Các chấn thương khi chơi bóng chuyền

Bóng chuyền là bộ môn thể thao được nhiều bạn trẻ lựa chọn nhằm rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất và tăng chiều cao. Tuy nhiên, việc gặp phải các chấn thương trong bóng chuyền là không thể tránh khỏi với bộ môn đối kháng cường độ cao này. Vậy làm thế nào để hạn chế các chấn thương khi chơi bóng chuyền?

1. Những chấn thương thường gặp trong bóng chuyền

1.1.Chấn thương vai

Cánh tay chính là bộ phận cơ thể hoạt động nhiều nhất trong khi chơi bóng chuyền với biên độ vận động rộng. Do đó, có thể dẫn tới các kích ứng và viêm ở vai, đặc biệt là ở cơ vòng quay, viêm gân hoặc rách gân quay vòng bít

Hội chứng đè lên vai xảy ra khi cơ hoặc gân bị chèn ép trong quá trình vận động, gây đau hoặc khó chịu. Vận động viên chấn thương vai sẽ cảm thấy cứng khớp vai, sưng đỏ, sờ da thấy ấm

Các chấn thương thường gặp gồm bong gân khớp cổ vai, trật khớp vai, đứt dây chằng cổ vai.

1.2.Chấn thương tay

Sự vận động linh hoạt, liên tục với cường độ cao dẫn tới không ít chấn thương tay và cổ tay ở vận động viên bóng chuyền. Chấn thương cổ tay thường xảy ra khi cổ tay bị bẻ cong quá mức đột ngột hoặc cứu bóng chống xuống đất, còn chấn thương ngón tay thường do chắn bóng hoặc chuyền bóng sai kỹ thuật.

Biểu hiện của chấn thương tay thường là cảm thấy đau nhức khi duỗi thẳng cổ tay, bàn tay hoặc khi nâng một vật nặng, đau khi nắm chặt bàn tay, cử động ngón tay

Các chấn thương tay thường gặp gồm: bong cổ tay, trật khớp cổ tay, đứt dây chằng khuỷu tay, gãy ngón tay

1.3. Chấn thương chân

Ngoài sử dụng tay thì bóng chuyền là bộ môn đòi hỏi sự di chuyển liên tục nên không thể tránh khỏi các chấn thương chân, đặc biệt là ở đầu gối. Nguyên nhân là do các khớp bị xoắn khá mạnh, khởi động làm nóng khớp không kỹ có thể dẫn tới chấn thương. Ngoài ra việc đi giày thể thao không đạt tiêu chuẩn cũng có thể dẫn tới các chấn thương ở gót và cổ chân.

Đầu gối là bộ phận thường bị thương nhất, vì động tác nhảy lặp lại nhiều lần trong thời gian dài. Các chấn thương gối thường gặp là viêm gân xương bánh chè, rách dây chằng chéo trước, đứt dây chằng kết nối giữa xương bánh chè và xương chày và các chấn thương chân như bong gân mắt cá chân, rách bàn chân.

2. Nguyên nhân dẫn đến các chấn thương trong bóng chuyền

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chấn thương khi chơi bóng chuyền nhưng hầu hết liên quan đến việc lạm dụng và tập luyện quá sức, cụ thể như sau:

  • Mất cân bằng sức mạnh và linh hoạt giữa các bộ phận: Khi tập trung chơi một bộ môn thể thao nào đó có thể dẫn tới việc một số nhóm cơ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với các cơ khác. Việc thiếu sức mạnh tương đồng ở các bộ phận khác như vai và chân có thể dẫn tới những chấn thương thể thao ngoài ý muốn
  • Kỹ thuật tiếp đất không đúng: Đây là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới chấn thương đầu gối ở người chơi bóng chuyền. Việc tiếp đất với tư thế gập gối nhiều hơn hoặc đầu gối không thẳng hàng với các ngón chân sẽ khiến đầu gối căng hơn.

Kiểm soát cơ thể kém: Việc mất thăng bằng hoặc mất kiểm soát khi nhảy và tiếp đất sẽ làm gia tăng nguy cơ chấn thương của vận động viên.

3. Xử trí các chấn thương khi chơi bóng chuyền

3.1. Chấn thương tay

  • Ngừng chơi ngay
  • Chườm lạnh vào vị trí chấn thương gây đau, có thể dùng băng ép quấn xung quanh chỗ bị thương
  • Sau đó quá trình hồi phục cần mang băng tay khớp cổ tay, băng dính ép khớp ngón tay giúp trợ lực tránh căng các nhóm cơ xung quanh.
  • Có thể sử dụng các loại băng dán như Salonpas giúp phục hồi nhanh các chấn thương gân, cơ, khớp.

3.2.Chấn thương vai

  • Ngừng chơi ngay, đồng thời chườm đá khoảng 15 phút
  • Tập các bài tập phục hồi như: kéo dãn các nhóm cơ vùng vai, vận động nhẹ nhàng các động tác khớp vai mà không gây đau.
  • Nếu không có dấu hiệu giảm hoặc sưng đỏ bất thường thì nên đến ngay cơ sở y tế để chữa trị kịp thời.

3.3.Chấn thương chân

  • Dừng chơi và thực hiện chườm đá, không nên xoa bóp vùng chấn thương.
  • Sử dụng băng ép quán vào vùng cơ bị đau, nếu có thể dùng nạng để cố định chân.
  • Tuyệt đối không dùng các biện pháp nắn khớp truyền thống, nếu có sưng tấy hoặc đau buốt bất thường phải nhờ đến sự chăm sóc của bác sĩ.

4. Phòng ngừa chấn thương khi chơi bóng chuyền như thế nào?

Để ngăn ngừa các chấn thương khi chơi bóng chuyền, người chơi cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Khởi động trước khi chơi bóng chuyền, đặc biệt là cổ tay, chân, khớp vai trước khi thi đấu là vô cùng quan trọng để cân bằng và điều hoà sức mạnh.
  • Sử dụng phụ kiện bảo hộ khi chơi bóng chuyền như đai bảo vệ cổ chân là cần thiết.
  • Không tiếp đất bằng đầu gối thẳng, tuyệt đối hạn chế việc xoay các khớp gối để giảm thiểu chấn thương đến mức thấp nhất.
  • Thực hiện giãn cơ sau mỗi quá trình tập luyện để giúp làm mềm cơ, giảm đau, đặc biệt là ngăn ngừa hoặc hạn chế hiện tượng căng cơ khi tập.
  • Tập luyện thường xuyên đôi chân và cánh tay để làm quen với cường độ khi thi đấu bóng chuyền.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về những chấn thương thường gặp khi chơi bóng chuyền để có cách xử trí, phòng ngừa sao cho hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan