Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh U nguyên bào thần kinh
U nguyên bào thần kinh là ung thư phổ biến nhất trong năm năm đầu tiên của cuộc đời. Tuổi trung bình mắc bệnh là 19 tháng với 89% bệnh nhân dưới 5 tuổi và 98% bệnh nhân dưới 10 tuổi.
Trong u nguyên bào thần kinh trẻ em hay gặp ở bé trai hơn bé gái. Trong u nguyên bào thần kinh tế bào ác tính phát triển từ các mô thần kinh gần tủy sống như cổ, ngực, bụng hoặc khung chậu nhưng đa số ở tuyến thượng thận (tuyến thượng thận là một tuyến nhỏ nằm ở cực trên của thận có chức năng tiết các hormon điều chỉnh chức năng quan trọng của cơ thể như nhịp tim hay huyết áp).
Nguyên bào thần kinh là các tế bào thần kinh chưa trưởng thành được phát hiện ở thai nhi. Nguyên bào thần kinh trưởng thành bình thường trở thành tế bào thần kinh hoặc tế bào tủy thượng thận. U nguyên bào thần kinh hình thành khi các nguyên bào thần kinh rối loạn quá trình trưởng thành. Đa số u nguyên bào thần kinh được phát hiện khi ung thư đã lan rộng ra các cơ quan: hạch bạch huyết, gan, phổi, xương, tủy xương...
U nguyên bào thần kinh được chia làm 3 mức độ nguy cơ thấp, trung bình và cao:
- Nhóm nguy cơ thấp thường gặp ở trẻ nhỏ, khả năng chữa khỏi cao chỉ bằng phẫu thuật
- Nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ chữa khỏi còn thấp mặc dù u nguyên bào thần kinh rất nhạy cảm với hóa chất và tia xạ.
Nguyên nhân bệnh U nguyên bào thần kinh
Nguyên nhân u nguyên bào thần kinh được chia làm 2 loại:
U nguyên bào thần kinh liên quan đến di truyền
-
Khoảng 1-2% trẻ em mắc u nguyên bào thần kinh có liên quan đến yếu tố gia đình. Trẻ có xu hướng phát triển bệnh sớm hơn từ 9-13 tháng tuổi.
-
Trẻ thường có biểu hiện từ 2 cơ quan trở lên
-
Nguyên nhân liên quan đến rối loạn sắp xếp gen di truyền, bất thường nhiễm sắc thể biểu hiện mất hoặc sắp xếp lại nhánh ngắn nhiễm sắc thể số 1 hoặc số 10,14,17,19. Gen sinh ung thư nằm ở nhánh p36 của nhiễm sắc thể số 1 và gen N-myc tiền ung thư nằm trên nhánh ngắn nhiễm sắc thể số 2. Sự khuếch đại gen N-myc trông mô u nguyên bào thần kinh có liên quan đến gen MDR (gen kháng thuốc).
-
Do đó xét nghiệm di truyền xác định tổn thương nhiễm sắc thể hoặc sự khuếch đại của gen tham gia sinh ung thư, đặc biệt là gen N-myc là cần thiết và quan trọng trong điều trị và tiên lượng bệnh.
U nguyên bào thần kinh không liên quan đến di truyền
Nguyên nhân hiện chưa được làm rõ.
Triệu chứng bệnh U nguyên bào thần kinh
Triệu chứng u nguyên bào thần kinh thường có khởi đầu âm thầm, u có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào của hệ thần kinh giao cảm:
-
Khối u ở ổ bụng: thường gặp ở tuyến thượng thận, bệnh nhân đến vì bụng to kèm theo sốt, tiêu chảy, da xanh xao.
-
Khối u ở vùng cổ, trung thất: thường kèm theo ho, phù nề mặt cổ, khó thở.
-
Dấu hiệu mắt gấu trúc: lồi mắt, xuất huyết quanh hốc mắt (còn được gọi là hội chứng Hutchinson)
-
Tiêu chảy do khối u tiết VIP 0 vasoactive intestinal polypeptide)
-
Gan to, đau trong xương
-
Dấu hiệu toàn thân: sốt, mệt mỏi, gầy sút cân, thiếu máu, nhiễm trùng
-
Triệu chứng cận u: rung giật mắt, co giật chi-thái dương
-
Triệu chứng di căn xa: 50% có di căn vào tủy xương, gan và da. Bệnh có thể di căn hạch vùng và hệ thần kinh trung.
U nguyên bào thần kinh được chia làm 4 giai đoạn:
-
Giai đoạn 1: U tại chỗ, cắt bỏ hoàn toàn, vi thể diện cắt âm tính, không có di căn hạch
-
Giai đoạn 2A: U một bên tại chỗ không cắt bỏ hoàn toàn được, không có di căn hạch
-
Giai đoạn 2B: U một bên tại chỗ có thể cắt bỏ được hoặc không, có di căn hạch cùng bên khối u
-
Giai đoạn 3: Khối u xâm lấn qua đường giữa có hoặc không kèm di căn hạch vùng hoặc khối u một bên, di căn hạch đối bên hoặc khôi u lan rộng hai bên di căn hạch
-
Giai đoạn 4: Có di căn hạch, xương, tủy xương, gan hoặc cơ quan khác…
Đối tượng nguy cơ bệnh U nguyên bào thần kinh
-
Trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi
-
Có người thân trong gia đình (anh chị em) mắc bệnh u nguyên bào thần kinh
-
Trẻ mắc các rối loạn di truyền, đột biến gen và đột biến nhiễm sắc thể
Phòng ngừa bệnh U nguyên bào thần kinh
-
Không có biện pháp đặc hiệu phòng ngừa bệnh u nguyên bào thần kinh
-
Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ đặc biệt với trẻ có yếu tố nguy cơ cao: gia đình có người bị bệnh
-
Trẻ mắc bệnh nên được khám và điều trị tại cơ sở y tế uy tín.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh U nguyên bào thần kinh
Chẩn đoán bệnh dựa vào các xét nghiệm sau:
Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, xạ hình xương, chụp PET-CT
Xét nghiệm tủy xương:
-
Huyết tủy đồ tìm di căn tủy xương với độ nhạy khoảng 1/100
-
Sinh thiết tủy xương: áp dụng trong trường hợp tủy không rõ hoặc khó tiếp cận khối u nguyên phát
Xét nghiệm sinh hóa:
-
Định lượng nồng độ canxi máu
-
Định lượng Cathecholamin (Dopa, Dopamin, Norepinephrine, Epinephrine) hoặc các chất chuyển hóa của Cathecholamin (HMA, VMA)
-
Xét nghiệm nước tiểu: VMA và HMA có trong 90-95% người bệnh u nguyên bào thần kinh
Xét nghiệm dấu ấn di truyền:
-
Xét nghiệm khuếch đại gen N-Myc
-
Xét nghiệm DNA: các rối loạn như mất đoạn 1p, mất đoạn 11q.
Giải phẫu bệnh
Theo Shimada có 3 loại u nguyên bào thần kinh là:
+ U nguyên bào thần kinh
+ U nguyên bào hạch thần kinh
+ U hạch thần kinh
Các biện pháp điều trị bệnh U nguyên bào thần kinh
Điều trị u nguyên bào thần kinh gồm 3 phương pháp chính: phẫu thuật, tia xạ và hóa chất:
Hóa chất:
- Biện pháp cơ bản trong u nguyên bào thần kinh
- Các thuốc độc tế bào được sử dụng như nhóm alkyl, anthracyclin, nhóm platinum, nhóm Camptotecin…
Tia xạ:
- U nguyên bào thần kinh nguy cơ cao rất nhạy cảm với tia xạ nhưng không dùng xạ trị để điều trị triệt căn bởi các nguy cơ di căn xa của bệnh.
- Tia xạ áp dụng trong trường hợp khối u không cắt bỏ được, vị trí bệnh rải rác, những tổn thương còn sót lại sau phẫu thuật.
- Tia xạ triệu chứng trong giai đoạn cuối
Phẫu thuật:
- Giúp cắt bỏ khối u
- Phẫu thuật có vai trò quan trọng trong chẩn đoán nhưng không phải là lựa chọn điều trị các trường hợp u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Phẫu thuật giúp khẳng định chẩn đoán cung cấp mẫu bệnh phẩm để nghiên cứu di truyền.
Xem thêm:
- Phát hiện và điều trị khối u dưới xương ức
- Vì sao ung thư xương hay gặp ở trẻ em?
- Hóa trị ung thư buồng trứng phải giai đoạn 1C khi mang thai nguy hiểm không?
- Nữ giới ung thư buồng trứng điều trị như thế nào?
- Các tác dụng phụ của thuốc điều trị đích
- Thuốc Axicabtagene Ciloleucel Suspension: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Thuốc Cyclophosphamide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Thuốc Ivosidenib: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Công dụng thuốc Slandom 8
- Công dụng thuốc Vinluta 600mg