Vì sao bạn bị dị ứng thời tiết?

Dị ứng thời tiết là tình trạng cơ thể phản ứng khi thời tiết thay đổi. Dị ứng thời tiết là bệnh thường gặp gây ra các biểu hiện như viêm mũi dị ứng, phát ban, nổi mề đay, ...

1. Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng thời tiết là tình trạng cơ thể phản ứng với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Tùy vào từng trường hợp, cơ thể người bệnh sẽ có mức độ phản ứng và biểu hiện khác nhau.

Có 2 dạng dị ứng thời tiết là dị ứng cấp tính và dị ứng thời tiết mãn tính. Dị ứng thời tiết cấp tính đặc trưng bởi biểu hiện ngứa trong thời gian khoảng từ 1 ngày đến dưới 6 tuần. Khi dị ứng thời tiết cấp tính không điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn mãn tính, với những triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, nhiễm trùng da, sưng phù nề, sốc phản vệ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

2. Vì sao bạn bị dị ứng thời tiết?

Dị ứng thời tiết là tình trạng thường gặp do những nguyên nhân sau gây ra:

  • Nhiệt độ thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại, làm thay đổi độ ẩm, từ đó tạo điều kiện để các dị nguyên trong môi trường như nấm mốc phát triển, tác động và làm rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn sẽ sinh ra các phản ứng dị ứng và tạo ra kháng thể cũng như các chất hóa học khác để bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại.
  • Khi hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, cơ chế sản sinh histamin của cơ thể cũng chịu tác động nhất định và dẫn đến tình những phản ứng dị ứng đối với thời tiết.
Dị ứng
Vì sao bạn bị dị ứng thời tiết?

3. Dấu hiệu bị dị ứng thời tiết

Dấu hiệu đặc trưng của dị ứng thời tiết là nổi mẩn đỏ, mề đay và gây ngứa. Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng về hô hấp như khó thở, thở khò khè, ... Dưới đây là dấu hiệu cụ thể của tình trạng dị ứng thời tiết:

  • Nổi mẩn đỏ, phát ban, ngứa: Trên các vùng da tiếp xúc nhiều với môi trường như mặt, tay và chân xuất hiện các ban mẩn đỏ và gây ngứa khó chịu, buộc người phải gãi nhiều. Tuy nhiên, gãi sẽ khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm, các ban lan rộng ra.
  • Nổi mề đay: Khi xuất hiện mề đay khắp cơ thể, có nghĩa là người bệnh bị dị ứng thời tiết giai đoạn nặng. Đột ngột nổi mề đay toàn cơ thể sẽ dẫn đến các tình huống nguy hiểm như tụt huyết áp, khó thở, sốc phản vệ. Nếu không xử lý kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến tử vong.
  • Chàm bội nhiễm: Tình trạng chàm bội nhiễm đặc trưng bởi các mẩn đỏ kèm theo mụn nước li ti. Khi gãi hoặc bị tác động, các mụn nước sẽ chảy dịch và dịch có màu vàng. Khi khô lại, các mẩn đỏ đóng thành vảy và thường xuất hiện ở đầu, mặt, khuỷu tay và đầu gối. Chàm bội nhiễm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến da và thường xuất hiện trong thời gian dài.
  • Viêm mũi dị ứng: Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh dị ứng thời tiết với các biểu hiện như ngứa mắt, ngứa mũi, khô mũi, khô họng, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, buồn ngủ, mất ngủ, .... Thông thường, viêm mũi dị ứng xảy ra từng đợt và kéo dài trong khoảng 20 - 30 phút, với tần suất xuất hiện phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh.
  • Khó thở, thở khò khè, ho: Ngoài các dấu hiệu ở da kể trên, dị ứng thời tiết còn gây ra các vấn đề về hô hấp với các dấu hiệu như ho, khó thở hoặc thở khò khè. Mỗi khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa, các triệu chứng này lại tái phát. Vì vậy, người bệnh bị dị ứng cần thăm khám sàng lọc để kịp thời phát hiện bệnh hen phế quản (nếu có) nhằm kiểm soát tốt bệnh, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm mũi dị ứng
Dị ứng thời tiết có thể gây viêm mũi

4. Phòng ngừa dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng cần phải phòng ngừa để tránh gây nguy hiểm:

  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có thể gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, lông vật nuôi, khói bụi, ...
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, đặc biệt cần tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin và chất xơ như rau củ quả để tăng sức đề kháng, kết hợp tập luyện thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên.
  • Khi bị dị ứng thời tiết cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ... để tránh làm tình trạng nặng thêm.
  • Chú ý không để nhiệt độ cơ thể bị thay đổi đột ngột.
  • Mặc trang phục làm từ chất liệu có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, tránh các loại quần áo có thể gây cọ xát vì có thể khiến tình trạng dị ứng lan rộng.
  • Khi dị ứng thời tiết gây ngứa trên da, cần hạn chế gãi và chú ý giữ vệ sinh để tránh làm nhiễm trùng da. Nếu bị viêm mũi dị ứng cần chú ý vệ sinh rửa mũi thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi thực hiện các biện pháp chăm sóc, vệ sinh hoặc dị ứng thời tiết gây biến chứng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Dị ứng thời tiết do nhiệt độ và độ ẩm môi trường thay đổi đột ngột, tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể sinh ra các phản ứng dị ứng. Đặc trưng của tình trạng dị ứng thời tiết là nổi mẩn đỏ, phát ban, mề đay trên da và cũng có thể gây ho, khó thở.

Nước muối sinh lý
Nên sử dụng nước muối sinh lý để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập từ mũi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan