Cột sống có khối u: Những điều cần biết

U cột sống là các khối u phát triển bên trong ống đốt sống của cột sống. Khi những khối u cột sống này phát triển, chúng có thể khiến ống tủy sống bị thay đổi và gây ra những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả khi những khối u tủy này không phải là ung thư.

1. Bệnh u cột sống là bệnh gì?

U cột sống là những khối mô bất thường xuất hiện ở bên trong hoặc xung quanh tủy sống, cột sống. Khi những tế bào này tăng trưởng và nhân đôi một cách không kiểm soát, chúng tạo thành những khối u trong tủy sống, đó có thể u lành tính hoặc u ác tính.

Cần phân biệt giữa u cột sống nguyên phát và u cột sống thứ phát. U nguyên phát là khối u bắt nguồn từ tủy sống hoặc cột sống, còn u thứ phát hay u di căn là khối u do tế bào ung thư từ cơ quan khác lan đến cột sống.

Cột sống
U cột sống là những khối mô bất thường xuất hiện ở bên trong hoặc xung quanh tủy sống, cột sống

2. Các loại u cột sống

Dựa theo vị trí u, u cột sống có 3 loại chính sau đây:

  • U trong màng cứng – ngoài tủy:

Dạng phổ biến nhất của loại u này là u màng não, trong các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống hoặc nền tủy sống. U màng não thường là u lành tính nhưng khó có thể cắt hết và khối u dễ tái phát. Nói chung, u rễ thần kinh là u lành tính, tuy nhiên, u sợi thần kinh có thể trở thành u ác tính và việc điều trị khối u ở đây thường rất phức tạp.

  • U tủy sống:

Là những khối u phát triển bên trong tủy sống, thường xuất hiện ở vùng tủy cổ, hình thành từ tế bào đệm hoặc tế bào lót ống nội tủy, nằm bên trong mô kẽ tủy sống. Hai dạng phổ biến của u tủy sống là u tế bào sao và u tế bào lót ống nội tủy, là những khối u lành tính, tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ khối u tương đối khó. Dạng hiếm gặp là u mỡ nội tủy bẩm sinh, thường xuất hiện ở vùng tủy ngực.

  • U ngoài màng cứng:

Đây là loại u cột sống thường do di căn hoặc u tế bào Schwann, hình thành từ tế bào bao quanh rễ sợi trục thần kinh. Trong một vài trường hợp, u ngoài màng cứng phát triển xuyên qua lỗ liên đốt sống, vừa nằm trong vừa nằm ngoài cột sống.

Ngoài ra, u cột sống còn được phân loại thành:

  • U di căn cột sống:

Là do ung thư nguyên phát ở những cơ quan khác di căn đến cột sống, trong đó cột sống là nơi di căn thường gặp nhất của ung thư xương, ung thư phổiung thư tuyến tiền liệt. Ở nam giới, ung thư phổi là u thường di căn đến xương nhất, và ở nữ là ung thư vú. Các ung thư khác cho di căn cột sống gồm bệnh đa u tủy, Lymphoma, Melanoma, Sarcoma; ung thư đường tiêu hóa, thận và tuyến giáp.

  • U cột sống ở trẻ em:

Là dạng u nguyên phát hiếm gặp ở trẻ em. Tùy thuộc vào loại u sẽ có kết quả điều trị khác nhau như: u xương dạng xương, u nguyên bào xương, u sụn xương, sarcoma xương, sarcoma ewing, u hạt ái toan, phình mạch nang xương, chordoma, mesenchymal chondrosarcoma, u tế bào khổng lồ của xương, dị sản sợi, u sợi, sarcoma mạch máu, u mạch máu. Do hệ cơ xương của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên quá trình điều trị cần cân nhắc nhiều yếu tố như: độ vững của cột sống, can thiệp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, bảo tồn các chức năng thần kinh của trẻ.

3. Nguyên nhân gây u cột sống

Hiện nay, nguyên nhân khiến cột sống có khối u vẫn chưa được xác định rõ, có thể là do:

  • Tiếp xúc với chất sinh ung thư: Một vài loại u cột sống được cho là do tiếp xúc với các chất gây ung thư;
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Lymphoma tủy sống - loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào lympho (một loại tế bào của hệ miễn dịch) thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch;
  • Di truyền: U cột sống thường gặp ở một nhóm đối tượng có cùng huyết thống. Trong một vài trường hợp, u nguyên phát có thể là do 2 bệnh lý di truyền sau:
    • Đa u sợi thần kinh type 2 - Neurofibromatosis 2: Đây là dạng u lành tính phát triển từ lớp màng nhện của tủy sống hoặc trong tế bào đệm của hệ thần kinh. Loại u này thường ảnh hưởng đến các dây thần kinh thính giác và có thể gây mất thính lực ở một hoặc hai tai (u dây thần kinh số VIII);
    • Bệnh Von Hippel-Lindau: Đây là bệnh rối loạn di truyền đa cơ quan hiếm gặp, thường đi kèm với u mạch máu trong não, võng mạc, bệnh u máu trong cột sống - tủy sống, và các dạng khác ở thận hoặc tuyến thượng thận (u lành tính).
Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, liệu nguy cơ mắc ung thư có tăng?
Suy giảm hệ miễn dịch có thể là nguyên nhân gây u cột sống

4. Triệu chứng khi cột sống có khối u

Các đốt sống trong cột sống khác nhau, kích thước của các khối u cũng khác nhau, nên dấu hiệu và triệu chứng của u cột sống ở mỗi người là khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp gồm:

  • Đau tại vị trí cột sống có khối u;
  • Đau khắp cột sống;
  • Bị yếu cơ ở cánh tay hoặc chân;
  • Mất xúc giác ở tay, chân, bàn tay và bàn chân;
  • Khó khăn khi đi đứng;
  • Bị mất chức năng ruột hoặc bàng quang;
  • Độ nhạy cảm đau ở các khu vực bị giảm;
  • Chèn ép dây thần kinh làm thay đổi mức độ tê liệt.

5. Chẩn đoán u cột sống

Bước đầu tiên để chẩn đoán u cột sống là thăm khám lâm sàng kỹ càng, đặc biệt là các triệu chứng đau lưng, khiếm khuyết thần kinh. Các xét nghiệm hình ảnh góp phần chẩn đoán chính xác là:

  • Chụp X-quang: Chụp ảnh cấu trúc cột sống và các khớp cột sống để tầm soát các nguyên nhân có khả năng gây đau lưng, ví dụ như u, nhiễm trùng, gãy xương. Tuy nhiên, chụp X-quang không nhạy trong việc chẩn đoán u;
  • Chụp CT scan: Sẽ cho biết hình dạng và kích thước của ống cột sống, các thành phần bên trong và cấu trúc xung quanh cột sống. Chụp CT scan rất tốt để quan sát các cấu trúc xương, xem cột sống có khối u hay không;
  • Chụp MRI: Giúp quan sát và khảo sát tủy sống, các rễ thần kinh và cấu trúc xung quanh u, sự phì đại, thoái hóa và các khối u.

Sau khi chẩn đoán xác nhận khối u bằng xét nghiệm hình ảnh, để xác định đó là khối u lành tính hay ác tính cần tiến hành làm sinh thiết khối u, xác định type của u để lựa phương thức điều trị phù hợp.

Để đánh giá giai đoạn của u cột sống dựa trên mức độ lan rộng của khối u, đánh giá xâm lấn xương, mô mềm và ống sống, bác sĩ có thể chỉ định PET toàn thân, cũng như chụp CT scan phổi và bụng chậu. So sánh xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh với các triệu chứng sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

6. Điều trị cột sống có khối u

Chăm sóc sau phẫu thuật
Quyết định điều trị được cân nhắc dựa vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và mục tiêu điều trị

Quyết định điều trị được cân nhắc dựa vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và mục tiêu điều trị. Các lựa chọn điều trị bao gồm các phẫu thuật và không phẫu thuật.

6.1 Điều trị không phẫu thuật u cột sống

Lựa chọn điều trị không phẫu thuật bao gồm: theo dõi, hóa trị và xạ trị. Với những khối u không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và không có dấu hiệu tiến triển theo thời gian thì có thể được theo dõi bằng chụp MRI định kỳ. Trong khi đó, có một vài loại u lại đáp ứng khá tốt với phương pháp xạ trị hoặc hóa trị.

6.2 Điều trị phẫu thuật u cột sống

Chỉ định phẫu thuật thay đổi tùy theo loại u. U cột sống nguyên phát có thể được phẫu thuật cắt bỏ u nguyên khối để có thể điều trị dứt bệnh. Đối với u thứ phát do di căn thì phương pháp điều trị chủ yếu là làm giảm nhẹ để phục hồi và bảo tồn chức năng thần kinh của người bệnh, vững cột sống và giảm đau.

Nhìn chung, phương pháp phẫu thuật được cân nhắc với những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có u di căn tiên lượng chỉ sống hơn 12 tuần hoặc hơn;
  • Khối u kháng xạ trị hoặc hóa trị;
  • U cột sống gây đau không đáp ứng thuốc;
  • Khối u chèn ép tủy;
  • Trường hợp có nguy cơ cao bị gãy xương bệnh lý và cần làm vững cột sống.

Với điều trị phẫu thuật, để việc cắt bỏ khối u dễ dàng hơn có thể tiến hành thuyên tắc trước mổ. Quá trình thuyên tắc được thực hiện như sau: luồn một ống dẫn thông qua động mạch đùi đến vị trí khối u, sau đó dùng một loại keo để làm tắc động mạch dẫn máu nuôi khối u, giúp kiểm soát chảy máu trong khi phẫu thuật dễ dàng hơn, giảm thiểu nguy cơ của ca phẫu thuật.

Có 2 đường phẫu thuật điều trị u cột sống. Đường mổ từ phía sau cho phép nhận biết màng cứng và các rễ thần kinh dễ dàng, có thể giải ép nhiều đốt sống hoặc cố định nhiều liên đốt. Còn đường mổ từ phía trước cho phép tiếp cận các u nằm mặt trước cột sống và tái tạo các chỗ khuyết sau cắt bỏ thân sống hiệu quả hơn. Ngoài ra, đường mổ phía trước cũng giúp đặt các dụng cụ cố định đoạn ngắn dễ dàng hơn.

Trong điều trị u cột sống thì khối u ở cột sống ngực và thắt lưng đều ảnh hưởng ở cả mặt trước và mặt sau cột sống, nên phẫu thuật cắt bỏ khối u hoàn toàn là rất khó khăn, do đó, có thể áp dụng cả đường mổ sau và trước sau để điều trị dứt điểm.

Cột sống có khối u gây đau lưng khiến chúng ta dễ bị lầm tưởng sang các bệnh đau xương khớp thông thường hoặc do vận động quá sức, sai tư thế. Do đó, cần kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

69.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan