Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Đau đầu
Đau đầu là triệu chứng thứ phát, đau nhức ở phần đầu do nhiều chứng bệnh khác nhau gây ra, nó xảy ra theo cơ chế kích thích (cơ học, hóa học,...) các cấu trúc cảm giác trong hoặc ngoài sọ.
Đau đầu là một triệu chứng có tỷ lệ mắc rất cao trong các nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng. Ở các nước Châu Âu, Mỹ, đau đầu là một trong những nguyên nhân mà thầy thuốc hay gặp nhất.
Các cấu trúc nhạy cảm đau ở vùng sọ mặt:
-
Da, tổ chức dưới da, cơ, các động mạch ngoài sọ và màng xương sọ.
-
Các cấu trúc nhạy cảm đau của tai, mắt, khoang mũi và các xoang.
-
Các xoang tĩnh mạch nội sọ, đặc biệt là các cấu trúc xung quanh xoang.
-
Phần màng cứng nền não và các động mạch.
-
Động mạch màng não giữa, động mạch thái dương nông.
-
Các dây thần kinh V, VII, IX, X; 3 rễ thần kinh cổ đầu tiên (Cl, C2, C3).
Nguyên nhân bệnh Đau đầu
Đau đầu do các bệnh thần kinh
-
Chấn thương sọ não.
-
Bệnh màng não - mạch máu não.
-
Hội chứng tăng áp lực nội sọ.
-
Bệnh đau nửa đầu (Migraine).
-
Rối loạn chức năng.
Đau đầu do bệnh toàn thân
-
Nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính.
-
Nhiễm độc.
-
Say nóng, say nắng.
Do bệnh nội khoa
-
Bệnh tim mạch.
-
Bệnh tiêu hoá.
-
Bệnh thận món tính.
-
Thiếu máu.
-
Rối loạn nội tiết.
Do các bệnh chuyên khoa khác: Mắt, Tai - mũi - họng.
-
Căn nguyên tại phần mềm ngoài sọ và hộp sọ
-
Viêm xương sọ, bệnh xương Paget.
-
Di căn ung thư vào xương sọ.
-
Biến dạng cột sống cổ.
-
Đau dây thần kinh chẩm lớn do thoái hoá khớp đốt sống cổ.
-
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
-
Viêm động mạch thái dương còn gọi là bệnh Horton.
Triệu chứng bệnh Đau đầu
Đau đầu được phân thành ba loại:
-
Đau căng đầu
-
Đau nửa đầu
-
Đau đầu từng cơn.
Tùy từng loại đau đầu mà sẽ có các triệu chứng khác nhau như đau âm ỉ, đau dữ dội, đau nhói, đau châm chích; có khi chỉ đau trong vài phút, có khi cơn đau kéo dài vài ngày.
Triệu chứng xảy ra khi đau căng đầu
-
Mức độ đau từ nhẹ đến vừa, cảm giác như có một dải băng quấn chặt quanh đầu.
-
Nó thường xuất hiện ở cả hai bên đầu và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn làm cho người bệnh có cảm giác khó chịu và bực mình.
Triệu chứng xảy ra khi đau nửa đầu
-
Cơn đau nửa đầu làm người bệnh đau đầu dữ dội, đau dồn dập, mức độ đau từ vừa đến nặng và chỉ xuất hiện ở một bên đầu.
-
Người bị đau nửa đầu thường nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn
-
Đau đầu buồn nôn, nôn mửa có thể xảy ra khi bệnh nhân bị đau căng đầu.
-
Cơn đau loại này thường làm cho tình trạng đau đầu kéo dài có thể diễn ra từ vài giờ đến vài ngày và có thể lặp đi lặp lại.
Triệu chứng xảy ra khi đau từng cơn
-
Người bệnh thấy đau nhức nhối, thường khu trú ở một bên mắt
-
Cơn đau bắt đầu từ một bên đầu, xung quanh và phía sau mắt, sau đó trở nặng và có thể kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ, có thể kèm với các triệu chứng sưng mắt, chảy nước mắt, đỏ và nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi chỉ ở bên phần đầu bị ảnh hưởng.
Trước khi điều trị cần xác định được cơ thể đang mắc chứng đau đầu nào để có thể điều trị và ngăn ngừa hiệu quả.
Đối tượng nguy cơ bệnh Đau đầu
Đau đầu xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, từ nam giới đến nữ giới, từ trẻ em đến người già. Tuy nhiên đối tượng hay gặp nhất là:
-
Phụ nữ: vì tình trạng đau đầu, rõ hơn là bệnh đau nửa đầu xuất hiện có thể do sự thay đổi lượng hormone sinh dục nữ estrogen trong cơ thể người phụ nữ, cơn đau đầu dễ xảy ra hơn khi phụ nữ có kinh nguyệt và thời kỳ mãn kinh.
-
Bệnh nhân có huyết áp tâm thu thấp hoặc chênh lệch 2 chỉ số huyết áp thấp có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các đối tượng khác.
-
Những đối tượng có thói quen sử dụng rượu, bia, cà phê, người hay bị căng thẳng, mất ngủ, stress,…rất dễ bị đau đầu..
-
Người làm việc trên máy tính liên tục không nghỉ, nhân viên văn phòng ngồi 1 chỗ làm việc.
Phòng ngừa bệnh Đau đầu
-
Hạn chế hoặc tránh đến những nơi có tiếng ồn to, ánh sáng chói như xem phim chiếu rạp, nhìn ánh sáng chói lọi của mặt trời và các yếu tố kích thích giác quan vì các yếu này là tác nhân gây đau nửa đầu (đối với trường hợp đau nửa đầu).
-
Giảm trạng thái căng thẳng tinh thần, thư giãn trước và sau những giờ làm việc mệt mỏi, kéo dài.
-
Đối với nhân viên văn phòng cần thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc và mỗi giờ thư giãn 30 giây. Chú ý cần thư giãn cằm, cổ, vai và các cơ lưng trên.
-
Tập thể dục hằng ngày để giúp giảm căng thẳng: nên tập thể dục 20 - 30 phút mỗi ngày và tập các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập yoga .
-
Ngủ đủ giấc: Các nhà khoa học đã chứng minh ngủ 7-8 giờ mỗi ngày có thể tránh được tình trạng mệt mỏi, đau đầu, stress và giúp công việc trong ngày đạt hiệu quả tốt hơn.
-
Hạn chế dùng rượu bia, các thức uống có chất kích thích như cafein,... vì việc dùng nhiều đồ uống này thường làm tăng chứng nhức đầu ở bệnh nhân. khi muốn bỏ các thức uống này, đặc biệt là thức uống có cafein cần giảm từ từ để tránh chứng nhức đầu xảy ra.
-
Một số thuốc có tác dụng phụ gây đau đầu do đó không được tự ý dùng thuốc chữa bệnh.
-
Bổ sung đủ nước, thường 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để thanh lọc và cân bằng cơ thể, đặc biệt khi thời tiết nóng nực, nhiệt độ cao và khô vì thiếu nước khiến cơ thể cảm thấy choáng váng, mệt mỏi và đau đầu.
-
Bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin E như vừng đen giúp cân bằng estrogen và từ đó làm giảm các cơn đau đầu, nhất là phụ nữ vào thời kỳ kinh nguyệt.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Đau đầu
Ngoài hỏi bệnh để khai thác tiền sử, để chẩn đoán chính xác đau đầu do đâu cần thực hiện khám, gồm:
Khám toàn thân
Toàn bộ các cơ quan nội tạng, đặc biệt là tim mạch, phải đo huyết áp, dù là bệnh nhân trẻ (đề phòng cơn tăng huyết áp ác tính).
Khám thần kinh - tâm thần
-
Chú ý khám tại chỗ.
-
Quan sát xem sọ và mặt có biến dạng, có sẹo dày, da đầu có nổi u cục, có điểm đau trên sọ và trên đường đi của những nhánh dây V không. Sờ, gõ vào vùng mà bệnh nhân kêu đau và vùng đối diện (ví dụ: có thể phát hiện tiếng gõ “boong boong” của úng thuỷ não). Khám cẩn thận, toàn diện về thần kinh - tâm thần.
-
Khám vận động nhãn cầu, các phản xạ đồng tử và chức năng thăng bằng.
Khám chuyên khoa
-
Mắt: khúc xạ, thị lực, thị trường, áp lực nhãn cầu, áp lực động mạch võng mạc, đáy mắt.
-
Tai - mũi - họng các xoang.
-
Răng.
Khám xét cận lâm sàng
-
Chụp sọ, chụp các xoang và chụp cột sống cổ.
-
Xét nghiệm máu: hồng cầu, bạch cầu, công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng, định lượng ure huyết, nước tiểu (đường, albumin).
Trong các trường hợp cần thiết tiến hành:
-
Chọc ống sống thắt lưng (khi không có chống chỉ định).
-
Ghi điện não.
-
Chụp động mạch não (AG).
-
Chụp khí não đồ (PEG).
-
Chụp CT.scanner hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não.
Các biện pháp điều trị bệnh Đau đầu
Điều trị bệnh căn
Chủ yếu là tìm ra căn nguyên nhức đầu và điều trị nhằm xoá bỏ nguyên nhân đó, ví dụ: tăng huyết áp, viêm màng não...
Trong trường hợp đặc biệt đau đầu sau chọc ống sống thắt lưng: dự phòng bằng cách dùng kim có đường kính nhỏ và để người bệnh nằm sấp 1 - 2 giờ rồi tiếp tục nằm bất động trên giường 24 giờ sau khi chọc.
Điều trị bệnh sinh
-
Sử dụng thuốc chống phù não
-
Thuốc trấn tĩnh: Thuốc này giúp ích trong một số trường hợp đặc biệt nhức đầu do căn nguyên tâm lý
-
Điều trị Migraine: Điều trị cơn bằng các thuốc đặc hiệu hoặc thuốc dự phòng/thuốc chống trầm cảm 3 vòng... cũng có thể sử dụng như điều trị dự phòng Migraine.
Điều trị triệu chứng
-
Nghỉ ngơi thể lực và tránh căng thẳng tâm lý là một biện pháp cần thiết trong tất cả mọi trường hợp.
-
Thuốc giảm đau: có hiệu quả trong nhiều trường hợp đau đầu nhưng không nên dùng trong thời gian dài.
-
Phương pháp vật lý: Sử dụng phương pháp chườm đá khi sốt cao, xoa bóp, day huyệt.
-
Châm cứu các huyệt: thái dương, ấn đường, bách hội, đầu duy. Cần chú ý tất cả các biện pháp trên đều tiến hành trên cơ sở liệu pháp tâm lý.
Xem thêm:
- Những yếu tố có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu
- Đau nửa đầu thường xuyên, kéo dài nguy hiểm thế nào?
- Đau đầu sau gáy cảnh báo bệnh gì?
- Ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khỏe tim mạch
- Vì sao bạn dễ bị đau đầu sau khi ngủ trưa?
- Khi nào cần phẫu thuật u cột sống?
- Phẫu thuật dị tật đốt sống chẻ đôi bằng đường vào phía sau
- Điều trị bệnh nhược cơ: Thông tin cần biết
- Tê bì chân tay khi ngủ, vì sao?
- Tìm hiểu về bệnh tăng trương lực cơ thần kinh (neuromyotnia), còn gọi là hội chứng Isaac
- Các mẹo dân gian chữa đau thần kinh tọa
- Trẻ 8 tuổi thường xuyên tê chân khi ngủ có sao không?
- Đau đầu mỗi lần sốt, giật nhói và co giật cơ đùi bắp tay sát xương sườn là dấu hiệu bệnh gì?