám chữa bệnh trong trường hợp thảm họa.
  • Khám chữa bệnh nghiện rượu, ma tuý, chất nghiện khác.
  • Giám định y khoa, giám định pháp y, tâm thần.
  • Thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

Khách hàng đăng kí khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Khách hàng đăng kí khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Câu 4:

Hỏi: Chồng tôi tham gia bảo hiểm y tế đã được 5 năm và có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Vinmec. Sắp tới chồng tôi muốn đi khám sức khỏe định kỳ. Xin hỏi, khám sức khỏe định kỳ có được bảo hiểm y tế không?

Trả lời: Theo điều 23, luật BHYT sửa đổi năm 2014, khám sức khỏe định kỳ là một trong các mục thuộc danh mục các khoản phí mà bảo hiểm y tế không chi trả

Câu 5:

Hỏi: Con tôi học tại Vinschool có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nhưng cháu có điều trị tại bệnh viện Nhi và có chỉ định phẫu thuật trong tuần tới, tôi muốn bệnh viện Vinmec viết giấy chuyển tuyến cho cháu để được hưởng quyền lợi BHYT đúng tuyến được không?

Trả lời: Nguyên tắc chuyển tuyến điều trị được quy định như sau: Được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định trong trường hợp cơ sở KCB BHYT vượt quá khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật đơn vị không triển khai thực hiện. Như vậy nếu phẫu thuật của bé nằm ngoài phạm vi thực hiện của Vinmec thì Vinmec sẽ viết giấy chuyển tuyến sang viện Nhi.


Trẻ học tại trường Vinschool
Trẻ học tại trường Vinschool

Câu 6:

Hỏi : Tôi muốn đăng ký lại nơi khám bệnh ban đầu (KBBĐ) khác, không đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec được không ?

Trả lời: Việc đổi thẻ BHYT do thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu được thực hiện vào ngày 01 đến ngày 10 của tháng đầu mỗi quý, vì vậy, vào những ngày này anh/chị có nhu cầu thay đổi nơi KCB ban đầu sẽ thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Đối tượng đăng ký thẻ bảo hiểm y tế qua doanh nghiệp nơi đang làm việc: liên hệ phòng nhân sự hoặc phòng y tế tại công ty để đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu
  • Các đối tượng hưu trí, trẻ em, người có công với cách mạng, người mất sức lao động, người hưởng bảo trợ xã hội: đến cơ quan Bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xin đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
  • Đối tượng tự nguyện: Đăng ký mua tại phường (kèm theo hộ khẩu thường trú + chứng minh thư) và đăng ký lại nơi khám chữa bệnh ban đầu.

Câu 7:

Hỏi: Tôi có thẻ đăng ký đúng tuyến Vinmec nhưng không biết quy định về thời gian khám chữa bệnh để được BHYT chi trả theo quy định?

Trả lời: Theo quy định chung, thời gian khám bảo hiểm y tế được thực hiện theo đúng thời gian làm việc hành chính của cả nước. Đó là khung giờ hành chính phổ biến từ 8h – 17h hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu không bao gồm ngày nghỉ lễ theo quy định.

Câu 8:

Hỏi: Con tôi có thẻ BHYT đúng tuyến tại Vinmec nhưng không có thời gian đi khám ngày thường. Vậy khi con tôi khám ngoài giờ hành chính, thứ 7, chủ nhật, ngày lễ có được BHYT chi trả tại Vinmec hay không?

Trả lời: Hiện tại bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với bảo hiểm xã hội vào ngày nghỉ, ngày lễ, do vậy người đi khám sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh vào những ngày này.

Câu 9:

Hỏi: Tôi có thẻ BHYT trái tuyến, nếu khám chữa bệnh tại Vinmec, Bảo hiểm y tế thanh toán được bao nhiêu?

Trả lời: Người tham gia BHYT khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu và không có “Giấy chuyển tuyến” (trừ trường hợp cấp cứu), nếu xuất trình thẻ BHYT ngay khi đến KCB thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi danh mục và giá theo tỷ lệ như sau:

  • Ngoại trú: không được thanh toán BHYT (trừ trường hợp cấp cứu)
  • Nội trú: có 3 mức hưởng 48%, 57%, 60% chi phí điều trị nội trú theo đơn giá của BHYT (tùy theo đối tượng tham gia bảo hiểm

Ví dụ: Mức hưởng chi phí giường bệnh của một số khoa như: nhi, nội, ung bướu, tim mạch cho 1 ngày lưu viện tại Vinmec như sau:


Mức hưởng chi phí giường bệnh của một số khoa cho 1 ngày lưu viện tại Vinmec
Mức hưởng chi phí giường bệnh của một số khoa cho 1 ngày lưu viện tại Vinmec

Câu 10:

Hỏi: Tôi có được thanh toán bảo hiểm y tế trong trường hợp cấp cứu khác bệnh viện tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không?

Trả lời:

  • Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở y tế làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh như trường hợp khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến quy định.
  • Đối với cơ sở y tế không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, khi người bệnh ra viện, cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh các giấy tờ xác nhận tình trạng bệnh lý, các chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán với tổ chức Bảo hiểm xã hội theo quy định
  • Trường hợp bạn cấp cứu tại Vinmec nhưng thẻ BHYT không đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Vinmec sẽ được hưởng theo mức giá trái tuyến như đã nêu tại ví dụ câu 9.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe