Trang chủ Bệnh Polyp túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Polyp túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Polyp túi mật

Polyp túi mật là gì ?

  • Polyp túi mật hay còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là tổn thương dạng u hoặc giả u trên bề mặt niêm mạc túi mật. Căn bệnh này xuất hiện khá phổ biến, tỷ lệ mắc của nam và nữ là ngang nhau và chủ yếu là ở người trưởng thành.

  • Tỷ lệ gặp polyp túi mật trong cộng đồng khoảng từ 0.3%- 9%, đa số ở dạng lành tính nhưng vẫn có thể tiến triển thành ác tính và polyp túi mật có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân. Vì vậy, khi bị polyp túi mật, bệnh nhân cần đi khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Nguyên nhân bệnh Polyp túi mật

Một số yếu tố được cho là có liên quan đến việc hình thành polyp túi mật là chức năng gan kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, béo phì, thói quen ăn uống không điều độ, nhiễm virus viêm gan...Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm ra được nguyên nhân polyp túi mật một cách chính xác nhất.

Triệu chứng bệnh Polyp túi mật

  • Đa phần các trường hợp polyp túi mật thường không có triệu chứng biểu hiện, chỉ được tình cờ phát hiện khi bệnh nhân đi khám sức khỏe.

  • Bệnh nhân có thể đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn.

  • Khi được thăm khám bụng, bệnh nhân có thể cảm thấy đau tức nhẹ khi ấn vào vùng hạ sườn phải, đau xuất hiện sau khi ăn.

Đối tượng nguy cơ bệnh Polyp túi mật

Cũng như nguyên nhân hình thành, yếu tố nguy cơ dẫn đến polyp túi mật cũng chưa được tìm ra rõ ràng và cụ thể. Các yếu tố nguy cơ của bệnh có thể là:

  • Độ tuổi trên 60

  • Bệnh nhân có chức năng gan mật kém

  • Bệnh nhân có nồng độ đường máu, nồng độ mỡ máu cao.

  • Bệnh nhân béo phì.

  • Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan

  • Bệnh nhân có thói quen ăn uống nhiều chất béo, làm tăng thêm lượng cholesterol trong cơ thể.

  • Bệnh nhân đã bị sỏi mật

  • Bệnh nhân mắc phải viêm đường mật nguyên phát

  • Các yếu tố nguy cơ polyp: kích thích lớn hơn 6mm, duy nhất và không có cuống.

Phòng ngừa bệnh Polyp túi mật

  • Để phòng ngừa polyp túi mật, bệnh nhân cần đi khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện các bệnh về gan mật như gan nhiễm mỡ, rối loạn men gan mật, sỏi, viêm gan, các bệnh lý rối loạn đường máu, rối loạn mỡ máu...

  • Ngoài ra, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống hợp lý, không ăn nhiều các loại nội tạng động vật như tim, gan, lách, thận, lòng...

  • Bệnh nhân cũng nên vận động cơ thể mỗi ngày, chơi các môn thể thao để ngăn ngừa việc tăng cân và giúp khí huyết được lưu thông.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Polyp túi mật

Trên lâm sàng, bệnh nhân thường không có biểu hiện quá rõ ràng nên để chẩn đoán chính xác polyp túi mật, cần phải nhờ đến các phương pháp cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm chức năng gan mật.

  • Siêu âm là một trong những kỹ thuật chẩn đoán có giá trị lớn nhất đối với polyp túi mật. Hình ảnh polyp túi mật trên siêu âm thường là hình ảnh tăng âm, không có bóng cản. Siêu âm ổ bụng  giúp xác định được polyp, vị trí, kích thước và hình dạng polyp có cuống hay không có cuống, từ đó có thể giúp theo dõi diễn tiến của polyp.

  • Tuy nhiên, siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính nên cần làm thêm những kỹ thuật khác để hỗ trợ chẩn đoán như:

  • Chụp đường mật cản quang qua đường uống

  • Chụp đường mật ngược dòng qua nội soi

  • Chụp cắt lớp vi tính: nếu là polyp túi mật ác tính, hình ảnh tổn thương là khối tăng tỷ trọng lồi ra trong lòng túi mật. Chụp cắt lớp vi tính có bơm thuốc cản quang giúp chẩn đoán chính xác gần 90%.

  • Chụp cộng hưởng từ: nếu là polyp ác tính, hình ảnh biểu hiện là khối tăng tín hiệu ở thì T2.

  • Các xét nghiệm sinh hóa như đánh giá chức năng gan thận, test virus viêm gan ( HCV, HbsAg...), miễn dịch u ( CEA, CA 19-9)

Các biện pháp điều trị bệnh Polyp túi mật

Vì túi mật tham gia và hệ thống đường dẫn mật, có chức năng điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn nên không thể tùy tiện cắt bỏ nếu không có chỉ định.

Về điều trị polyp túi mật, có hai khả năng xảy ra: theo dõi định kỳ hoặc chỉ định mổ polyp túi mật.

  • Khoảng 92% polyp túi mật là lành tính nên bệnh nhân hầu như không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Với polyp có kích thước nhỏ hơn 1cm hoặc nghi ngờ polyp túi mật qua siêu âm, chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng.

  • Với những polyp có kích thước lớn hơn 1cm, nó sẽ có khả năng tiến triển thành ung thư, nhất là những polyp lớn hơn 1.5cm, cần có chỉ định cắt bỏ túi mật để ngăn chặn sự phát triển của ung thư túi mật. Ngày nay, kỹ thuật phẫu thuật cắt túi mật nội soi được xem là một phương pháp ít xâm hại đến cơ thể người bệnh nhất, ít đau và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh, ít dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

 

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp