Có nên xông hơi giảm đau nhức xương khớp?

Đau nhức xương khớp phải làm sao là thắc mắc của rất nhiều người. Tình trạng này rất phổ biến và có thể điều trị bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp xông hơi. Vậy xông hơi giảm đau nhức xương khớp là gì và thực hiện như thế nào?

1. Thực hư việc xông hơi giảm đau nhức xương khớp

Nhiều bệnh nhân thắc mắc bị đau nhức xương khớp phải làm sao? Thống kê cho thấy tình trạng xương khớp đau nhức đang ngày càng phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sai tư thế, lao động nặng, chấn thương, mang vác nặng hoặc là biểu hiện của một số bệnh lý. Do đó muốn điều trị triệt để thì phải xác định chính xác nguyên nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Quá trình điều trị xương khớp đau nhức có thể phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau hoặc đôi khi chỉ cần sử dụng một phương pháp nhất định, và quyết định như thế nào sẽ phụ thuộc vào thể trạng của từng người.

Một biện pháp điều trị xương khớp đau nhức đang dần dần được phổ biến hiện nay chính là xông hơi bằng các loại dược liệu, bên cạnh những công dụng đã được biết đến từ trước như chữa cảm lạnh, an thần, hỗ trợ phục hồi sức khỏe...

Đối với bệnh lý xương khớp đau nhức, phương pháp xông thuốc sẽ phát huy được thế mạnh khi thông qua hơi nóng và tinh dầu dược liệu để thẩm thấu vào các huyệt, qua đó mang lại hiệu quả điều trị tương đối tốt. Theo các chuyên gia Y học cổ truyền, xông hơi có công dụng hành khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc, đồng thời mang lại tác dụng giảm đau và giãn cơ vừa nhanh chóng vừa hiệu quả. Do đó, phương pháp xông thuốc thường được bác sĩ chỉ định phối hợp điều trị với các phương pháp khác trong việc giảm đau nhức xương khớp.

2. Các vị thuốc xông hơi giảm đau nhức xương khớp

Lá lốt (còn có tên gọi khác như tất bát hay tiêu lốt): Cả cây lá lốt đều có chứa tinh dầu với tính ôn, vị cay, khi sử dụng sẽ quy vào các kinh vị, đại tràng. Do đó lá lốt mang lại những công dụng như chữa đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, giảm tình trạng xương khớp đau nhức, chữa viêm tuyến vú khi mới khởi phát hoặc hỗ trợ điều trị đau răng. Bên cạnh sử dụng bằng cách xông hơi, lá lốt còn được sử dụng bằng cách sắc uống hoặc thuốc bột với liều lượng 2-4 gram mỗi ngày.

Đơn tướng quân (hay đơn tía, đơn lá đỏ, mặt quỷ): Bộ phận dùng là lá tươi phơi hoặc sấy khô. Vị thuốc này có tính mát, vị đắng nhạt với tác dụng chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, thấp khớp có sưng nóng đỏ đau, tiêu chảy lâu ngày hoặc kiết lỵ. Liều dùng mỗi ngày khoảng 20-40 gram lá tươi hay sao vàng sắc uống, sau này đã được sử dụng theo đường xông hơi.

Trinh nữ (hay còn gọi là cây xấu hổ): Bộ phận dùng là cả cây phơi khô. Vị thuốc trinh nữ có tác dụng giảm xương khớp đau nhức, điều trị tê thấp, đau đầu, mất ngủ hoặc ngủ không yên giấc, hay mơ mộng, giật mình, tiểu tiện bí, sẻn. Liều mỗi ngày khoảng 20-30 gram sắc uống hoặc xông hơi.

Quế chi: Bộ phận dùng là phần vỏ phơi khô, có tính đại nhiệt, hơi độc, vị cay ngọt, mùi thơm. Tác dụng của quế chi hay được ứng dụng trong cấp cứu bệnh do trúng hàn, chân tay lạnh, đau bụng trúng thực, phong tê bại, chữa phù thũng, bế kinh do hàn, chữa rắn cắn hoặc dùng ngoài bó gãy xương. Liều dùng khoảng 1-4g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm.

Ngải diệp (ngải nhung, ngải cứu): Bộ phận dùng là phần lá có lẫn ít cành non. Trong cây ngải cứu có chứa tinh dầu, tính ấm, vị đắng, mùi thơm, được ứng dụng làm thuốc điều kinh, đau bụng do lạnh, hội chứng lỵ, chữa thổ huyết, chảy máu cam, băng huyết, lậu huyết, đau bụng tử cung lạnh không có thai, chữa đau thần kinh hoặc phong thấp... Liều dùng mỗi ngày khoảng 4-12 gram dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm, bên cạnh đó có thể dùng để xông hơi giảm đau nhức xương khớp.

3. Cách xông hơi giảm đau nhức xương khớp

Khi thực hiện tại nhà, cách thực hiện truyền thống là đun sôi các loại dược liệu cần thiết cho đến khi dậy mùi. Sau đó mang vào nơi kín đáo, không có gió lùa rồi trùm kín người bằng tấm vải lớn hoặc chăn, tiến hành mở nắp nồi để hơi thuốc bay ra và tiến hành xông thuốc.

Các chuyên gia cho biết thêm, ngoài cách trùm kín người, người bệnh còn có thể bộc lộ vùng xương khớp đau nhức để xông thuốc trực tiếp. Quá trình xông hơi giảm đau nhức xương khớp thường kéo dài khoảng từ 5 đến 15 phút, đến khi mồ hôi toát ra đều toàn thân thì dừng lại.

Phương pháp xông hơi đã được sử dụng từ rất lâu, cho đến nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì phương pháp này đã được cải tiến và triển khai thực hiện tại các bệnh viện. Cụ thể là sử dụng giường nằm chuyên dụng, qua đó hỗ trợ việc xông thuốc lên từng vùng tổn thương dễ dàng hơn, nhiệt tập trung tại một vị trí cụ thể nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bỏng trong quá trình xông thuốc.

Kết hợp với đó là máy xông thuốc hiện đại, vừa mang lại hiệu quả cao vừa tránh được những tác động không mong muốn lên người bệnh trong quá trình xông hơi giảm đau nhức xương khớp.

4. Một số lưu ý khi xông hơi giảm đau nhức xương khớp

Xông hơi có những công dụng chủ yếu là giảm đau và giãn cơ, do đó hỗ trợ rất hiệu quả trong quá trình điều trị triệu chứng xương khớp đau nhức. Nếu tình trạng đau chỉ ở mức độ nhẹ thì người bệnh có thể điều trị bằng phương pháp xông hơi đơn thuần, nhưng nếu đau nhiều và nặng hoặc xuất phát từ các bệnh lý khác thì quá trình điều trị phải phối hợp thêm các phương pháp khác.

Nếu xông ở phòng tắm hơi, người bệnh trước khi vào xông cần thay bỏ quần áo, sau khi kết thúc xông thuốc thì lau khô người bằng khăn ấm, ẩm, sau đó lau lại bằng khăn khô rồi mới thay quần áo sạch. Sau xông hơi có thể ăn 1 bát cháo hành hoặc uống nước ấm (hay thuốc ấm), sau đó nghỉ ngơi để tăng hiệu quả điều trị.

Nếu xông ở gia đình, người bệnh khi đã nấu dược liệu sôi, có mùi thơm, mang vào nhà tắm dùng vải trùm kín người hoặc đầu, mở vung nồi dược liệu để bay hơi vào người hoặc bộ phận bị bệnh, tiến hành xông hơi thuốc.

Tần suất xông hơi giảm đau nhức xương khớp là 1 lần mỗi ngày. Mỗi liệu trình 2 tuần, sau đó nghỉ 1 tuần rồi tiếp tục liệu trình khác tương tự.

Lưu ý, do là phương pháp sử dụng hơi thuốc để điều trị nên người bệnh cần chú ý đến các vấn đề như:

  • Dị ứng với thành phần của thuốc;
  • Xông vào vùng có vết thương hở;
  • Bệnh có diễn biến cấp cứu;
  • Bệnh nhân có bệnh gây giảm cảm giác nóng lạnh;
  • Đối tượng xông là trẻ em hoặc người già sa sút trí tuệ;

Bên cạnh đó là vấn đề an toàn khi sử dụng hơi nóng và lưu ý tránh bị bỏng, đặc biệt là khi xông thuốc tại nhà.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe