Điều trị bảo tồn trật khớp háng

Điều trị bảo tồn trật khớp háng

Trật khớp háng là một vấn đề trật khớp hiếm gặp và chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp bị trật khớp nói chung. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trật khớp háng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Bài viết này sẽ cụ thể hóa phương pháp điều trị bảo tồn trật khớp háng phổ biến hiện nay.

1. Tìm hiểu về trật khớp háng

1.1 Trật khớp háng là gì?

Trật khớp háng là tình trạng chỏm xương đùi trật ra khỏi vị trí đúng của khớp háng. Tùy theo vị trí trật mà trật khớp háng có thể được phân thành một số nhóm sau:

  • Trật khớp về phía sau;
  • Trật khớp ra phía trước;
  • Trật khớp tại trung tâm, nghĩa là vùng chỏm xương đùi có hiện tượng lún sâu vào đáy hõm.

1.2 Nguyên nhân gây ra trật khớp háng

Khớp háng là khớp lớn nhất và nằm sâu trong cơ thể, vì vậy có kết cấu ổn định và vững chắc. Do đó, để có thể gây ra trật khớp háng cần phải có một lực tác động cực kì mạnh.

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này bao gồm:

  • Tai nạn giao thông;
  • Các chấn thương/tai nạn bất ngờ trong thể thao;
  • Do tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày;
  • Một số trường hợp bị trật khớp háng bẩm sinh.

Ngoài ra, những chuyển động bất thường cũng có thể gây ra tình trạng này, ví dụ như té ngã, người cao tuổi, người đã thay khớp háng, loãng xương...

Có nhiều nguyên nhân gây ra trật khớp háng
Có nhiều nguyên nhân gây ra trật khớp háng

2. Biến chứng từ trật khớp háng nếu không điều trị

Điều trị trật khớp háng là cực kì cần thiết bởi tình trạng này có khả năng gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống bệnh nhân. Đặc biệt, một số biến chứng sau là rất thường gặp khi trật khớp háng không được điều trị:

  • Hoại tử vùng chỏm xương đùi: Khi bị trật khớp háng, các mạch máu cũng sẽ bị chèn ép hoặc thậm chí bị đứt. Máu lúc này không thể lưu thông đến vùng chỏm xương đùi và dần dần, khu vực này sẽ bị hoại tử;
  • Thoái hóa khớp háng;
  • Tổn thương các dây thần kinh: Tình trạng trật khớp háng có khả năng gây căng thẳng hoặc phá hủy các dây thần kinh tại khu vực này;
  • Bị trật khớp háng tái hồi: Các cấu trúc cố định của khớp háng sẽ bị tổn thương và khó hồi phục tốt, vì vậy khớp háng sẽ dễ bị tái phát.

3. Phương pháp điều trị bảo tồn trật khớp háng

3.1 Chỉ định điều trị bảo tồn trật khớp háng

Điều trị trật khớp háng theo phương thức bảo tồn có thể được chỉ định trong một số trường hợp như:

  • Trật khớp kín hoặc trật khớp háng sớm (dưới 3 tuần;.
  • Trật khớp đơn giản (đơn thuần): Không có kèm theo gãy xương vùng háng;
  • Bị trật khớp háng có kèm theo gãy xương vùng háng nhưng ít lệch;
  • Bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật: Bệnh nhân bị bệnh toàn thân nghiêm trọng hoặc có khó khăn về kinh tế/từ chối phẫu thuật...

3.2 Các trường hợp chống chỉ định điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn trật khớp háng không phải luôn được chấp nhận. Trong một số trường hợp sau, bệnh nhân không được điều trị bảo tồn:

  • Tình trạng trật khớp hở, chưa được xử trí phẫu thuật;.
  • Trật khớp háng muộn (sau 3 tuần);
  • Bệnh nhân có tình trạng vỡ xương chậu nặng, gãy đùi – cẳng chân cùng bên háng bị trật khớp...;
  • Bệnh nhân có nhiều chấn thương ở các tạng khác, hôn mê, đa chấn thương...

3.3 Điều trị bảo tồn trật khớp háng như thế nào?

Điều trị bảo tồn cho tình trạng trật khớp háng sử dụng phương pháp Boehler – một phương pháp truyền thống kinh điển, an toàn, đơn giản và được áp dụng rộng rãi trong nhiều bệnh viện/trung tâm sức khỏe lớn.

Điều trị theo phương pháp Boehler được áp dụng cho mọi kiểu trật khớp háng, đặc biệt là trong trường hợp trật khớp sớm. Ngoài ra, các bác sĩ có thể kết hợp thêm một số phương pháp khác để đẩy nhanh quá trình phục hồi của khớp và chức năng đi lại.

  • Thuốc

Khi bị trật khớp háng, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau dữ dội do sưng và co thắt cơ. Vì vậy, các bác sĩ sẽ kê một số nhóm thuốc giảm đau – kháng viêm và thuốc giãn cơ để hỗ trợ giảm triệu chứng.

Bệnh nhân cần uống theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ.

Thuốc giảm đau, kháng viêm được sử dụng phổ biến để điều trị trật khớp háng
Thuốc giảm đau, kháng viêm được sử dụng phổ biến để điều trị trật khớp háng

  • Vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị trật khớp háng

Phương pháp vật lý trị liệu là một trong những giải pháp hỗ trợ điều trị trong chấn thương – chỉnh hình.

Hiện nay, các bài tập vật lý trị liệu cho tình trạng trật khớp háng đã được nghiên cứu và phát triển đa dạng. Tùy theo từng mức độ tổn thương cũng như giai đoạn điều trị mà sẽ có nhiều phương pháp hỗ trợ khác nhau.

Có thể thấy, trật khớp háng tuy không phải là một vấn đề thường gặp nhưng vẫn cần có sự điều trị đúng cách để đảm bảo chức năng của khớp, hạn chế các biến chứng không mong muốn cho bệnh nhân. Để điều trị bệnh hiệu quả, thời gian phát hiện bệnh có vai trò rất quan trọng bởi vậy, ngay khi cơ thể có những biểu hiện khác lạ, đặc biệt ở phần khớp háng, bạn nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan