Đánh giá ung thư tuyến tụy và vai trò của các biện pháp chẩn đoán hình ảnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Đức đã có hơn 17 năm kinh nghiệm về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Ung thư tuyến tụy là sự xuất hiện một khối u ở tuyến tụy. Bệnh nhân có thể được xét nghiệm máu, nước tiểu, sinh thiết hoặc mô để xác định ung thư. Các xét nghiệm như MRI toàn thân, CT toàn thân, MRCP, siêu âm nội soi, PET/CT cũng có tác dụng trong việc xác định ung thư và kiểm tra sự di căn của nó.

1. Ung thư tuyến tụy là gì?

Ung thư tuyến tụy bắt đầu từ tuyến tụy, một cơ quan nằm sâu trong ổ bụng phía sau dạ dày. Tuyến tụy tiết ra các hormone gọi là insulin và glucagon để giúp cơ thể xử lý đường. Nó cũng tạo ra các enzym để giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, carbohydrate và protein.

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển ngoài tầm kiểm soát và phát triển thành một khối u. Hầu hết các khối u tuyến tụy bắt đầu trong các tế bào lót của các ống dẫn thuộc tuyến tụy và được gọi là ung thư biểu mô tuyến. Các khối u tuyến tụy bắt đầu trong các tế bào sản xuất hormone được gọi là khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy hoặc khối u tế bào tiểu đảo.

Các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư tuyến tụy bao gồm hút thuốc, thừa cân, tiểu đường, tuổi, xét nghiệm dương tính với gen BRCA2 và có tiền sử viêm tụy (viêm tuyến tụy) hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tụy.

Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy bắt đầu từ tuyến tụy, một cơ quan nằm sâu trong ổ bụng phía sau dạ dày

2. Chẩn đoán và đánh giá ung thư tuyến tụy

Bệnh nhân ung thư tuyến tụy thường có một số triệu chứng khiến họ đến tìm gặp bác sĩ để được khám như đau bụng dữ dội kéo dài, buồn nôn, vàng da, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Hầu hết các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tụy là các chẩn đoán hình ảnh. Để xác định ung thư tuyến tụy và mức độ di căn của nó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân cần tiến hành một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây.

  • Xét nghiệm chỉ điểm khối u: Giống như nhiều bệnh ung thư, khối u tuyến tụy tiết ra các chất độc và các chất này có thể được phát hiện trong máu, nước tiểu hoặc mẫu mô. Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ tăng của kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) hoặc CA 19-9, đây là một dấu hiệu khối u cho bệnh ung thư tuyến tụy. Nồng độ CEA tăng cao thường xảy ra nhưng không phải lúc nào cũng được tìm thấy ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy.
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): Xét nghiệm hình ảnh này sử dụng từ trường và các xung tần số vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan nội tạng. Nó rất hữu ích trong việc phát hiện các bệnh không dễ thấy trên các bản quét khác và không liên quan đến bức xạ.
  • Chụp CT (CAT):Chụp cắt lớp vi tính (CT) cơ thể bằng thiết bị X-quang đặc biệt giúp phát hiện nhiều loại bệnh và tình trạng bệnh. Chụp CT nhanh, không đau, không xâm lấn và có độ chính xác cao. Đối với ung thư tuyến tụy, chất cản quang i-ốt có thể được sử dụng để hình dung rõ hơn tuyến tụy và các mạch máu xung quanh.
  • PET scan hay còn gọi là chụp positron cắt lớp (PET): PET là một loại quét y học hạt nhân sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ để lấy hình ảnh các chức năng của cơ thể. Xét nghiệm PET / CT kết hợp các hình ảnh từ chụp PET và CT để phát hiện và xác định vị trí ung thư và xác định xem mức độ di căn.
  • Siêu âm nội soi: Trong thủ thuật này, một ống mỏng được đưa qua thực quản vào ổ bụng. Một thiết bị siêu âm ở cuối ống phát ra sóng âm để tạo ra hình ảnh của tuyến tụy, mạch máu và các mô lân cận.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Xét nghiệm này sử dụng sự kết hợp giữa nội soi và hình ảnh X quang để kiểm tra ống mật, gan, túi mật và tuyến tụy. Khi thực hiện xét nghiệm này, một dụng cụ quang học mỏng, được gọi là ống nội soi được đưa qua thực quản vào ruột non để hình ảnh hóa các cơ quan và ống dẫn. Chất cản quang cũng được tiêm vào ruột non và kết hợp chụp X-quang.
  • Chụp đường mật qua da (PTC): PTC là một thủ tục chụp X quang. Các bước chụp bao gồm tiêm chất cản quang trực tiếp vào đường mật bên trong gan để tạo ra hình ảnh của đường mật.
  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): MRCP sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của hệ thống gan mật và tuyến tụy, bao gồm gan, túi mật, đường mật, tuyến tụy và ống tụy.
  • Sinh thiết: Sinh thiết là việc lấy mô từ bất kỳ phần nào của cơ thể để xem xét tình trạng bệnh. Các mẫu sinh thiết tuyến tụy thường được lấy bằng cách đâm một kim nhỏ qua da trực tiếp vào tuyến tụy hoặc bằng cách lấy mẫu trong quá trình siêu âm nội soi bằng một công cụ đặc biệt được gắn vào ống nội soi.
Thai phụ đau bụng dưới dữ dội cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra
Bệnh nhân ung thư tuyến tụy thường có một số triệu chứng như đau bụng dữ dội kéo dài

3. Vai trò của các chẩn đoán hình ảnh trong xác định ung thư tuyến tụy

Bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy thường không có triệu chứng gì cho đến khi khối u đã di căn vào các cơ quan xung quanh. 8 trong số 10 bệnh nhân được chẩn đoán sau khi ung thư đã di chuyển ra ngoài tuyến tụy. Trong các cách thức để chẩn đoán ung thư tuyến tụy việc sử dụng các thủ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng khá phổ biến và có nhiều ưu điểm nổi trội, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính (CT).

Chụp cắt lớp vi tính không chỉ giúp cho bác sĩ xác định chính xác khối u mà còn đánh giá được mức độ di căn của khối u để từ đó có hướng phẫu thuật và điều trị sớm cho bệnh nhân. Ngoài ra, khi so sánh với các hình thức chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy khác thì chụp CT cắt lớp sẽ cho chúng ta hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm hay chụp X quang. Thời gian chụp CT tương đối nhanh chóng nên sẽ giúp chẩn đoán nhanh, có hướng xử lý kịp thời. Đối với những bệnh nhân không vì một số lý do nên không thể tiến hành chụp cộng hưởng từ thì chụp cắt lớp là một lựa chọn hết sức hữu hiệu.

Tuy nhiên, việc chụp CT hay dùng các phương án nào để chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tụy cũng cần được phân tích và cân nhắc kỹ bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, vì sử dụng những phương pháp chẩn đoán này cũng có những hạn chế nhất định như sự ảnh hưởng của các tia bức xạ đến cơ thể.

Siêu âm bụng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi, với ưu điểm là không xâm lấn, nhanh chóng, rẻ tiền. Nhưng độ chính xác của siêu âm trong chẩn đoán ung thư tụy chỉ từ 50-70 %, kết quả chẩn đoán phụ thuộc nhiều vào người làm siêu âm. Ngoài ra siêu âm còn bị hạn chế bởi các yếu tố như bệnh nhân béo phì, nhiều khí trong ruột...

Sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan