Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Ở người bình thường mắc bệnh viêm ruột thừa đã rất đau đớn nhưng viêm ruột thừa ở bà bầu còn nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng hơn. Do đó nếu không phát hiện, chẩn đoán viêm ruột thừa ở bà bầu trong giai đoạn sớm có thể khiến sản phụ sinh non, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
1. Vì sao bà bầu bị viêm ruột thừa?
Trong cơ thể con người, ruột thừa nằm phía bên phải của bụng, một đầu thông với ruột già. Dù ít được để ý nhưng khi xảy ra các vấn đề thì ruột thừa có thể đe dọa tính mạng của con người. Theo đó, tình trạng viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm sưng và chứa đầy mủ, gây đau.
Thực tế, viêm ruột thừa có thể xảy đến với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào dù có mang thai hay không. Tuy nhiên một số nguyên nhân sau đây có thể được nhận định là những nguyên nhân chính khiến bà bầu bị viêm ruột thừa:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng dạ dày có thể ảnh hưởng đến ruột thừa, gây viêm ruột thừa ở bà bầu.
- Tắc nghẽn: Đôi khi, một cục phân cứng có thể bị kẹt lại trong ruột thừa, gây viêm ruột thừa ở bà bầu.
2. Chẩn đoán viêm ruột thừa ở bà bầu
Để chẩn đoán viêm ruột thừa ở bà bầu cần chú ý đến triệu chứng báo hiệu bệnh như sau:
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Triệu chứng lâm sàng khi bà bầu bị viêm ruột thừa không có đặc điểm gì khác với người phụ nữ không có thai:
- Sốt, mạch nhanh.
- Đau vùng hố chậu phải.
- Nôn thường xuất hiện muộn hơn khi bà bầu bị viêm ruột thừa nhưng đôi khi thường bị nhầm với triệu chứng nôn nghén trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Dấu hiệu Mac Burney (dương tính), ấn bụng đau ở vùng hố chậu phải.
- Khám âm đạo: Tử cung lớn tương ứng tuổi thai, túi cùng phải không đầy, ấn đau.
Triệu chứng lâm sàng trong 6 tháng cuối thời kỳ thai nghén
Do thai phát triển nhiều hơn 3 tháng đầu thai kỳ nên tử cung thường đẩy ruột thừa lên cao và ép ra ngoài thành bụng nên triệu chứng thường phức tạp hơn khiến viêm ruột thừa ở bà bầu rất khó chẩn đoán, gồm các triệu chứng:
- Sốt cao, mạch nhanh.
- Đau thường ở cao hơn vị trí bình thường. Các cơn đau quặn bụng càng lúc càng nặng nề hơn.
- Rối loạn nhu động ruột như: táo bón, tiêu chảy và liệt ruột cơ năng.
- Khám: Có các cơn gò tử cung do tử cung bị kích thích. Khi thăm khám cần đặt sản phụ nằm ngửa, lấy tay đẩy tử cung sang phải sản phụ thường kêu đau hay cho sản phụ nằm nghiêng trái để tử cung có thai bị đẩy sang trái thường phát hiện viêm ruột thừa, nếu ấn vào vùng hố chậu phải, hạ sườn phải sẽ giúp xác định điểm đau rõ rệt hơn.
- Khám âm đạo phối hợp nắn bụng: Túi cùng phải không đầy, ấn đau ít.
2.2. Khám cận lâm sàng phát hiện viêm ruột thừa ở bà bầu
- Xét nghiệm máu: Nếu thấy số lượng bạch cầu tăng, bạch cầu trung tính tăng cao.
- Siêu âm: Chẩn đoán viêm ruột thừa ở bà bầu trong 3 tháng đầu có thể dễ dàng hơn nhưng sau 6 tháng thai kỳ việc phát hiện bà bầu bị viêm ruột thừa sẽ khó khăn hơn do sự phát triển của thai nhi.
2.3. Chẩn đoán viêm ruột thừa ở bà bầu
Chẩn đoán viêm ruột thừa ở bà bầu thường khó khăn hơn bình thường vì điểm đau ruột thừa không điển hình như người bình thường. Đặc biệt nếu viêm ruột thừa xảy ra trong chuyển dạ cơn gò tử cung thường làm mờ đi dấu hiệu đau của viêm ruột thừa.
Cần chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa ở bà bầu với các bệnh lý sau đây:
Trong các hình thái có hội chứng nhiễm khuẩn nặng thì cần phân biệt với:
- Viêm mủ bể thận phải, nhiễm khuẩn đường tiết niệu như tiểu buốt, tiểu rát, tiểu máu...).
- Viêm túi mật cấp (sốt, đau vùng túi mật...).
- Viêm phần phụ cấp (đau hai bên hố chậu, sốt).
Trong các hình thái không có sốt chủ yếu chỉ dựa vào dấu hiệu đau thì cần phân biệt với:
- Dấu hiệu bắt đầu chuyển dạ.
- Huyết tụ sau rau (trong rau bong non).
- Cơn đau quặn thận, cơn đau do áp-xe gan.
- Khối u buồng trứng biến chứng (xoắn).
Nếu viêm ruột thừa ở bà bầu không được mổ kịp thời thì viêm ruột thừa cấp tính sẽ chuyển thành áp-xe ruột thừa hoặc viêm phúc mạc có thể gây ra tình trạng sẩy thai. Sau đẻ bệnh thường tiến triển nặng hơn do tử cung co hồi lại làm ổ mủ lan tỏa vào ổ bụng. Theo đó, bệnh nhân thường bị vô sinh, thai ngoài tử cung do viêm nhiễm phần phụ thứ phát làm ảnh hưởng đến khẩu kính của hai vòi trứng.
Nguy hiểm hơn, viêm ruột thừa ở bà bầu còn khiến sản phụ sinh non, thai chết lưu trong tử cung và nhiễm trùng nặng cho trẻ lúc chào đời.
3. Điều trị viêm ruột thừa ở bà bầu như thế nào?
Để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, nếu các bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán bà bầu bị viêm ruột thừa trong thời gian khám định kỳ cần chuyển sản phụ lên tuyến trên để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị, bởi việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở bà bầu rất khó phát hiện.
Khi chuyển sản phụ lên các tuyến trên, nếu sản phụ được chẩn đoán mắc bệnh viêm ruột thừa thì nên tiến hành mổ sớm. Các phương pháp điều trị viêm ruột thừa ở bà bầu như sau:
- Mổ theo đường Mac Burney: Nếu ruột thừa ở sản phụ bình thường cũng cần cắt bỏ ruột thừa rồi khâu vùi gốc. Trong quá trình phẫu thuật, cần cố gắng tránh đụng chạm đến tử cung để giảm nguy cơ gây co bóp tử cung, đồng thời kiểm tra phần phụ phải xem sản phụ có bị viêm thứ phát hay không, nhưng không được cắt bỏ để tránh cắt nhầm buồng trứng có hoàng thể thai nghén. Nếu là túi mủ ruột thừa hoặc viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ mủ cần mổ cắt bỏ ruột thừa, rửa ổ bụng và thực hiện dẫn lưu.
- Trong chuyển dạ nếu không ngăn được thì cố gắng để sản phụ sinh thường, trong trường hợp không thể sinh thường thì mổ lấy thai sau đó cắt viêm ruột thừa, trường hợp cần thiết có thể cắt tử cung bán phần.
- Để hạn chế tối đa tình trạng sảy thai, đẻ non, trước và sau khi mổ phải cho sản phụ dùng thuốc giảm co (Papaverin) và Progesterone để giúp duy trì cho thai phát triển. Sau khi mổ viêm ruột thừa ở bà bầu cần chú ý dùng kháng sinh tiêm liều cao (có thể dựa vào kháng sinh đồ lúc lấy dịch mủ ổ viêm).
Viêm ruột thừa ở bà bầu thường khó chẩn đoán, đặc biệt trong 6 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên do viêm ruột thừa có diễn tiến phức tạp nên cần phát hiện sớm và giải quyết phẫu thuật để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng phương pháp mổ nội soi cắt ruột thừa để điều trị thành công cho nhiều ca bệnh viêm ruột thừa phức tạp. Với ưu điểm vượt trội về cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại, Vinmec ngày càng được đánh giá cao không chỉ trong kỹ thuật mổ nội soi cắt ruột thừa mà còn nhiều kỹ thuật khác.
Đội ngũ y bác sĩ thực hiện phẫu thuật đều có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng xử lý ngay cả khi có các tai biến bất ngờ xảy ra. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chăm sóc và theo dõi sát sao, được nghỉ ngơi tại phòng bệnh chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ tối đa cho quá trình hồi phục sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.