Tăng huyết áp trong thai kỳ nguy hiểm như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới, phẫu thuật nội soi.

Tăng huyết áp thai kỳ, còn được gọi là tăng huyết áp do mang thai (PIH) là một bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ. Tăng huyết áp khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Bệnh nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát hoặc điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ. Hãy cùng tìm hiểu các thông tin về tăng huyết áp thai kỳ trong bài viết dưới đây.

1. Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Định nghĩa tăng huyết áp trong thai kỳ dựa vào trị số huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg và phân loại thành mức độ nhẹ (140-159/90-109 mmHg) hoặc nặng (≥ 160/110 mmHg)

Tăng huyết áp thai kỳ gồm các thể lâm sàng sau:

  • Tăng huyết áp mạn tính: xuất hiện trước thai kỳ hoặc trước tuần 20 của thai kỳ và tình trạng này kéo dài hơn 42 ngày sau khi sinh.
  • Tăng huyết áp thai kỳ: xuất hiện sau tuần 20 của thai kỳ và thường hồi phục trong vòng 42 ngày sau sinh.
  • Tiền sản giật: tăng huyết áp do thai với tiểu đạm ý nghĩa [> 0,3 g/24 giờ hoặc tỉ số albumin:creatinin niệu (ACR) ≥ 30 mg/mmol].
  • Tăng huyết áp mạn tính cộng với tăng huyết áp thai kỳ kèm tiểu đạm
  • Tăng huyết áp không phân loại được trước sinh: thuật ngữ này được sử dụng khi huyết áp được đo lần đầu sau tuần 20 của thai kỳ và tăng huyết áp được chẩn đoán xác định; bệnh nhân cần được đánh giá lại sau 42 ngày hậu sản.

2. Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ

Mỗi phụ nữ có thể gặp các triệu chứng khác nhau và một bệnh nhân bị tăng huyết áp thai kỳ cũng có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Cao huyết áp
  • Thiếu hoặc có protein trong nước tiểu (để chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật)
  • Phù (sưng)
  • Tăng cân đột ngột
  • Thay đổi thị giác như mờ hoặc nhìn đôi
  • Buồn nôn ói mửa
  • Đau bụng bên phải hoặc đau thượng vị.
  • Đi tiểu ít
  • Thay đổi xét nghiệm chức năng gan hoặc thận.
Tăng huyết áp trong thai kỳ
Cao huyết áp là triệu chứng điển hình của tăng huyết áp thai kỳ

3. Phòng ngừa tăng huyết áp và tiền sản giật

Tiền sản giật là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20, trong đó cao huyết áp thai kỳ là một trong những biểu hiện của bệnh này. Tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé như làm tăng nguy cơ sinh non hay sinh con thiếu cân.

Phụ nữ có nguy cơ cao hoặc trung bình với tiền sản giật nên được tư vấn sử dụng aspirin 100-150 mg mỗi ngày từ tuần 12 đến đến tuần 36-37.

Nguy cơ cao tiền sản giật bao gồm bất kỳ yếu tố sau:

  • Tăng huyết áp trong lần mang thai trước đây
  • Bệnh thận mạn tính.
  • Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống hoặc hội chứng kháng phospholipid
  • Đái tháo đường type 1 hoặc type 2
  • Tăng huyết áp mạn tính

Nguy cơ trung bình tiền sản giật gồm nhiều hơn một trong các yếu tố sau:

  • Mang thai lần đầu
  • Tuổi ≥ 40
  • Khoảng cách giữa hai lần mang thai hơn 10 năm
  • BMI ≥ 35 kg/m2 tại lần khám đầu tiên
  • Tiền sử gia đình tiền sản giật
  • Đa thai

Bổ sung canxi (1,5-2 g/ngày đường uống) được khuyến cáo phòng ngừa tiền sản giật ở phụ nữ với chế độ ăn nhập ít canxi (< 600 mg/ngày) tại lần khám tiền sản đầu tiên.

Vitamin C và E không giảm nguy cơ tiền sản giật; ngược lại, chúng thường liên quan với cân nặng lúc sinh < 2,5 kg và các kết cục nặng chu sinh.

Tăng huyết áp trong thai kỳ
Mang thai lần đầu có nguy cơ tiền giản giật cao hơn

4. Điều trị tăng huyết áp thai kỳ

Điều trị cụ thể cho tăng huyết áp thai kỳ sẽ được xác định bởi bác sĩ của bạn dựa trên các cơ sở:

  • Mang thai, tuổi thai, sức khỏe tổng thể và lịch sử y tế của bạn
  • Mức độ của bệnh
  • Khả năng đáp ứng của bạn đối với thuốc, hoặc liệu pháp cụ thể

4.1 Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc trong thai kỳ có vai trò hạn chế với các thử nghiệm ngẫu nhiên về chế độ ăn và thay đổi lối sống, cho thấy ảnh hưởng ít lên kết cục thai kỳ . Tập thể dục thường xuyên có thể được tiếp tục thận trọng và phụ nữ béo phì (≥ 30 kg/m2) cần được tư vấn tránh tăng cân hơn 6,8 kg.

4.2 Điều trị dùng thuốc

Với mục đích điều trị tăng huyết áp để giảm nguy cơ cho mẹ, các thuốc hạ áp được chọn lựa phải hiệu quả và an toàn cho thai.

Điều trị tăng huyết áp nặng:

Theo khuyến cáo HATT ≥ 170 mmHg hoặc HATTr ≥ 110 mmHg ở phụ nữ mang thai là tăng huyết áp cấp cứu và được chỉ định nhập viện. Ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin và ức chế trực tiếp renin bị chống chỉ định. Điều trị bằng thuốc với labetalol đường tĩnh mạch, methyldopa hoặc nifedipin đường uống nên được lựa chon. Lựa chọn thuốc khi tiền sản giật có phù phổi là nitroglycerin (glyceryl trinitrate) truyền tĩnh mạch 5 ug/phút và tăng dần mỗi 3-5 phút đến liều tối đa 100 ug/phút.

Tăng huyết áp trong thai kỳ
Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc

Điều trị tăng huyết áp nhẹ-trung bình:

Mặc dù thiếu chứng cứ nhưng hướng dẫn châu Âu khuyến cáo khởi trị thuốc ở tất cả phụ nữ tăng huyết áp dai dẳng ≥ 150/95 mmHg và trị số > 140/90 mmHg ở phụ nữ với:

  • tăng huyết áp thai kỳ (có hoặc không có tiểu đạm)
  • tăng huyết áp mạn tính cộng với tăng huyết áp thai kỳ
  • tăng huyết áp với tổn thương cơ quan đích dưới lâm sàng hoặc có triệu chứng tại bất kỳ thời điểm trong thai kỳ.

Methyldopa, ức chế beta và ức chế canxi là các thuốc được lựa chọn. Ức chế beta có vẻ ít hiệu quả hơn ức chế canxi và có thể gây ra nhịp tim chậm ở thai, chậm tăng trưởng, và hạ đường huyết; do đó, loại và liều thuốc nên được chọn lựa cẩn thận, và cần tránh sử dụng atenolol. Thể tích huyết tương giảm trong tiền sản giật, do đó điều trị lợi tiểu nên tránh trừ khi trong tình huống thiểu niệu, furosemide liều thấp có thể được xem xét. Magnesium sulfate đường tĩnh mạch được khuyến cáo phòng ngừa sản giật và điều trị co giật nhưng không nên sử dụng đồng thời với ức chế canxi (có nguy cơ tụt huyết áp do tác dụng hiệp đồng).

Tóm lại, tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm đến cả mẹ và bé, vì thế ngay khi biết mang thai, các bà mẹ nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tầm soát và tư vấn điều trị hợp lý nếu có phát hiện tăng huyết áp thai kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan