Loãng xương là một tình trạng bệnh lý của hệ thống xương, làm giảm tỷ trọng khoáng chất của xương kết hợp với sự biến đổi cấu trúc của xương khiến cho xương mỏng manh và yếu đến mức dễ dàng bị gãy dù chỉ là một chấn thương nhẹ. Căn bệnh này thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến gãy xương, thậm chí là tàn phế nếu không biết cách phòng ngừa.
1. Vì sao loãng xương?
Bệnh loãng xương có thể do tiên phát hoặc thứ phát do một số bệnh lý khác gây ra:
- Loãng xương tiên phát (type 1): Còn gọi là loãng xương sau mãn kinh. Loại này thường xuất hiện từ trên 5 năm sau tuổi mãn kinh. Trong khoảng 5 - 10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương của người phụ nữ mỗi năm có thể lên đến 24% tổng khối lượng xương. Đặc điểm của loại loãng xương này là do sự mất xương chủ yếu ở xương xốp và thường gây ra tình trạng gãy lún các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay. Trong loãng xương sau mãn kinh, ngoài nguyên nhân do thiếu hụt hormone estrogen, người ta còn thấy giảm tiết hormon cận giáp làm tăng tiết canxi qua thận, suy giảm hoạt động của vitamin D3 làm giảm hấp thu canxi ở ruột.
- Loãng xương tiên phát (type 2): Loại loãng xương này liên quan đến tuổi, xuất hiện ở nữ giới nhiều gấp 2 lần ở nam giới. Đây là hậu quả của sự mất xương chậm trong vòng vài chục năm. Biểu hiện chính của loại này là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều cả trên xương đặc (phần vỏ xương) và xương xốp (phần bè xương). Tình trạng này liên quan đến hai yếu tố quan trọng đó là giảm hấp thu canxi và giảm chức năng tạo cốt bào, dẫn tới tình trạng cường cận giáp trạng thứ phát.
- Loãng xương thứ phát: Tình trạng loãng xương là hậu quả của một số bệnh lý ảnh hưởng tới rối loạn chuyển hóa khoáng chất của xương. Loại loãng xương này được phát hiện ở cả nam và nữ.
2. Các biểu hiện khi bị loãng xương
Loãng xương còn được gọi là căn bệnh thầm lặng, bởi trong giai đoạn đầu của bệnh, tình trạng loãng xương đã xảy ra nhưng không có biểu hiện gì ra bên ngoài. Người bệnh không thể biết rằng họ đang bị loãng xương cho đến khi xương trở nên yếu và xuất hiện một số triệu chứng như:
- Đau cột sống: Có thể đau cột sống lưng hoặc cột sống thắt lưng cấp. Xảy ra sau 1 tuần, tương ứng với tình trạng nén xương đột ngột do gắng sức nhẹ, do ngã hoặc do một động tác sai tư thế. Đi kèm với đau thường có tiếng kêu rắc rắc khi vận động, có khi đau khiến bệnh nhân phải nằm nghỉ. Cơn đau cấp tính có thể liên quan với sự nén cột sống kinh diễn, tình trạng đau nặng lên khi có một hoạt động gắng sức do ngồi hoặc đứng ở tư thế kéo dài, đỡ đau khi nghỉ ngơi.
- Biến dạng cột sống: Tình trạng này thường xuất hiện sau nhiều năm bị loãng xương, lưng còng, xẹp đốt sống làm giảm chiều cao dần theo tuổi. Khi sờ có thể thấy các xương sườn ở cuối chạm tới mào chậu. Đến giai đoạn này tình trạng giảm chiều cao sẽ dừng lại.
- Gãy xương: Chỉ một va chạm nhẹ cũng có thể dẫn tới gãy xương. Thường bị gãy ở phần thấp của cẳng tay, cổ xương cánh tay, xương sườn, cột sống, cổ xương đùi. Người bệnh thấy đau cột sống và triệu chứng đau mất đi sau khi nghỉ ngơi 4 - 6 tuần, không gây ra ép tủy. Gãy xương đùi có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân vì các biến chứng do nằm lâu ảnh hưởng tới khả năng vận động trở lại trong tương lai. Nén đốt sống thường xảy ra ở giai đoạn 55 - 70 tuổi, còn gãy cổ xương đùi thường muộn hơn, gãy xương chậu cũng có thể xảy ra.
Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
3. Dự phòng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
Chúng ta đều biết rằng, cùng với tuổi tác, canxi sẽ giảm một cách từ từ không tránh được. Từ 20 tuổi cho đến 80 tuổi, khối lượng xương mất đi khoảng 30%. Riêng ở phụ nữ nặng hơn nam giới vì còn có thêm rối loạn sau mãn kinh, do đó khối lượng xương mất đi ở tuổi 80 có thể lên tới 40%. Để phòng bệnh loãng xương sau mãn kinh, phụ nữ cần thực hiện các biện pháp sau đây:
- Tập thể dục: Phụ nữ cần lên một chương trình luyện tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp cho xương và cơ bắp khỏe hơn, ngăn ngừa tình trạng mất xương. Các bài tập nặng được thực hiện ít nhất 3 - 4 lần/tuần là tốt nhất để ngăn ngừa loãng xương. Đi bộ, chạy bộ, chơi tennis và khiêu vũ đều là những bài tập tốt bạn có thể lựa chọn. Ngoài ra, các bài tập sức mạnh và giữ thăng bằng sẽ giúp bạn tránh té ngã giảm khả năng bị gãy xương.
- Chế độ ăn uống giàu canxi: Cung cấp đủ canxi trong suốt cuộc đời sẽ giúp xây dựng và giữ cho xương chắc khỏe. Ở Hoa Kỳ, người ta khuyến cáo người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh loãng xương thấp/trung bình cần được cung cấp 1.000mg canxi mỗi ngày. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao như phụ nữ sau mãn kinh cần được cung cấp 1.200mg canxi mỗi ngày. Nguồn canxi tuyệt vời nhất là từ sữa và các sản phẩm từ sữa, cá đóng hộp có xương như cá hồi, cá mòi, các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh....
- Bổ sung canxi: Nếu bạn nghĩ rằng mình cần bổ sung để có đủ canxi, thì trước tiên hãy gặp bác sĩ để kiểm tra xem có cần phải làm như vậy không. Người trẻ tuổi có thể dung nạp được 2.500mg canxi mỗi ngày. Người từ 51 tuổi trở lên chỉ nên bổ sung 2.000mg canxi mỗi ngày. Việc sử dụng canxi quá liều sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
- Vitamin D: Ccơ thể chúng ta cần vitamin D để hấp thu canxi. Việc tắm nắng khoảng 20 phút mỗi ngày sẽ giúp hầu hết mọi người được cung cấp đủ vitamin D. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận được vitamin D từ trứng, cá hồi, ngũ cốc, sữa tăng cường vitamin D. Những người ở độ tuổi 51 - 70 nên uống thêm 600 IU vitamin D mỗi ngày. Việc sử dụng sản phẩm bổ sung nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc: Hầu hết các bisphosphonate đường uống cũng như raloxifene (Evista) có thể được sử dụng để giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương ở người có nguy cơ gãy xương cao.
- Estrogen: Là hormone được sản xuất ở buồng trứng, giúp bảo vệ chống lại tình trạng mất xương. Nó có thể được sử dụng như điều trị ngăn ngừa loãng xương. Thay thế lượng estrogen bị mất sau mãn kinh giúp làm chậm quá trình mất xương và cải thiện khả năng hấp thu và giữ canxi của cơ thể. Tuy nhiên liệu pháp này cũng mang đến những rủi ro nhất định, do đó nó chỉ được khuyến cáo cho những phụ nữ có nguy cơ cao bị loãng xương hoặc các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng.
- Cần biết các loại thuốc làm tăng nguy loãng xương như: steroid, một số phương pháp điều trị ung thư vú như thuốc ức chế aromatase, thuốc chống co giật, thuốc chống đông máu, thuốc tuyến giáp có thể làm tăng tỷ lệ mất xương. Nếu bạn đang phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào kể trên, hãy trao đổi với bác sĩ về cách làm giảm nguy cơ mất xương.
- Một số biện pháp phòng ngừa khác:
- Hạn chế uống rượu: uống quá nhiều rượu có thể làm hỏng xương của bạn và làm tăng nguy cơ ngã và gãy xương.
- Không hút thuốc: hút thuốc khiến cơ thể bạn sản xuất ít estrogen hơn, do đó không hút thuốc sẽ giúp bảo vệ xương.
Để dự phòng loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, thì người phụ nữ cần phải chú ý đến các biện pháp trên từ khi còn trẻ, chứ không phải đợi đến khi mãn kinh rồi mới thực hiện.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, uptodate.com