Sau khi ngủ dậy bị tê tay chân là hiện tượng thường gặp không chỉ ở người già mà còn người trẻ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sau khi ngủ dậy bị tê tay chân. Vậy lý do đó là gì và làm thế nào để khắc phục?
1. Sau khi ngủ dậy bị tê tay chân là như thế nào?
Bị tê tay, tê chân sau khi ngủ dậy là hiện tượng các ngón tay, ngón chân hoặc cả bàn tay, bàn chân, cánh tay hay cẳng chân bị tê cứng và khó cử động. Cơn tê này có thể trở nặng thành cơn đau và lan đến các vùng lân cận như vai, cổ, gáy hoặc hông, đùi, ...
Sau khi ngủ dậy bị tê tay chân được chia làm 2 loại, đó là: tê bì do sinh lý và bệnh lý.
- Do sinh lý: Đây là hiện tượng phổ biến có thể gặp phải khi cơ thể ở một tư thế trong thời gian dài như ngồi, đứng hoặc nằm. Khi đó, các mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép, gây nên tình trạng tê tay chân, nhưng triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất khi bạn cử động và mạch máu được lưu thông trở lại.
- Do bệnh lý: Sau khi ngủ dậy bị tê tay, chân kèm theo một số triệu chứng khác có thể là biểu hiện của một số bệnh lý. Nếu không khắc phục, lâu ngày người bệnh sẽ bị mất cảm giác, không còn cảm nhận sự tê bì.
2. Vì sao sau khi ngủ dậy bị tê tay chân?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tê tay, tê chân sau khi ngủ dậy được biết đến là:
- Tư thế nằm ngủ bị sai: Nếu có thói quen nằm ngủ nghiêng sang hẳn một bên hoặc ngủ gối đầu lên tay có thể khiến bạn bị tê tay, chân khi ngủ dậy. Khi tay hoặc cơ thể bị đè trong một tư thế tương đối lâu sẽ cản trở quá trình lưu thông và tuần hoàn của các mạch máu cũng như dây thần kinh. Ở những người làm công việc văn phòng, thường xuyên ngủ trong tư thế ngồi gục đầu xuống bàn hoặc lên tay đang vòng lại thì sau khi ngủ dậy bị tê tay chân, cứng tay chân rất khó chịu.
- Tình trạng liệt giấc ngủ: Liệt giấc ngủ là khái niệm chỉ các chi hoặc toàn bộ cơ thể nhận được tín hiệu của não bộ gửi về để làm ngăn cản các giấc mơ khi đang ngủ. Hiện tượng này khiến cho bạn bị tê tay chân trong khi ngủ và kéo dài đến lúc thức dậy. Mặc dù vẫn nhận thức được cơ thể nhưng bạn lại không thể điều khiển tay chân mình cử động được.
- Căng thẳng, thiếu ngủ: Thần kinh thường xuyên căng thẳng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến bạn bị mất ngủ lâu ngày có thể tạo nên một áp lực lớn cho não bộ. Khi đó, hoạt động của hệ thần kinh bị tê liệt và gây ra cảm giác sau khi ngủ dậy bị tê tay, chân, thậm chí là run cả tay và chân. Lúc này, nếu cơ thể tiếp tục hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng quá tải rất nguy hiểm.
- Hội chứng, bệnh lý ống cổ tay: Đây là bệnh phổ biến, thường gặp ở phụ nữ đang mang thai hoặc những người có công việc chuyên môn phải sử dụng cổ tay nhiều. Tình trạng này trong thời gian dài sẽ gây viêm bao hoạt dịch thứ phát và dẫn đến rối loạn hệ thần kinh ngoại vi. Không chỉ tê bì, người bệnh còn thấy đau cứng ở cả hai bên cánh tay, đặc biệt là về đêm, khiến người bệnh mất ngủ. Cơn đau cũng có thể lan sang những khu vực xung quanh.
- Bị bệnh tiểu đường, xương khớp: Đây được xem là nguyên nhân bệnh lý khiến cơ thể sau khi ngủ dậy bị tê tay chân. Khi lượng đường trong máu tăng cao, sẽ cản trở tốc độ dẫn truyền các dây thần kinh. Một số trường hợp còn bị rối loạn cảm giác do đường huyết cao làm tổn thương bao Myelin. Độ nhớt và cholesterol bị lắng đọng trong máu tăng lên khi đường huyết cao sẽ gây ra chứng xơ vữa và tắc nghẽn mạch máu, làm suy giảm lưu thông, tuần hoàn của mạch máu và các chất dinh dưỡng, cũng như hệ thần kinh ngoại biên. Kết quả là các chi bị tê liệt và người bệnh cảm thấy như đang bị kim châm. Ngoài tiểu đường, xương khớp cũng khiến cho tình trạng tê bì tay chân sau khi ngủ dậy trở nên nặng hơn.
- Bệnh tim mạch: Sau khi ngủ dậy bị tê tay, tê chân có thể do mắc phải tim mạch, khi quá trình lưu thông máu bị ảnh hưởng. Ngoài tê chân, tay, người bệnh còn có thể gặp một số biểu hiện khác.
- Chế độ ăn uống kém, thiếu dinh dưỡng: Thiếu hụt một số khoáng chất như kẽm, sắt, canxi, ... hoặc vitamin nhóm B, D trong chế độ ăn hàng ngày cũng có thể gây ra tình trạng tê cứng tay, chân sau khi ngủ dậy.
- Thừa cân, béo phì, ít vận động: Ngược lại, việc thừa cân, béo phì và lười vận động cũng ảnh hưởng rất lớn đến các chi và hệ xương khớp vì quá trình lưu thông mạch máu bị cản trở.
- Nguyên nhân khác: Thói quen thường xuyên sử dụng bia, rượu hoặc bị chấn thương, mắc phải một số bệnh lý như bệnh tự miễn, viêm dây thần kinh ngoại biên, khối u chèn ép hệ thần kinh, ... cũng là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng sau khi ngủ dậy bị tê chân tay.
3. Làm thế nào để khắc phục chứng sau khi ngủ dậy bị tê tay chân?
Bị tê tay, tê chân khi ngủ dậy nếu để lâu có thể khiến cơ thể bị mất cảm giác. Tốt nhất là nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây bệnh và từ đó sẽ có phương pháp điều trị hiệu quả và dứt điểm.Nếu sau khi ngủ dậy bị tê tay chân chỉ là tình trạng tạm thời và do thói quen xấu gây ra thì có thể được khắc phục bằng những cách sau:
- Chú ý không giữ cơ thể ở một tư thế trong thời gian dài, nhất là khi ngủ. Tránh nằm nghiêng sang một bên hay gối đầu lên tay, nằm ngủ gối quá cao làm cản trở lưu thông mạch máu.
- Sau khoảng thời gian dài làm việc hãy xoa bóp, massage nhẹ nhàng tay, chân để các mạch máu được lưu thông, tuần hoàn tốt.
- Thúc đẩy quá trình tuần hoàn mạch máu trong cơ thể bằng cách ngâm chân tay trong nước ấm cũng là cách làm giảm và phòng ngừa tình trạng sau khi ngủ dậy bị tê tay chân hiệu quả.
- Chú ý ăn uống đầy đủ dưỡng chất, hạn chế các chất kích thích gây hại cho cơ thể.
- Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, giúp cơ thể vừa duy trì cân nặng phù hợp, vừa khắc phục được chứng tê cứng tay chân.
- Uống đủ nước sẽ giúp đảm bảo quá trình tuần hoàn và lưu thông máu được diễn ra thuận lợi, hạn chế tình trạng sau khi ngủ dậy bị tê tay, chân.
Sau khi ngủ dậy bị tê tay chân do nhiều nguyên nhân gây ra như nằm ngủ bị sai tư thế, mắc phải một số bệnh lý như tiểu đường, xương khớp, tim mạch, hệ thần kinh, ... Để khắc phục tình trạng này cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách điều trị hiệu quả do bác sĩ thăm khám và chỉ định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.