Vì sao cần thực hiện siêu âm trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú và Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Vũ - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Do thực hiện nhanh, an toàn, chi phí thấp, độ chính xác tương đối cao, siêu âm ổ bụng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đầu tay sử dụng khi bệnh nhân nghi ngờ viêm ruột thừa cấp.

1. Viêm ruột thừa cấp là gì?

Ruột thừa có cấu trúc như hình ngón tay của ống tiêu hóa gắn vào đoạn đầu tiên của ruột già (manh tràng). Ruột thừa có chức năng miễn dịch, giúp các tế bào lympho B trưởng thành và tạo kháng thể. Tuy nhiên, vai trò của ruột thừa không quá quan trọng, cơ thể không tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cũng như suy giảm miễn dịch nếu ruột thừa bị cắt đi.

Viêm ruột thừa cấp là một cấp cứu ngoại khoa ổ bụng rất thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ người già tới trẻ em. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa như: sỏi phân, phì đại mô lympho do nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, sỏi mật, u ruột thừa,...Các nguyên nhân này làm tắc nghẽn, tăng áp lực lòng ruột thừa, giảm tưới máu các mô ruột thừa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra tình trạng viêm, các mô ruột thừa bị tổn thương và chết đi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ruột thừa có thể vỡ ra, vi khuẩn giải phóng vào ổ bụng, gây những biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh như viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể, áp xe ruột thừa,...

Ruột thừa
Hình ảnh viêm ruột thừa cấp

2. Vì sao cần thực hiện siêu âm ổ bụng trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp?

Khi bị viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như đau bụng âm ỉ trên rốn sau đó di chuyển xuống góc dưới bụng phải, sốt nhẹ (sốt cao từ 39oC khi ruột thừa có biến chứng), rối loạn tiêu hóa như chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn,... Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm máu, sinh hóa, bệnh sẽ dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý ống tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục khác có triệu chứng tương tự như cơn đau quặn thận phải, viêm phần phụ bên phải, viêm manh-hồi tràng, u buồng trứng bên phải xoắn, xuất huyết nang buồng trứng phải, thai ngoài tử cung phải, viêm túi mật cấp,...

Theo các nghiên cứu, nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa, huyết học, tỷ lệ mổ bụng nhưng không có ruột thừa từ 16-47%. Nếu sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, tỷ lệ này giảm xuống 6-7%. Như vậy, sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh là vô cùng quan trọng trong chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cấp. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể dùng trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấpsiêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI),... trong đó siêu âm ổ bụng là phương pháp đầu tay, an toàn, có độ nhạy cao, dễ thực hiện, được sử dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế.

Kết quả siêu âm ổ bụng có thể cho biết điều gì?
Siêu âm ổ bụng giúp chẩn đoán viêm ruột thừa cấp

Ruột thừa bình thường có cấu trúc hình ống, không có nhu động, cấu trúc từ ngoài vào trong bao gồm thanh mạc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc, lớp niêm mạc và lòng ruột thừa. Thành ruột thừa dày khoảng 2mm, đường kính dưới 6-7mm. Nếu siêu âm cho thấy hình ảnh ruột thừa bình thường sẽ loại bỏ chẩn đoán ruột thừa.

Khi ruột thừa bị viêm, hình ảnh trên siêu âm là cấu trúc dạng ống chứa đầy dịch, cấu tạo như ruột, không đè ép được, thành dày hơn bình thường, đường kính lớn hơn 6-7mm. Dùng siêu âm doppler màu và doppler năng lượng phát hiện thành của cấu trúc dạng ống có biểu hiện tăng tưới máu. Dùng đầu dò đè lên có thể phân biệt được quai ruột di chuyển và một ruột thừa viêm cố định. Các bệnh lý nguồn gốc đường tiêu hóa và sinh dục, tiết niệu có biểu hiện giống viêm ruột thừa có thể phát hiện được trên siêu âm 1⁄4 bụng dưới bên phải.

3. Siêu âm viêm ruột thừa cấp có ưu điểm gì?

Tuy có độ chính xác không cao bằng CT hoặc MRI, nhưng trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, siêu âm có nhiều ưu điểm, cụ thể như:

  • So với chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm viêm ruột thừa cấp có ưu điểm là không có ion bức xạ, điều này rất quan trọng với phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên, là nhóm đối tượng thường bị viêm ruột thừa cấp và cũng là nhóm đối tượng dễ bị tác động bởi bức xạ. Bệnh nhân khi thực hiện siêu âm cũng không cần uống thuốc an thần, thực hiện gây mê toàn thân, uống hoặc tiêm thuốc cản quang, do đó sẽ không gặp các tác dụng phụ, rủi ro, dị ứng khi uống hoặc tiêm các thuốc này. Siêu âm có ưu điểm là có thể khảo sát ruột thừa ở các tư thế khác nhau, khảo sát động và dễ dàng lặp lại nhiều lần mà không bức xạ, không hại cho cơ thể và giá thành cũng thấp hơn chụp CT hay MRI. Tuy độ nhạy không cao như CT, nhưng với mức độ phổ biến của bệnh và nếu kỹ thuật siêu âm ổ bụng được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề, độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp ở trẻ em là tương ứng là 98.5% và 98.2%.
  • Phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) tránh cho người bệnh tiếp xúc với bức xạ, tuy nhiên chi phí cao, thời gian thực hiện lâu, việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị sẽ làm tăng nguy cơ viêm ruột thừa xuất hiện các biến chứng. Siêu âm có ưu điểm là thực hiện nhanh, chi phí thấp, giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chụp MRI
Phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI)

Do đó, theo đánh giá hiện nay siêu âm là phương pháp thực hiện đầu tiên ở bệnh nhân nghi ngờ viêm ruột thừa. Các biểu hiện lâm sàng phù hợp vùng với hình ảnh siêu âm phát hiện viêm ruột thừa là đủ để tiến hành phẫu thuật. Chỉ khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng những hình ảnh trên siêu âm không xác định rõ, nếu thầy thuốc vẫn nghi ngờ mới cần thực hiện thêm các kỹ thuật khác. Trên bệnh nhân người lớn bình thường, không mang thai, kỹ thuật được chỉ định tiếp theo sau siêu âm là chụp cắt lớp vi tính (CT), ở phụ nữ có thai, kỹ thuật được sử dụng là chụp cộng hưởng từ (MRI).

Tiến sĩ Trần Như Tú với kinh nghiệm trên 20 năm, trong đó 3 năm làm Phó trưởng Khoa cận lâm sàng - Bệnh viện Hòa Vang, 16 năm làm Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 năm làm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Tiến sĩ Tú chẩn đoán chính xác, giảm tối thiểu sai sót dựa trên các hình ảnh thu được, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân 24/24 trong các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu.

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan