Phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật lồng ngực (phần 2)

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Việc can thiệp sớm phục hồi chức năng sau mổ góp phần rất lớn giúp người bệnh phòng tránh được những biến chứng trên, đồng thời giúp họ phục hồi tốt chức năng hô hấp và vận động, sớm đạt được mức độ độc lập chức năng tối đa trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

3. Các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng:

3.1. Các bài tập thở:

Các bài tập này ban đầu nên được giới hạn trong vòng 5 phút và tăng dần lên đến 30 phút. Nên động viên bệnh nhân tự gia tăng tần suất các bài tập cho đến khi họ thay đổi hoàn toàn được mẫu hô hấp của họ.

Bài tập 1: Thở cơ hoành ở vị thế nằm ngửa

  • Tư thế: Nằm ngửa với đầu thấp hơn khoảng 150 so với thân mình.
  • Chỉ dẫn: Bàn tay trái đặt lên lồng ngực ngay dưới xương ức để hạn chế sự di động của lồng ngực và vì vậy buộc phải thở bụng. Bàn tay phải đặt lên bụng ở vùng rốn. Người bệnh hít vào bằng mũi, đẩy và căng phồng các cơ bụng ra ngoài, và rồi thở ra bằng miệng, kéo vào và co rút các cơ bụng. Nên chú tâm đến chu kỳ thở ra nhiều hơn là hít vào.

Bài tập 2: Thở cơ hoành ở vị thế ngồi

  • Tư thế: Ngồi, tựa nhẹ trong tư thế thư giãn hoàn toàn.
  • Chỉ dẫn: Như ở bài tập 1.

Bài tập 3: Thở cơ hoành ở vị thế đứng

  • Tư thế: Đứng thư giãn
  • Chỉ dẫn: Như ở bài tập 1.

Bài tập 4: Thở cơ hoành khi đi

  • Tư thế: Đi bộ.
  • Chỉ dẫn: Như ở Bài tập 1, cố gắng đồng bộ hoá các bước với nhịp thở.

Bài tập 5: Thở cơ hoành khi đi lên bậc tam cấp

  • Tư thế: Bước lên cao hay lên bậc tam cấp.
  • Chỉ dẫn: Như ở bài tập 4.

Khi người bệnh điều khiển được mẫu hô hấp cần thiết, giai đoạn thở ra có thể được tăng tiến dần bằng kỹ thuật thổi nến và thổi bình.

Bài tập 6: Bài tập thổi nến

Sử dụng ngọn nến được thắp sáng và đặt ở những khoảng cách tăng dần. Nến được đặt ngang mức với miệng của bệnh nhân. Bệnh nhân trong tư thế ngồi và được yêu cầu phải thổi tắt ngọn nến. Bài tập được lập lại với tư thế đứng.

Bài tập 7: Bài tập thổi bình

Sử dụng hai bình dung tích nửa galông, đổ nước đầy nửa bình và nối kết với nhau bằng các ống nhựa và ống thủy tinh như hình vẽ. Bệnh nhân trong tư thế ngồi và được yêu cầu thổi nước từ bình này sang bình kia cùng với mẫu thở giống như trong thổi nến. Bài tập được lập lại trong tư thế đứng.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật lồng ngực bằng bài tập thổi nến
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật lồng ngực bằng bài tập thổi nến

3.2. Bảy bài tập cơ bản trước phẫu thuật lồng ngực.

Bài tập 1: Ổn định tư thế nằm đúng

  • Tư thế: Nằm ngửa.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân được yêu cầu giữ khung chậu ngang, tránh bất kỳ tình trạng xoay hay nâng của một hông, và rồi giữ hai vai ngang (giữ cho vai song song với chậu).
  • Mục đích: Cảm nhận được tư thế nằm đúng.

Bài tập 2: Thở cơ hoành

  • Tư thế: Nằm ngửa với vai và chậu ngang, đầu ở vị thế trung tính.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân đặt bàn tay trái lên lồng ngực và bàn tay phải lên vùng bụng và được đề nghị thở bụng (thở hoành); bàn tay phải di động với mỗi nhịp hít vào và thở ra. Không được di chuyển lồng ngực hay bàn tay trái.
  • Mục đích: Tránh thở ngực càng nhiều càng tốt.

Bài tập 3: Tạo phản xạ ho và tập thở cơ hoành bên phẫu thuật (Hình 13)

  • Tư thế: Nằm ngửa.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân nghiêng thân sang bên về phía không phẫu thuật và được yêu cầu thở hoành.
  • Mục đích: Thúc đẩy sự di động của cơ hoành phía bên phẫu thuật, nhờ vậy giúp để tránh tình trạng thở nghịch đảo sau phẫu thuật mở lồng ngực, và đẩy nhanh sự giãn nở phổi sau phẫu thuật cắt bỏ phổi. Đồng thời bài tập này cũng gây ra phản xạ ho; đây là phản xạ quan trọng để tống xuất chất thải trong phế quản.

Bài tập 4: Tập mạnh cơ duỗi cổ

  • Tư thế: Nằm ngửa với chậu và vai ngang, đầu trung tính.
  • Chỉ dẫn: Hạ cằm, bệnh nhân ấn đầu và cổ ra sau rồi đếm đến hai, xong thư giản đến ba. Lập lại ba lần.
  • Mục đích: Tập mạnh nhóm cơ chủ vận và đồng vận cử động duỗi đầu và duỗi cột sống cổ (Bó trên cơ thang, cơ gối dài cổ v.v

Bài tập 5: Chủ động nghiêng đầu sang bên phẫu thuật

  • Tư thế: Thế nằm ngửa cơ bản (sử dụng gương soi để kiểm soát)
  • Chỉ dẫn: Đầu di chuyển sang bên và chỉ một phía. Trượt đầu về phía phẫu thuật và đếm đến hai, xong trở lại vị thế ban dầu cho đến ba. Lập lại ba lần.

Bài tập 6: Hạ và khép chủ động xương vai

  • Tư thế: Nằm ngửa.
  • Chỉ dẫn: KTV đặt bàn tay dưới xương vai. Bệnh nhân được yêu cầu ấn ra sau, vào trong và xuống dưới lên bàn tay KTV. Lập lại như vậy ba lần với thời gian hoạt động là ba giây và thời gian nghỉ ba giây.
  • Mục đích: Dạy bệnh nhân bài tập kết hợp đặc biệt. Bài tập này cần cho sau phẫu thuật để phục hồi hoạt động của các cơ khép và các cơ hạ xương vai phía bên phẫu thuật (Các cơ trám, bó giữa và bó dưới cơ thang, cơ lưng rộng). Bài tập này cũng có tác dụng kéo giãn các cơ ngực, do nó có khuynh hướng kháng lại để xoay vai ra trước

Bài tập 7: Chủ động có trợ giúp hạ đai vai phía phẫu thuật

  • Tư thế: Nằm ngửa (Sử dụng gương soi để kiểm soát).
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân gập cẳng tay với các ngón tay đặt lên vai. Cánh tay đặt sát thân mình. KTV “cố định” đai vai và khớp khuỷu bằng các ngón tay. Người bệnh đẩy cánh tay hướng xuống dưới, kéo giãn bao khớp vai, các dây chằng và cơ , và giữ ở tư thế này (vai không được nâng lên trên mức đường giữa thân) rồi đếm đến ba. Lập lại ba lần.
  • Mục đích: Kéo giãn và tập mạnh các cơ của đai vai (cơ lưng rộng, bó dưới cơ thang, cơ ngực) và nhờ vậy ngăn ngừa “vai cao” sau phẫu thuật.
Thở cơ hoành là một trong các bài tập cơ bản trước phẫu thuật lồng ngực
Thở cơ hoành là một trong các bài tập cơ bản trước phẫu thuật lồng ngực

3.3. Các bài tập giai đoạn sau phẫu thuật.

Bắt đầu với bảy bài tập cơ bản đã tập trước phẫu thuật và tiếp tục với mười một bài tập dưới đây:

Bài tập 1 : Chủ động có trợ giúp cử động dang cánh tay ở khớp vai (bên phẫu thuật)

  • Tư thế: Nằm ngửa, tay phía phẫu thuật đặt sát thân với khuỷu gập.
  • Chỉ dẫn: KTV nâng đỡ tay ở vùng khuỷu và bàn tay. Người bệnh được động viên để dang cánh tay mà không quá căng với sự hỗ trợ của KTV. Lập lại ba lần với khoảng nghỉ ba giây.
  • Mục đích: Để bảo đảm cử động dang khớp vai được tối đa nhằm ngăn ngừa “đông cứng” khớp và teo cơ.

Bài tập 2 : Chủ động có trợ giúp cử động xoay của khớp vai

  • Tư thế: Nằm ngửa với tư thế khởi đầu của cánh tay như ở bài tập 8
  • Chỉ dẫn: Người bệnh được động viên để thực hiện bài tập đến mức có thể chịu đựng được với sự hỗ trợ của KTV. Lập lại ba lần với khoảng nghỉ ba giây.
  • Mục đích: Giống như ở cử động dang - để bảo đảm sự di động tối đa của khớp và để thúc đẩy quá trình PHCN các cơ của khớp vai.

Bài tập 3 : Chủ động có trợ giúp cử động dạng và khép ngang của cánh tay (bên phẫu thuật)

  • Tư thế: Nằm ngửa với cánh tay gập ở khuỷu và dang ngang đến 900 nếu có thể được; nếu không thì dang càng nhiều càng tốt.
  • Chỉ dẫn: KTV nâng đỡ tay giống như ở bài tập 8 và 9. Cánh tay gập

được đưa vào trong và cố gắng chạm các ngón tay vào vai đối bên. Tần suất và thời gian nghỉ giống như bài tập trước.

  • Mục đích: Để kéo giãn sự dính sau phẫu thuật và để tập các cơ khép xương vai và cơ duỗi cánh tay ở vị thế dang ngang.

Bài tập 4 : Chủ động tự trợ giúp gập cả hai tay

  • Tư thế: Nằm ngửa.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân nắm hai bàn tay lại với nhau với tay duỗi và đặt nghỉ trên thân. Bệnh nhân được yêu cầu nâng chậm rãi hai tay lên quá đầu đến điểm có thể chịu đựng được. Điểm này có thể rất giới hạn do đau trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Lập lại ba lần và giai đoạn nghỉ cũng như thường lệ.
  • Mục đích: Để di động khớp vai và tập các cơ đai vai và cánh tay.

Trong bài tập này cũng như các bài tập khác, điều thiết yếu là đề phòng cử động thay thế như nâng xương vai và xoay trước khớp vai; và tôn trọng các cử động sinh lý bình thường của khớp.

Trong giai đoạn đầu tiên sau phẫu thuật, các bài tập thường lệ được thực hiện đều đặn trong vị thế nằm trong tuần đầu tiên. Bắt đầu tuần lễ thứ hai sau phẫu thuật, nếu tình trạng của bệnh nhân cho phép, có thể cho họ ngồi đối diện với gương đứng, và chương trình PHCN thường quy được tiếp tục với những bài tập sau:

Bài tập 5: Chủ động nghiêng đầu sang một bên

  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi với chậu, vai, và đầu ở vị thế trung tính.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân nghiêng đầu về phía bên phẫu thuật, cố gắng chạm tai vào vai và tránh xoay đầu. Giữ như vậy trong vòng hai giây, trở lại vị trí cũ và nghỉ trong ba giây. Lập lại động tác ba lần.
  • Mục đích: Tập mạnh các cơ gập cổ phía bên phẫu thuật và kéo giãn các cơ gập cổ phía đối bên.

Bài tập 6 : Chủ động xoay vòng cả hai vai

  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi với khuỷu gập, cánh tay bên thân mình và đầu các ngón tay chạm vào vai.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân gập hai cánh tay ra trước và lên cho đến khi tạo góc vuông so với thân. Dang ngang cánh tay rồi trở lại vị thế ban đầu. Nghỉ rồi lập lại động tác ba lần. Nếu bệnh nhân phát hiện bài tập này khó thực hiện thì chỉ hạn chế bài tập này phía bên phẫu thuật.
  • Mục đích: Giữ hoạt động khớp vai được linh hoạt và kéo giãn các mô mềm bị kết dính.

Bài tập 7 : Dang ngang và áp ngang cánh tay

  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi, hai bàn tay đan vào nhau và đặt sau cổ, cánh tay dang sang hai bên.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân khép ngang hai cánh tay cho đến khi hai khuỷu chạm vào nhau ở phía trước thân, sau đó trở lại vị trí ban đầu. Nghỉ và lập lại động tác ba lần.
  • Mục đích: Kéo giãn các mô mềm bị kết dính sau phẫu thuật và tập các cơ áp xương bả vai.
Bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật lồng ngực giai đoạn sau phẫu thuật
Bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật lồng ngực giai đoạn sau phẫu thuật

Bài tập 8 : Áp và hạ xương vai

  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi hai bàn tay đan vào nhau và đặt trên rốn. Hai cánh tay giữ hai bên thân mình và hạ khớp vai.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân được yêu cầu đưa hai xương vai lại gần nhau bằng cách co các cơ khép vai. Nghỉ và lập lại ba lần.
  • Mục đích: Để tập mạnh nhóm cơ khép xương vai và kéo giãn các cơ ngực.

Bài tập 9 : Gập và duỗi thân mình

  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi lưng thẳng, hai cánh tay buông thõng bên thân mình,hai gối chạm nhau.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân gập từ từ thân mình về phía trước cho đến khi đầu chạm vào hai gối và hai bàn tay chạm sàn nhà. Trở về vị trí cũ. Nghỉ và lập lại động tác ba lần.
  • Mục đích: Di động cột sống và kéo giãn các mô mềm kết dính.

Bài tập 10 : Chủ động có trợ giúp cử động gập cánh tay

  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi ở tư thế căn bản.
  • Chỉ dẫn: Như bài tập 11
  • Mục đích: Như bài tập 11.

Bài tập 11 : Tập chủ động có đề kháng cơ ngực bé

  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi với hai tay bên thân, khuỷu gập 900 và cẳng tay quay ngửa.
  • Chỉ dẫn: Bệnh nhân đưa cánh tay ra sau trong khi KTV tạo lực đề kháng ở khớp khuỷu. Trở lại vị trí ban đầu. Nghỉ và lập lại ba lần. Vì đây là một bài tập khó đối với bệnh nhân nên chỉ áp dụng bài tập này khi người bệnh đạt được sức mạnh cơ tối đa.
  • Mục đích: Để phát triển thể tích cơ ngực bé nhằm lấp đầy khoảng trống sau phẫu thuật ở phần trên mặt trước của thành lồng ngực.

3.4. Kỹ thuật rung/lắc

Rung là kỹ thuật nhằm làm loãng các chất tiết để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tống xuất các chất thải. Kỹ thuật rung/lắc được đặt trên phần phổi đang được dẫn lưu.

KTV đặt cả hai bàn tay lên thành lồng ngực hoặc hai bàn tay chồng lên nhau. Bệnh nhân thở sâu. Khi người bệnh thở ra hoàn toàn, KTV ép nhẹ và lắc nhanh thành ngực bằng cách căng các cơ của vai và cánh tay; cần cẩn thận không được di động da lên các xương sườn. Không được thở ra quá mạnh vì điều này có thể tạo nên sự khò khè.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan