Thang điểm glasgow là gì? Ý nghĩa thang điểm glasgow trong hôn mê

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thang điểm Glasgow là một công cụ đánh giá ý thức của bệnh nhân sau chấn thương não cấp tính. Sau này, thang điểm cũng được sử dụng cho các bệnh nhân chấn thương hay rối loạn tri giác nói chung. Cách thực hiện và ý nghĩa thang điểm Glasgow là một trong những tiếp cận bệnh nhân cơ bản mà tất cả các nhân viên y tế đều nắm vững.

1. Thang điểm Glasgow là gì?

Thang đo hôn mê của Glasgow được mô tả vào năm 1974 bởi Graham Teasdale và Bryan Jennett. Đây là một công cụ giúp đánh giá tình trạng hôn mê và suy giảm ý thức dựa trên các bằng chứng thực tế. Nói một cách khác, thang điểm Glasgow là một tiêu chuẩn về mức độ ý thức của bệnh nhân bị tổn thương não cấp tính do thương tật.

Theo thời gian, thang điểm Glasgow ngày càng chứng minh được vai trò của nó và trở thành thang điểm đáng tin cậy, khách quan để ghi lại mức độ ý thức ban đầu và diễn tiến sau đó ở một người sau khi bị chấn thương não, từ các nhân viên cấp cứu ban đầu tại nơi bị chấn thương như tai nạn xe hơi hoặc chấn thương thể thao, cho đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh hay tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Cùng với các bằng chứng hình ảnh học tổn thương sọ não, thang điểm này khá đơn giản nhưng vẫn cho kết quả tương quan tốt với những chấn thương não nghiêm trọng.

Theo đó, đối với những bệnh nhân cần đánh giá thang điểm Glasgow, việc này cần thực hiện lần đầu là tại hiện trường, tại thời điểm nhập viện và sau đó cứ sau bốn giờ trừ khi có chỉ định khác. Đây là những dấu hiệu lâm sàng rất quan trọng, làm cơ sở để xác định sự cải thiện hoặc diễn tiến xấu hơn trong tri giác của bệnh nhân.

hôn mê
Thang điểm Glasgow giúp đánh giá tình trạng hôn mê

2. Nội dung của thang điểm Glasgow là gì?

Thang đo hôn mê Glasgow phân tích ý thức của bệnh nhân theo ba tiêu chí khác nhau, bao gồm đáp ứng bằng mắt, bằng lời nói và vận động. Điểm tối đa cho mỗi tiêu chí trong thang điểm là khác nhau nhưng tổng điểm tối đa có thể là 15 và điểm thấp nhất có thể là 3.

2.1 Đáp ứng bằng mắt

  • Mở mắt tự nhiên (+4)
  • Mở mắt khi gọi (+3)
  • Mở mắt khi kích thích đau (+2)
  • Không mở mắt (+1)

2.2 Đáp ứng bằng lời nói

  • Định hướng tốt, cung cấp chính xác tên, địa điểm và ngày giờ (+5)
  • Có nhầm lẫn, không được định hướng được nhưng giao tiếp mạch lạc (+4)
  • Nói từ đơn dễ hiểu (+3)
  • Nói tiếng vô nghĩa (+2)
  • Im lặng (+1)

2.3 Đáp ứng bằng vận động

  • Thực hiện được y lệnh (+6)
  • Đáp ứng chính xác với kích thích đau (+5)
  • Đáp ứng không chính xác với kích thích đau (+4)
  • Gấp cứng (+3)
  • Duỗi cứng (+2)
  • Không đáp ứng (+1)
thang điểm Glasgow trong hôn mê
Nội dung của thang điểm Glasgow

3. Ý nghĩa thang điểm Glasgow trong hôn mê

Mỗi chấn thương não có những đặc điểm khác nhau, về cơ địa người bệnh, cơ chế chấn thương hay mức độ tổn thương. Tuy nhiên, nhìn chung, ý nghĩa thang điểm Glasgow trong hôn mê giúp phân loại mức độ chấn thương não, điểm càng thấp tiên lượng càng nặng:

  • Mức độ nặng: Điểm của thang điểm Glasgow là từ 3 đến 8
  • Mức độ trung bình: Điểm của thang điểm Glasgow là từ 9 đến 12
  • Mức độ nhẹ: Điểm của thang điểm Glasgow là từ 13 đến 15

Theo đó, ngoài những chỉ định thông thường của việc đặt nội khí quản, chủ động kiểm soát hô hấp, thang điểm Glasgow từ 8 trở xuống cũng là một yếu tố thúc đẩy can thiệp sớm để bảo toàn cho tính mạng của người bệnh.

Đồng thời, ý nghĩa thang điểm Glasgow trong hôn mê còn thể hiện qua diễn tiến điểm số theo thời gian. Tốc độ giảm sút của điểm càng nhanh, trong thời gian ngắn, tiên lượng cũng sẽ càng nặng.

Chấn thương sọ não
Thang điểm Glasgow trong hôn mê giúp phân loại mức độ chấn thương não

4. Cách sử dụng thang điểm Glasgow như thế nào?

Sự đánh giá một cách tin cậy của thang điểm hôn mê Glasgow là mấu chốt trong vấn đề theo dõi và chăm sóc cho người bệnh. Cùng với các bằng chứng nghiên cứu vai trò của thang điểm Glasgow trên thực tế, có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau để đánh giá thang điểm này. Tuy nhiên, các thành phần cơ bản của thang điểm dường như bất biến theo thời gian. Do đó, một trong những mục tiêu khi sử dụng thang điểm Glasgow là phải có một cách tiếp cận đúng tiêu chuẩn để đánh giá và tăng cường tính nhất quán trong việc sử dụng thang điểm này.

Cách sử dụng thang điểm Glasgow bao gồm các thành phần sau:

4.1 Đáp ứng bằng mắt và bằng lời nói

Đây là cách giao tiếp cơ bản của người bệnh với môi trường bên ngoài. Các bước trong đánh giá đáp ứng bằng mắt và bằng lời nói vẫn hằng định trong thang điểm Glasgow từ lúc ra đời.

Phản ứng mở mắt khi có lực tác động là cách phản ánh chính xác nhất với khả năng đáp ứng với các kích thích từ bên ngoài ở bệnh nhân hôn mê.

Trong đó, cách đánh giá đáp ứng bằng lời nói sẽ dễ gây nhầm lẫn hơn. Người bệnh có thể trả lời bằng những từ không phù hợp nhưng vẫn hiểu nghĩa thì vẫn được đánh giá điểm cao hơn so với những âm thanh không thể hiểu được.

4.2 Đáp ứng bằng vận động

Thành phần của các tiêu chí đáp ứng bằng vận động ban đầu gồm năm thành phần và đã được thay đổi vào năm 1976 bằng cách kết hợp thêm một bước thứ sáu. Thành phần này giúp phân biệt giữa gập duỗi theo hướng bình thường và một cách bất thường hay bệnh lý.

Các nghiên cứu quan sát trước đây cho thấy có sự khác biệt tương đối lớn về khả năng đánh giá tiêu chí đáp ứng bằng vận động giữa nhân viên y tế có kinh nghiệm và các nhân viên ít kinh nghiệm hơn. Chính vì vậy, việc tập huấn, kiểm tra và tự kiểm tra trong các lần đánh giá thang điểm Glasgow là rất cần thiết nhằm đạt tính thống nhất là tin cậy cao.

thang điểm Glasgow
Thang điểm Glasgowđáp ứng bằng vận động ban đầu

5. Những hạn chế của thang điểm Glasgow

Mặc dù từ lâu đã trở thành một thang điểm đánh giá hôn mê tương đối chuẩn xác, thang điểm Glasgow vẫn có một số hạn chế, ảnh hưởng đến tính thống nhất và tin cậy của thang điểm Glasgow này như sau:

  • Tuổi tác
  • Sự khác biệt trong ngôn ngữ hoặc văn hóa
  • Nghe kém hoặc khiếm thính
  • Tổn thương trí tuệ hoặc bệnh tâm thần kinh từ trước
  • Rối loạn tâm lý
  • Yếu liệt
  • Chấn thương cột sống
  • Đã can thiệp đặt nội khí quản hay mở khí quản
  • Tình trạng sưng phù
  • Dùng thuốc an thần, rượu

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như trình độ học vấn hay kinh nghiệm của nhân viên y tế của có thể là thay đổi kết quả đánh giá tri giác người bệnh theo thang điểm Glasgow.

Tóm lại, thang điểm Glasgow có thể giúp xác định những thay đổi về ý thức ở những bệnh nhân chấn thương sọ não. Đây là một công cụ đòi hỏi các nhân viên y tế phải hiểu rõ mục đích và cách thực hiện. Trong đó, xác định đúng các bệnh nhân cần đánh giá sẽ là bước đầu tiên trong việc sử dụng thang đo đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02973985588 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Phú Quốc.

374.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan