U trung thất là một bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào, chiếm đến 90% các vấn đề liên quan đến trung thất. Một trong những phương pháp điều trị u trung thất được sử dụng nhiều là phương pháp ngoại khoa, đặc biệt là phương pháp mổ nội soi u trung thất.
1. U trung thất là gì?
U trung thất được định nghĩa là các khối u nguyên phát và thứ phát, ác tính và lành tính, hình thành tại vùng trung thất.
Các triệu chứng của u trung thất có thể thay đổi tùy theo vị trí, tính chất và độ lớn của khối u. Nhìn chung, u trung thất có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Dấu hiệu về hô hấp: ho, thở rít, đau ngực, khó thở...;
- Dấu hiệu về tiêu hóa: khó nuốt, nấc...;
- Dấu hiệu về chèn ép thần kinh: co đồng tử, hẹp khe mắt, sụp mi, khàn tiếng, khó phát âm, chảy nước dãi, đau ngực...;
- Dấu hiệu về chèn ép tĩnh mạch: phù mi, phù mặt, phù cổ, tím tái, nhức đầu...;
- Dấu hiệu chèn ép ống ngực: tương đối ít gặp;
- Dấu hiệu thành ngực: sưng phồng tại khu trú 1 bên ngực;
- Dấu hiệu toàn thân: xuất hiện hạch cổ trên đòn.
2. Tìm hiểu về kỹ thuật mổ nội soi lồng ngực cắt bỏ u trung thất
Phẫu thuật nội soi được xem là một bước tiến vượt trội của phẫu thuật trên toàn thế giới, có nhiều ưu thế hơn so với phương pháp truyền thống như:
- Đảm bảo độ xâm lấn là tối thiểu;
- Độ quan sát rộng và đem lại độ chính xác cao;
- Quá trình hậu phẫu tương đối nhẹ nhàng đối với bệnh nhân: hồi phục nhanh, có tính thẩm mỹ cao và không để lại sẹo.
Đối với mổ nội soi lồng ngực để cắt bỏ u trung thất, đây là kĩ thuật được chỉ định với tất cả các khối u trung thất đáp ứng những điều kiện sau:
- Đường kính của khối u trung thất dưới 5cm;
- Khối u không có dấu hiệu xâm lấn vào những thành phần giải phẫu quan trọng trong trung thất, ví dụ như mạch máu, hệ thần kinh, khí quản, thực quản...;
- Khối u nằm ở một bên lồng ngực, chưa phát triển đến đường giữa;
- Đối với u ác tính, khối u phải ở giai đoạn sớm và chưa xâm lấn đến vỏ.
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Bệnh nhân không mắc phải các bệnh lý hay các vấn đề chống chỉ định của phẫu thuật nội soi lồng ngực;
- Không có chống chỉ định trong gây mê.
3. Các bước tiến hành phẫu thuật mổ nội soi u trung thất
3.1 Tư thế bệnh nhân
Bệnh nhân được đặt ở tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng 45 độ/nghiêng 90 độ tùy thuộc theo vị trí khối u.
3.2 Gây mê
Kỹ thuật gây mê trong phẫu thuật mổ nội soi lồng ngực cắt bỏ u trung thất là kỹ thuật gây mê nội khí quản. Kỹ thuật này không chỉ gây mê toàn thân cho bệnh nhân, được duy trì trong suốt thời gian phẫu thuật, mà còn hỗ trợ kiểm soát quá trình hô hấp, hạn chế các biến chứng hô hấp trong phẫu thuật.
3.3 Đặt trocart
Dựa trên vị trí khối u, các bác sĩ sẽ đặt 3 trocart gồm: 1 trocart 10mm cho camera và 2 trocart 5mm cho dụng cụ phẫu tích. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng kết hợp với VATS.
3.4 Nguyên tắc phẫu thuật nội soi lồng ngực
Phẫu tích phải loại bỏ hết các tổn thương nhưng luôn tôn trọng thành phần giải phẫu xung quanh.
4. Một số biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật nội soi u trung thất
4.1 Chảy máu
Do đó, bệnh nhân vẫn cần giữ các dẫn lưu để theo dõi – phát hiện kịp thời tai biến này, từ đó xử trí đúng cách.
4.2 Xẹp phổi – suy hô hấp
Xẹp phổi - suy hô hấp xảy ra do dẫn lưu không tốt, tắc đờm dãi... Bệnh nhân cần phải tập thở, vỗ rung, long đờm... để khắc phục.
4.3 Nhiễm trùng
Tai biến này thường ít gặp, chủ yếu là viêm phổi và nhiễm trùng chân trocart.
5. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật nội soi lồng ngực?
Một số loại thuốc có thể phải dừng lại trước khi phẫu thuật, ví dụ như thuốc chống đông máu, thuốc kháng viêm không steroid (aspirin, naproxen, ibuprofen...).
Trong vòng 12 giờ trước khi thực hiện nội soi lồng ngực, bệnh nhân không được ăn hay uống bất kỳ thứ gì.
Nếu cần thiết, đêm trước ngày thực hiện mổ nội soi lồng ngực cắt bỏ u trung thất, các bác sĩ sẽ cho bạn uống thuốc an thần.
6. Cần làm gì sau khi thực hiện phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u trung thất?
Thông thường, bệnh nhân sẽ được giữ lại bệnh viện vài ngày cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Ở thời gian này, các bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi những dấu hiệu liên quan đến mạch, huyết áp, thân nhiệt và nhịp thở của bệnh nhân, đề phòng biến chứng xảy ra.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sẽ phải:
- Uống thuốc giảm đau để dịu bớt những khó chịu từ phẫu thuật.
- Chụp X-Quang ngực để kiểm tra tình trạng phổi đã phồng lên hay chưa.
7. Nên thực hiện mổ nội soi lồng ngực ở đâu?
Phẫu thuật mổ nội soi u trung thất là một kĩ thuật có độ khó cao, đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm dày dặn và chuyên môn cao, đảm bảo độ xâm lấn đến cơ thể bệnh nhân là ít nhất và có hiệu quả điều trị cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.