Công dụng thuốc Somavert

Thuốc Somavert có cấu trúc giống 1 loại protein nhân tạo tương tự hormon tăng trưởng của con người, liên kết với cùng 1 thụ thể trong cơ thể như hormon tăng trưởng và ngăn chặn tác động của hormon tăng trưởng. Thuốc Somavert được sử dụng để điều trị bệnh to các viễn cực (rối loạn tăng trưởng gây ra bởi quá nhiều hormon tăng trưởng).

1. Thuốc Somavert có tác dụng gì?

Bệnh to các viễn cực do tuyến yên ở não tạo ra quá nhiều hormon tăng trưởng, thường là do khối u lành tính (không phải ung thư) gây ra. Hormon tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển của cơ thể ở giai đoạn đầu đời cũng như thanh thiếu niên. Việc sản xuất hormon tăng trưởng quá mức sẽ khiến xương phát triển quá mức, sưng mô mềm (như bàn tay và bàn chân), đặc điểm khuôn mặt to ra (hàm dưới hoặc mũi, ngáy nghiêm trọng, bướu cổ, bệnh tim và các rối loạn khác.

Thuốc Somavert thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể hormon tăng trưởng, có thành phần chính là pegvisomant, rất giống với hormon tăng trưởng ở người nhưng được thiết kế để ngăn chặn các thụ thể mà hormon tăng trưởng thật gắn vào. Bằng cách này, Somavert ngăn chặn tác dụng của hormon tăng trưởng, do đó ngăn chặn sự phát triển không mong muốn và các rối loạn khác gặp trong bệnh to cực.

Thuốc Somavert được chỉ định cho các trường hợp người lớn có nồng độ hormon tăng trưởng không được cải thiện đủ sau phẫu thuật hoặc xạ trị. Ngoài ra, thuốc còn được chỉ định ở bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc xạ trị để điều trị bệnh to cực.

2. Liều sử dụng của thuốc Somavert

Somavert là thuốc kê toa, sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh to cực. Somavert có sẵn ở dạng bột và dung môi trộn với nhau để tạo thành dung dịch tiêm dưới da. Liều khởi đầu khuyến cáo là 80mg, sau đó Somavert được tiêm với liều 10mg/ ngày. Bệnh nhân hoặc người chăm sóc có thể tiêm Somavert sau khi được huấn luyện bởi bác sĩ hoặc y tá có kinh nghiệm. Nên kiểm tra phản ứng sau mỗi 4-6 tuần và điều chỉnh liều lượng khi cần thiết, liều tối đa của thuốc Somavert là 30mg/ ngày

Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Somavert, bệnh nhân nên được làm các xét nghiệm kiểm tra men gan, nếu men gan quá cao bác sĩ có thể xem xét không bắt đầu hoặc ngưng điều trị bằng thuốc Somavert. Nếu người bệnh quên 1 liều Somavert, nên bỏ qua liều này và dùng liều tiếp theo đúng lộ trình, tuyệt đối không dùng gấp đôi liều. Chú ý, thuốc Somavert chưa được nghiên cứu sử dụng trên trẻ em, do đó chưa có đánh giá chính xác về việc lựa chọn điều trị này có an toàn cho trẻ em mắc bệnh to cực hay không.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefipron sachet

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Somavert có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Phản ứng tại chỗ tiêm như đỏ hoặc đổi màu khác, sưng đau.
  • Phản ứng dị ứng: Nổi mề đay, thở khò khè, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng.
  • Vấn đề về gan: Vàng da, mắt, buồn nôn, đau dạ dày, ngứa, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu.
  • Nhiễm trùng hô hấp.
  • Đau đầu, ớn lạnh, triệu chứng cúm.
  • Đau khớp.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Somavert

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Somavert gồm có:

  • Một số thuốc đái tháo đường (có thể bao gồm insulin và các thuốc trị tiểu đường dạng uống, tiêm khác) làm giảm lượng đường trong máu. Khi dùng Somavert với các loại thuốc này có thể khiến lượng đường trong máu người bệnh giảm xuống mức không an toàn.
  • Hiệu quả của thuốc Somavert có thể bị giảm sút khi bệnh nhân đang dùng các thuốc opioid như acetaminophen, hydromorphone methadone và oxycodone.
  • Chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng thuốc Somavert trên phụ nữ mang thai và cho con bú, thậm chí các nghiên cứu trên động vật sử dụng Somavert còn có nguy cơ sảy thai. Do đó, bệnh nhân mang thai và đang cho con bú cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
  • Thuốc Somavert có thể làm tăng khả năng thụ thai ở phụ nữ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Somavert, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Somavert là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn.

Nguồn tham khảo: ema.europa.eu, pfizer.com, medicalnewstoday.com, drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe