Gãy xương bàn tay là tình trạng nứt, gãy một hoặc nhiều xương đốt bàn ngón tay và đốt ngón tay. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cầm nắm và khả năng xúc giác, làm giảm khả năng nhận biết các vật thể. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về phác đồ điều trị và những điều cần lưu ý.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Tổng quan về gãy xương bàn tay
Bàn tay gồm 27 xương và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các động tác tinh tế như cầm nắm, nhận biết các vật thể. Gãy xương bàn tay bao gồm gãy xương đốt bàn ngón tay và đốt ngón tay, là loại chấn thương phổ biến nhất ở chi trên. Tình trạng này có thể dẫn đến nứt hoặc gãy một hoặc nhiều xương của bàn tay. Nếu gãy xương nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến các dây chằng, dây thần kinh và mạch máu, để lại hậu quả lâu dài.
Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến gãy xương bàn tay bao gồm chấn thương tại nơi làm việc, chấn thương do ngã hoặc trong khi tham gia các hoạt động thể thao. Nguy cơ gãy xương bàn tay đặc biệt cao trong các môn thể thao có tỷ lệ ngã cao như trượt băng, trượt ván…
Vì bàn tay có vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động hàng ngày của con người, việc điều trị gãy xương bàn tay phải nhằm mục tiêu phục hồi chức năng tối ưu cho bàn tay. Trong trường hợp bàn tay bị tổn thương, thứ tự ưu tiên trong điều trị các ngón tay được xếp từ quan trọng nhất đến ít quan trọng hơn như sau:
- Ngón cái: Được ưu tiên hàng đầu trong điều trị vì nó đóng góp tới 50% chức năng của bàn tay.
- Ngón trỏ: Được ưu tiên điều trị ngay sau ngón cái, chiếm khoảng 20% chức năng bàn tay.
- Ngón út: Đóng vai trò quan trọng trong việc cầm nắm và giữ các vật có kích thước lớn.
- Ngón giữa: Giúp cầm nắm các vật nhỏ gọn trong lòng bàn tay.
- Ngón 4: Là ngón được điều trị cuối cùng vì ít quan trọng nhất.
2. Chẩn đoán gãy xương bàn tay
Khi gãy xương bàn tay, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Các triệu chứng sau chấn thương bao gồm sưng đau tại vị trí tổn thương, cùng với bầm tím và vết thương hở.
- Khả năng vận động bị hạn chế, đặc biệt là khó khăn trong các động tác gập và duỗi.
- Có sự biến dạng và cử động không bình thường của xương, đôi khi có thể nghe thấy tiếng lạo xạo khi cử động.
- Có thể xuất hiện các biến chứng liên quan đến mạch máu và thần kinh.
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và hỏi người bệnh về nguyên nhân gây chấn thương. Đối với những trường hợp bị thương do đấm vào vật cứng, khả năng gãy xương bàn tay ngón út là rất cao. Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách chạm vào bàn tay, các ngón tay và cổ tay để xác định điểm đau chính xác, đồng thời đánh giá sơ bộ về sự tổn thương của mạch máu, gân cùng thần kinh tại vùng tay. Để chẩn đoán chính xác mức độ của tổn thương xương như gãy, di lệch, gãy kín hay hở, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang bàn tay với các góc thẳng và chếch 45 độ.
3. Phác đồ điều trị gãy xương bàn tay
3.1. Gãy nền xương bàn I
Gãy nền xương bàn I có hai loại gãy: gãy ngoài khớp và gãy Bennett. Gãy Bennett thường là một đường gãy chéo bắt đầu từ phần giữa diện khớp và kéo xuống dưới vào trong, dẫn đến tách ra một mảnh nhỏ. Xương bàn tay bị trật ra ngoài đồng thời mặt gãy trượt dọc bờ ngoài xương thang.
Tùy theo mức độ gãy xương bàn tay, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bảo tồn hay phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bằng cách nắn bó bột cẳng-bàn tay qua khớp bàn đốt, ngón cái tư thế dạng, giữ trong 6 tuần. Kết hợp sử dụng kháng sinh, thuốc kháng viêm, giảm đau, vitamin,... Tiêm ngừa uốn ván nếu cần thiết.
Điều trị phẫu thuật có nhiều hình thức như:
- Cố định vào xương thang.
- Nếu không tiến hành mở tại vị trí gãy, sau khi nắn xương để ngón cái ở tư thế dạng tối đa, hai kim Kirschner sẽ được xuyên qua nền xương bàn và xương thang.
- Đặt kim Kirschner từ xương bàn I sang xương bàn II để ổn định ngón cái dạng và đối chiếu. Kim được giữ trong vòng 6 tuần.
Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định đeo nẹp bột để cố định tạm thời nếu thấy cần thiết. Bệnh nhân cũng sẽ được truyền dịch đẳng trương và dùng các loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc chống viêm...
3.2. Gãy nền các xương bàn II, III, IV, V
Sau khi chẩn đoán mức độ gãy của xương bàn II, III, IV, V bằng phương pháp chụp X-quang, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn bằng cách sử dụng nẹp bột hoặc bó bột cẳng bàn tay, duy trì trong 4 tuần. Điều trị gãy xương bàn tay này sẽ được kết hợp với việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc chống viêm...
3.3. Gãy thân và chỏm các xương bàn
Các dấu hiệu lâm sàng rõ ràng của gãy thân và chỏm xương bàn tay bao gồm tình trạng biến dạng của bàn tay, cử động không bình thường và tiếng lạo xạo từ xương. Dựa vào kết quả chụp X-quang, bác sĩ có thể xác định được đường gãy, vị trí và mức độ lệch của xương. Về phương pháp điều trị, có hai lựa chọn chính là điều trị bảo tồn và phẫu thuật:
- Điều trị bảo tồn: Đối với gãy ngón I, có thể áp dụng phương pháp bó bột cẳng bàn tay qua khớp bàn ngón. Trong trường hợp gãy ngón II, III, IV hoặc ngón út, bác sĩ có thể sử dụng nẹp bột, bó bột cẳng bàn tay hoặc nẹp Iselin. Điều trị này thường được kết hợp với thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm,... và tiêm ngừa uốn ván nếu có vết thương hở hoặc xây xát kèm theo.
- Điều trị phẫu thuật: Phương pháp này được áp dụng khi xương bị di lệch nặng và không thể chỉnh hình bằng phương pháp nắn bó bột. Phẫu thuật thường sử dụng hai cây kim Kirschner để găm nội tủy nhằm giữ trục xương, kết hợp với dùng nẹp vít bản nhỏ để cố định xương lại với nhau. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được cố định bằng nẹp bột tạm thời, đồng thời sử dụng dịch truyền, các loại thuốc kháng sinh, chống viêm và giảm đau để hỗ trợ quá trình hồi phục.
3.4. Phác đồ điều trị gãy xương bàn tay phần gãy các xương ngón tay
3.4.1. Gãy đốt I
Điều trị bảo tồn: Đối với gãy đốt I ngón cái, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp bó bột cẳng bàn tay qua khớp liên đốt. Đối với gãy đốt I của các ngón II, III, IV, V, điều trị bảo tồn sẽ bao gồm việc bó bột cẳng-bàn tay kết hợp với nẹp Iselin. Điều trị này được hỗ trợ bằng việc dùng thuốc kháng sinh dạng uống hoặc tiêm, thuốc kháng viêm và thuốc giảm đau. Nếu có vết thương hở hoặc xây xát da kèm theo, bác sĩ cũng sẽ tiêm ngừa uốn ván để phòng ngừa nhiễm trùng.
Điều trị phẫu thuật: Khi điều trị bảo tồn bằng bó bột không hiệu quả, dễ dẫn đến di lệch thứ phát và làm hẹp bao gân gấp, gây khó khăn trong động tác gấp các ngón tay, phẫu thuật thường được chỉ định rộng rãi đối với gãy đốt I. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật qua đường mổ ở mặt lưng ngón tay gần phần duỗi, sử dụng hai cây kim Kirschner được xuyên từ hai bên chỏm lên. Nếu cấu trúc không vững, có thể cần bó bột để tăng cường. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được tăng cường truyền dịch đẳng trương, đạm, lipid (nếu cần thiết) và sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, cầm máu,...
3.4.2. Gãy đốt II
Đối với trường hợp gãy đốt II ngón I, phương pháp điều trị bảo tồn thường được áp dụng bằng cách bó bột cẳng-bàn tay qua khớp liên đốt, duy trì trong vòng 4 tuần. Phẫu thuật chỉ được cân nhắc khi có tình trạng đứt gân bám.
Đối với gãy đốt II của các ngón II, III, IV và V, điều trị thường bao gồm việc bó bột cẳng-bàn tay kết hợp với nẹp Iselin. Một phương pháp khác là bó bột một ngón tay theo kiểu đuôi đạn từ đốt I đến đốt III với các khớp liên đốt được gập khoảng 30 độ.
3.4.3. Gãy đốt III
Nếu gãy không di lệch, chỉ cần quấn băng keo xung quanh đốt II và III, duy trì đốt gãy ở tư thế gập nhẹ 20-30 độ trong 4-6 tuần.
Trong trường hợp gãy đứt chỗ bám của gân duỗi, có thể xử lý theo một trong các cách sau:
- Cố định bằng kim Kirschner để giữ đốt xa ở tư thế duỗi tối đa.
- Bó bột ở tư thế duỗi quá mức cho đốt III.
- Sử dụng chỉ thép nhỏ để khâu vào gân và kéo ra ngoài ở phần búp ngón.
4. Gãy xương bàn tay bao lâu lành?
Thời gian lành lại của xương bàn tay tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí gãy, tuổi tác và sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến quá trình phục hồi nhanh hay chậm của xương.
Đối với trường hợp bị gãy xương ngón tay chỉ mất 3 đến 4 tuần để lành xương trong điều kiện không có biến chứng xảy ra. Bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đẩy nhanh quá trình lành xương.
Với trường hợp gãy xương cổ tay, bệnh nhân có thể mất 6 đến 8 tuần để phục hồi vết thương.
Gãy xương bàn tay là một chấn thương nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm và đảm bảo khả năng cử động cho bàn tay. Sau khi thăm khám, các bác sĩ sẽ tư vấn và xác định phương pháp điều trị phù hợp nhằm giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.