Lưu ý trong điều trị và dự phòng bệnh loãng xương

Loãng xương là bệnh thầm lặng, dễ gây ra các biến chứng, chỉ phát hiện bệnh khi xương bị gãy. Tuy bệnh, bệnh có thể phòng ngừa được, thậm chí những người đang điều trị hoặc đã từng bị bệnh vẫn có thể thực hiện các phương pháp nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ gãy xương.

1.Bệnh loãng xương là gì?

Loãng xương là hiện tượng xương liên tục mỏng và mật độ chất thưa dần khiến xương giòn, tổn thương và dễ bị gãy. Khi bị loãng xương, bất cứ xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng dẫn đến gãy dù là chấn thương nhẹ, một số xương bị gãy có thể không lành lại được. Loãng xương được chia làm hai loại:

  • Loãng xương nguyên phát: Nguyên nhân là do không tìm thấy căn nguyên nào khác ngoài tuổi tác (xuất hiện ở cả nam và nữ, trên 70 tuổi, do mất chất khoáng ở xương xốp và xương đặc, giảm hấp thu calci, giảm chức năng tạo cốt bào dẫn tới cường cận giáp thứ phát) hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ (do giảm nội tiết tố oestrogen, giảm tiết hormon tuyến cận giáp trạng, tăng thải calci niệu, suy giảm hoạt động của enzym).
  • Loãng xương thứ phát: Nguyên nhân là do liên quan đến một số bệnh mạn tính (bệnh nội tiết, bệnh tiêu hóa, bệnh khớp, bệnh ung thư, bệnh di truyền...) và sử dụng một số loại thuốc (sử dụng corticoid, heparin, dùng lợi tiểu kéo dài...)

Bên cạnh đó, loãng xương có thể do cơ thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống; lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động; mang vác các vật nặng, lao động vất vả hàng ngày... Tuy nhiên, bệnh loãng xương thường ít khi biểu hiện các triệu chứng rõ ràng, người bệnh chỉ biết mắc bệnh khi xương trở nên yếu, dễ gãy khi bị chấn thương. Một số biểu hiện có thể cảnh báo bạn bị loãng xương như:

  • Đau ở vùng xương như cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu, tăng lên khi vận động và thuyên giảm khi nằm nghỉ.

Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phạm Trung Hiếu
Phạm Trung Hiếu
Bác sĩ chuyên khoa II,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

  • Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người bệnh khó có thể thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay người.
  • Xương ở cột sống có thể bị xẹp gây đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng.
  • Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức các đầu xương, mỏi dọc các xương dài, châm chích toàn thân.
  • Trường hợp tuổi trung niên, bệnh loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp, cao huyết áp,...

2. Lưu ý trong điều trị bệnh loãng xương

2.1. Phương pháp điều trị bệnh loãng xương không dùng thuốc

  • Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung nguồn thức ăn giàu calci từ 1.000-1.500mg hàng ngày; tránh thuốc lá, cafe, rượu, thừa cân hoặc thiếu cân.
  • Thường xuyên tăng cường vận động, tránh chấn thương...
  • Dùng dụng cụ, nẹp chỉnh hình cột sống, khớp háng nhằm giảm áp lực lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.

2.2. Phương pháp điều trị bệnh loãng xương bằng thuốc

  • Bổ sung thuốc nếu chế độ ăn không đủ như: Calci (500 – 1.500mg hàng ngày); Vitamin D (800 - 1.000 UI hàng ngày); thuốc chống hủy xương; nhóm Bisphosphonat (chống chỉ định ở phụ nữ có thai và cho con bú, dưới 18 tuổi, suy thận với mức lọc cầu thận <35ml/phút); Calcitonin (100UI tiêm dưới da hoặc 200UI xịt qua niêm mạc mũi hàng ngày, dùng 2 – 4 tuần).
  • Thuốc điều trị loãng xương có tác dụng kép: Thuốc trị loãng xương được chỉ định khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonate. Strontiumranelat nhằm tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương. Dùng 2g uống ngày một lần vào buổi tối.
  • Liệu pháp sử dụng các chất giống hormon: Chỉ định đối với phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh: Raloxifen, chất điều hoà chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs) với liều lượng 60mg uống hàng ngày, trong thời gian ≤ 2 năm.
  • Các nhóm thuốc điều trị loãng xương khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết như thuốc làm tăng quá trình đồng hoá (Deca Durabolin và Durabolin).

Một số loại thuốc phù hợp sẽ được bác sĩ cân nhắc trong việc điều trị nội khoa
Một số loại thuốc phù hợp sẽ được bác sĩ cân nhắc trong việc điều trị nội khoa

2.3. Điều trị triệu chứng

  • Đau cột sống, đau dọc các xương: Trong trường hợp đau cột sống, đau dọc các xương khi bị loãng xương và cách điều trị là dùng calcitonine và các thuốc giảm đau, kết hợp thuốc kháng viêm giảm đau không steroids, thuốc giảm đau bậc 2 và thuốc giãn cơ...
  • Chèn ép rễ thần kinh liên sườn khiến người bệnh đau ngực, khó thở, chậm tiêu, dị cảm, tê... thì cần nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng, thuốc giảm đau, thuốc giảm đau thần kinh, vitamin nhóm B.

2.4. Điều trị ngoại khoa các biến chứng gãy cổ xương đùi, gãy thân đốt sống

  • Trường hợp gãy đốt sống, biến dạng cột sống cần phục hồi chiều cao cột sống bằng phương pháp tạo hình đốt sống.
  • Nếu người bệnh gãy cổ xương đùi có thể bắt vít xốp, thay chỏm xương đùi hoặc thay toàn bộ khớp háng.
  • Phụ nữ sau mãn kinh, nam giới > 60 tuổi bị gãy đốt sống, gãy cổ xương đùi hoặc gãy xương cổ tay do chấn thương nhẹ thì điều trị loãng xương mà không cần đo khối lượng xương.

2.5. Điều trị lâu dài

  • Theo dõi sát người bị loãng xương và cách điều trị theo từng giai đoạn, phù hợp với bệnh cảnh.
  • Đo lại mật độ xương cho người bệnh sau mỗi 1-2 năm để đánh giá kết quả điều trị loãng xương
  • Điều trị loãng xương lâu dài từ 3 -5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh

3. Lưu ý trong dự phòng bệnh loãng xương

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị loãng xương, bạn cần thực hiện các phương pháp dưới đây nhằm dự phòng bệnh loãng xương. Cụ thể:

  • Cung cấp đầy đủ calci, vitamin D, các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể theo nhu cầu lứa tuổi, tình trạng cơ thể và thường xuyên đến khám bác sĩ định kỳ để đo loãng xương, kiểm tra mật độ xương.
  • Đảm bảo cầu thang, nhà cửa không bị lộn xộn hoặc tránh leo thang, để giảm thiểu nguy cơ té ngã gây gãy xương.
  • Tập thể dục giúp xương khỏe mạnh, tăng sức mạnh cơ bắp, cân bằng cơ thể, giúp sức khỏe tốt hơn. Tập thể dục cũng cần phải cẩn thận, tránh vận động quá mạnh hay động tác khó gây chấn thương.
  • Nếu người bệnh đang điều trị loãng xương hoặc có tiền sử loãng xương thì cần tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Không được tự ý uống thuốc khi không có chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc được kê toa từ bác sĩ điều trị.
  • Khi bạn có nguy cơ loãng xương nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ như phải dùng corticosteroid để điều trị bệnh nền, tiền sử gia đình có gãy xương do loãng xương, nguy cơ té ngã cao..., cần khám bác sĩ để được chỉ định dự phòng loãng xương.

Định kỳ kiểm tra sức khỏe giúp người bệnh phòng tránh và phát hiện điều trị loãng xương kịp thời
Định kỳ kiểm tra sức khỏe giúp người bệnh phòng tránh và phát hiện điều trị loãng xương kịp thời

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe