Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp là bệnh của thời đại hiện nay, với tỉ lệ mắc trên 30% dân số. Tăng huyết áp luôn được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì nó gây ra nhiều hậu quả lâu dài cho người bệnh nếu không được điều trị. Huyết áp được định nghĩa là áp lực của dòng máu lên thành mạch, biểu hiện bởi hai con số ví dụ 140/90mmHg, 130/80mmHg…trong đó số cao hơn là huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu), số thấp hơn là huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương). Theo Hội tim mạch châu Âu (ESC) cũng như Hội tim mạch Việt Nam, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu trên 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90mmHg hoặc cả hai.
Tăng huyết áp được chia làm hai nhóm là tăng huyết áp vô căn và tăng huyết áp có nguyên nhân hay còn gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp thứ phát chiếm bao nhiêu phần trăm có sự khác nhau giữa các nghiên cứu, trung bình khoảng 10%. Bài này sẽ đề cập đến tăng huyết áp thứ phát.
Nguyên nhân bệnh Tăng huyết áp thứ phát
Nguyên nhân cơ chế tăng huyết áp thứ phát khá đa dạng. Trong đó các nguyên nhân thường gặp gồm có:
-
Các bệnh lí về thận: viêm cầu thận cấp và mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận…
-
Các bệnh lí về nội tiết: u tủy thượng thận, cường Aldosteron, Cushing, cường giáp,…
-
Do dùng thuốc: cam thảo, thuốc tránh thai…
-
Nhiễm độc thai nghén: tiền sản giật, tăng huyết áp thai kì…
Triệu chứng bệnh Tăng huyết áp thứ phát
Cần nghĩ đến tăng huyết áp thứ phát khi có các dấu hiệu sau:
-
Tăng huyết áp xuất hiện ở người trẻ tuổi dưới 30 hoặc lớn tuổi trên 60
-
Tăng huyết áp kháng trị
-
Có các dấu hiệu tùy từng nguyên nhân tăng huyết áp:
Nghĩ đến hẹp mạch thận: có tiếng thổi ở bụng, tăng creatinine trên 30% khi dùng ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, phù phổi tái phát với cơn tăng huyết áp
Nghĩ đến cường Aldosteron: hạ kali máu không rõ nguyên nhân
Tăng huyết áp do u tủy thượng thận: có các cơn tăng huyết áp kịch phát, đau đầu, vã mồ hôi, tim đập nhanh…
Dấu hiệu của hội chứng Cushing: béo bụng, rạn da, teo cơ, mặt tròn như mặt trăng…
Đối tượng nguy cơ bệnh Tăng huyết áp thứ phát
Mỗi nguyên nhân tăng huyết áp đều có những yếu tố nguy cơ khác nhau:
-
Sinh con muộn sau tuổi 35, đa thai, dễ có nguy cơ tăng huyết áp thai kì, tiền sản giật
-
Lạm dụng các thuốc giảm đau corticoid
-
Mắc các bệnh lí làm tổn thương thận cấp tính, mạn tính
Phòng ngừa bệnh Tăng huyết áp thứ phát
-
Không sinh con muộn sau tuổi 35
-
Không uống các loại thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc
-
Sử dụng thuốc corticoid theo chỉ định của bác sĩ
-
Điều trị triệt để các bệnh lí có thể gây tổn thương thận: sỏi thận, viêm thận bể thận,…
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tăng huyết áp thứ phát
Trước tiên cần phải chẩn đoán tăng huyết áp:
-
Dựa vào đo huyết áp tại phòng khám, đo huyết áp tại nhà
-
Holter huyết áp: theo dõi huyết áp suốt 24h, từ đó có thể xác định được huyết áp trung bình, các đỉnh tăng huyết áp vừa phục vụ mục đích chẩn đoán và điều trị
-
Nếu đo huyết áp tại phòng khám: tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 140/90mmHg
-
Đo huyết áp bằng máy Holter: tăng huyết áp khi huyết áp trung bình ban ngày ≥ 135/85mmHg, huyết áp trung bình ban đêm ≥ 120/70mmHg
-
Tự đo huyết áp tại nhà nhiều lần: tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 135/85 mmHg
Chẩn đoán nguyên nhân tăng huyết áp:
- Siêu âm doppler mạch thận nếu nghi ngờ hẹp mạch thận
- Các xét nghiệm hormone tìm nguyên nhân tăng huyết áp khi nghi ngờ: Cortisol máu, Aldosteron, catecholamine máu và nước tiểu, FT4, TSH…
- Chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính ổ bụng tìm khối u thượng thận
Các biện pháp điều trị bệnh Tăng huyết áp thứ phát
Điều trị tăng huyết áp thứ phát ngoài kiểm soát huyết áp còn phải điều trị nguyên nhân gây ra nó
-
Các thuốc điều trị tăng huyết áp chính:
-
Nhóm chẹn kênh calci: amlodipine, nifedipin, felodipin…Có thể gây tác dụng phụ là phù chân, nhịp nhanh phản ứng. Không được dùng Nifedipin nhỏ dưới lưỡi vì có thể gây tụt huyết áp
-
Nhóm ức chế men chuyển/ức chế thụ thể AT1: lisinopril, captopril, Vasartan, Losartan…Thường hạ áp êm dịu, tuy nhiên thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho khan. Ức chế thụ thể thì không gây ho nhưng giá thành cao. Hiệu quả thì tương đương nhau.
-
Nhóm chẹn beta giao cảm: metoprolol, bisoprolol… Cần phải dùng bắt đầu từ liều thấp, tăng dần
-
Thuốc lợi tiểu: có nhiều nhóm thuốc nhưng thường dùng lợi tiểu thiazide. Tác dụng phụ có thể gây rối loạn điện giải và chuyển hóa.
-
Điều trị nguyên nhân tăng huyết áp:
Có nhiều điểm cần chú ý khi điều trị tăng huyết áp thứ phát vì nó khác với điều trị tăng huyết áp thông thường
-
Tăng huyết áp thai kì thuốc ưu tiên là methyldopa, kế tiếp là chẹn kênh calci như nifedipin, không dùng ức chế men chuyển và ức chế thụ thể
-
Có thể can thiệp mạch thận nếu hẹp mạch thận do loạn sản xơ cơ mạch thận
-
Phẫu thuật nếu có u thượng thận gây tăng huyết áp
-
Điều trị cường giáp bằng các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp
Xem thêm:
- Chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp
- Các bệnh lý gây suy tim thường gặp
- Phân biệt bệnh Tăng huyết áp và Tăng áp động mạch phổi
- Ngưng thở khi ngủ nguy hiểm thế nào?
- Người bị viêm đa khớp dạng thấp kiêng ăn gì?
- Bác sĩ tim mạch Vinmec tham gia nghiên cứu khoa học về tăng huyết áp với Đại học Massachusetts (Mỹ)
- Trẻ 4 tuổi bị viêm đa rễ dây thần kinh có thể điều trị không?
- Người bị tiểu đường thai kỳ nên uống sữa gì?
- Chỉ số huyết áp 134/90mmHg có phải tăng huyết áp không?
- Người cao tuổi bị béo phì, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ có nên uống thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân không?