Viêm mũi dị ứng (Phần II): Triệu chứng lâm sàng và phương pháp điều trị

Bài viết được viết bởi Chuyên gia tư vấn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quang Đoàn - Chuyên gia dị ứng- miễn dịch lâm sàng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Phân loại viêm mũi

Viêm mũi được chia theo hại loại viêm mũi dị ứng (VMDƯ) và viêm mũi không dị ứng.

1.1 Viêm mũi dị ứng

VMDƯ phải do một hay nhiều loại dị nguyên gây nên. Dựa vào thời gian xuất hiện trong năm người ta chia thành viêm mũi theo mùa và viêm mũi quanh năm.

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa liên quan với phấn hoa hoặc nấm mốc có đặc điểm là các triệu chứng hay xảy ra theo mùa hoa, hết mùa các triệu chứng này có thể giảm nhẹ hoặc hết.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm là do mạt bụi nhà, nấm mốc, gián, lông súc vật...

Tuy nhiên, cách phân loại này không hoàn toàn thoả mãn vì dị nguyên theo mùa ở vùng này hoặc nước này có thể là dị nguyên quanh năm ở nơi khác và ngược lại. Mặt khác đa số bệnh nhân thường mẫn cảm với nhiều loại dị nguyên.

1.2 Viêm mũi không dị ứng

Viêm mũi không dị ứng thường không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh.

2. Triệu chứng lâm sàng của viêm mũi dị ứng

Đó là tam chứng kinh điển: Hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi , chảy nước mũi trong xuất hiện thành từng cơn xảy ra trong ngày, ngoài cơn có thể bình thường.

Các triệu chứng này có thể xuất hiện theo thứ tự sau:

  • Ngứa mũi là triệu chứng xuất hiện sớm.
  • Chảy nước mũi là triệu chứng xuất hiện sau cơn ngứa mũi, hắt hơi. Nước mũi trong có thể chảy giàn giụa. Nếu lẫn nhầy đục có thể bị bội nhiễm.
  • Hắt hơi từng tràng có khi tới vài chục lần liên tiếp, thường xảy ra khi thức dạy hoặc tiếp xúc với dị nguyên.
  • Ngạt mũi: không điển hình, có khi ngạt từng lúc, từng bên hay ngạt mũi cả hai bên.

Tuy nhiên ở người bệnh VMDƯ không nhất thiết phải xuất hiện đầy đủ các triệu chứng trên, có khi chỉ là triệu chứng hắt hơi hoặc chảy nước mũi, ngạt mũi chiếm ưu thế.

Ngứa mũi
Ngứa mũi là 1 trong những triệu chứng của viêm mũi dị ứng

3. Phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng

3.1 Nguyên tắc điều trị

  • Tránh tiếp xúc với dị nguyên
  • Thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ được ưu tiên hàng đầu.
  • Thuốc co mạch, corticoid uống chỉ dùng trong đợt ngắn.
  • Corticoid xịt dùng hằng ngày và chỉ ngừng sau khi hết triệu chứng ít nhất một tháng.

3.2 Mục tiêu điều trị

  • Cải thiện chất lượng cuộc sống
  • Giảm nhanh các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát
  • Thuốc điều trị phải an toàn.
Happy
Điều trị viêm mũi dị ứng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống

3.3 Các thuốc điều trị

Corticoid

Các thuốc chống viêm corticoid có nhiều loại khác nhau tác dụng toàn thân, tại chỗ như beclomethason, budesonid, flucason, methylprednisolon, dexamethason v.v.

Flixonase (fluticasone propionate) là corticoid dạng xịt được ưa dùng trong điều trị VMDƯ với tác dụng giảm sản xuất tế bào viêm, giảm phóng thích các chất trung gian hoá học gây viêm, giảm giãn mạch trong niêm mạc mũi. Thuốc này có hiệu quả cao trong điều trị VMDƯ theo mùa hoặc quanh năm cả ở người lớn và trẻ em trên 4 tuổi, thuốc dung nạp tốt, ít tác dụng phụ.

Liều dùng:

Dung dịch xịt mũi 50mg/liều, bình xịt 60 liều.

  • Người lớn: một lần xịt 02 nhát mỗi bên mũi, trường hợp cần thiết có thể xịt 2 lần/ngày.
  • Trẻ em 4-11 tuổi

Mỗi lần xịt 01 nhát mỗi bên

Ngoài ra còn có beclomethason (beconase) dạng xịt

Các thuốc nhóm cromone dùng tại chỗ cũng có tác dụng chống viêm, ức chế cả giai đoạn sớm và muộn của VMDƯ. Ngày xịt, phun vào mũi 4-6 lần. Các thuốc thường dùng: sodium cromoglicate, nedocromil sodium.

Thuốc kháng histamin :

Các thuốc kháng histamin điều trị VMDƯ thường ở dạng uống, sử dụng tiện lợi ngày 1 viên. Các thuốc phổ biến hay dùng: loratadin 10mg, terfenadin (teldan) 10mg, clarityn 10mg, cetirizin (zyrtec) 10mg, fexofenadin (Telfast) 180mg.

Thuốc chống xung huyết mũi:

Ngoài corticoid, còn một số thuốc có tác dụng chống xung huyết mũi . Các thuốc này dùng dưới dạng nhỏ mũi hoặc phun sương, có tác dụng nhanh với triệu chứng ngạt mũi nhưng không có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên dùng kéo dài có thể gây ngạt mũi trở lại (viêm mũi do thuốc). Các thuốc thường dùng: ephedrin, oxymethazolin v.v.. ngày xịt 2-3 lần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan