Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trong suốt thời gian mang thai, lao động nữ được phép nghỉ khám thai và có quyền nghỉ dưỡng nếu có chỉ định của bác sĩ. Vậy trong các đợt khám thai định kỳ, lao động nữ có được hưởng Bảo hiểm?
1. Chế độ khám thai cho lao động nữ
Căn cứ theo Luật BHXH 58/2014; Quyết định 636/QĐ, Trong thời gian mang thai, nữ giới sẽ được đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày, trong trường hợp cơ sở y tế ở xa hoặc thai nhi có biểu hiện bệnh lý hoặc có những dấu hiệu không bình thường thì được phép nghỉ 2 ngày/1 lần khám thai. Thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc.
Mức tiền được hưởng:
- Mức hưởng = (Mbq6t / 24 ngày) x 100% x Số ngày nghỉ
Trong đó: Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc
Trường hợp chưa đủ 6 tháng đóng BHXH thì Mức tiền lương bình quân được tính trên số tháng đã đóng BHXH.
2. Quy định mức tiền bảo hiểm chi trả khi khám thai định kỳ
Tùy thuộc vào đối tượng tham gia bảo hiểm y tế mà mức hưởng sẽ tuân theo quy định tại Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014:
- Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;
3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;
c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 23 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014:
“Điều 23. Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế
4. Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị”.
Trường hợp đi khám thai không nhằm mục đích điều trị sẽ không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả viện phí.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Bảo hiểm xã hội