Nên ăn gì để tăng oxy trong máu?

Nồng độ oxy trong máu hay SpO2 là một trong những chỉ số quan trọng giúp đánh giá sự sinh tồn của cơ thể. Nồng độ oxy máu ở người bình thường khỏe mạnh là trên 95%. Khi chỉ số này xuống thấp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy làm thế nào để tăng oxy máu? Ăn gì để tốt cho oxy máu?

1. Chỉ số SpO2 là gì?

SpO2 hay nồng độ oxy máu là chỉ số thể hiện độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Liên quan đến SpO2, các chuyên gia giải thích rằng: SpO2 (Saturation of peripheral oxygen) là cụm từ dùng để mô tả hiện tượng các phân tử oxy gắn vào hemoglobin (Hb) để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Hay nói cách khác, SpO2 chính là thước đo lượng oxy đang được vận chuyển bởi các tế bào hồng cầu. Hemoglobin là một thành phần quan trọng của máu, có liên quan trực tiếp đến quá trình vận chuyển oxy. Trên mỗi một phân tử Hb có 4 nguyên tử sắt có nhiệm vụ gắn kết với các phân tử oxy tạo thành liên kết HbO2 rồi vẫn chuyển chúng đi đến các mô cơ quan của cơ thể để nuôi dưỡng và đảm bảo cho các hoạt động sống của tế bào. Có thể nói, SpO2 được xem là một trong những chỉ số đánh giá dấu hiệu sinh tồn quan trọng của cơ thể, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng vừa qua liên quan đến dịch Covid-19, chỉ số SpO2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong đại dịch Covid, việc đo chỉ số SpO2 trong máu giúp đánh giá một cách nhanh chóng tình trạng thiếu oxy trong máu trên những bệnh nhân bị nhiễm virus. Nhờ đó, người bệnh được cấp cứu nhanh chóng và kịp thời, hạn chế các nguy cơ tử vong xảy ra.

Theo nghiên cứu khoa học, chỉ số SpO2 của người bình thường khỏe mạnh dao động trong khoảng từ 95 đến 100%. Nếu chỉ số này xuống dưới 90%, độ bão hòa oxy máu thấp, nguy cơ suy hô hấp có thể xảy ra.

Chỉ số SpO2 có ý nghĩa với:

  • Đánh giá tình trạng bệnh nhân trong hồi sức cấp cứu, nhất là bệnh nhân có thở máy, thở oxy.
  • GIúp phát hiện tình trạng ngộ độc khí CO, bị giảm thông khí.
  • Hỗ trợ trong điều trị các bệnh lý về đường hô hấp.
  • Hỗ trợ trong chẩn đoán huyết áp thấp và thiếu máu.

2. Nên ăn gì để tăng oxy trong máu?

Như đã nói ở trên, SpO2 có liên quan mật thiết đến Hb. Do đó, một chế độ dinh dưỡng khoa học, giúp ổn định hemoglobin trong máu cũng góp phần vào ổn định nồng độ oxy trong máu.

Gợi ý một số thực phẩm có tác dụng tăng oxy máu:

2.1. Nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa có trong rau củ, trái cây, quả mọng... là những chất cần thiết giúp tăng khả năng sử dụng oxy của cơ thể, từ đó làm tăng nồng độ oxy máu. Omega 3-6-9 hay các loại acid béo lành mạnh khác cũng giúp thúc đẩy khả năng vận chuyển oxy trong máu được thuận lợi.

2.2. Nhóm thực phẩm hỗ trợ tăng hồng cầu để tăng vận chuyển oxy trong cơ thể

  • Ăn nhiều các loại thực phẩm chứa sắt như thịt bò, các loại cá, trứng, động vật có vỏ như hàu, sò... hay các loại rau xanh như cải bó xôi, súp lơ, ngũ cốc, các loại hạt họ đậu... Sự hình thành các hemoglobin trong cơ thể cần có sự tham gia của nguyên tố sắt. Một chế độ dinh dưỡng thiếu sắt kéo dài sẽ dẫn đến giảm hồng cầu, thiếu máu gây nên tình trạng giảm vận chuyển oxy, có nghĩa là chỉ số SpO2 sẽ giảm. Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bởi vậy việc bổ sung sắt cho bữa ăn hàng ngày là điều rất cần thiết.
  • Bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin B9 vào thực đơn như đậu lăng, đậu hà lan, cải bó xôi, măng tây, gan bò, cải bẹ xanh... B9 hay còn gọi là acid Folic, Folate. Thiếu vitamin này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh, gây giảm hồng cầu và đương nhiên, SpO2 cũng theo đó mà giảm dần.
  • Chế độ ăn giàu vitamin B12 sẽ giúp hỗ trợ quá trình sản sinh hồng cầu, kích thích sự phát triển của một tế bào hồng cầu. Thiếu máu do thiếu B12 là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang xảy ra hiện nay. Các loại thực phần giàu vitamin B12 gồm có: sữa và những chế phẩm từ sữa, các loại thịt đỏ, các loại cá...
  • Đồng tuy không tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu nhưng có tác dụng làm tăng hấp thu sắt trong cơ thể, đồng thời kích thích nuôi dưỡng hồng cầu. Do đó, việc bổ sung đồng trong chế độ ăn uống cũng giúp cải thiện nồng độ oxy trong máu. Những thực phẩm giàu đồng như động vật có vỏ, khoai tây, bơ, quả anh đào, nấm, gan bò...
  • Vitamin C có trong ớt chuông, cam, chanh, bưởi, kiwi, cà chua, dâu tây, việt quất... giúp tăng hấp thu sắt, tăng chỉ số hồng cầu.
  • Vitamin A cũng là một chất giúp kích thích tăng số lượng hồng cầu trong cơ thể. Bạn có thể bổ sung vitamin A qua việc ăn các loại hoa quả có màu đỏ màu cam như cà rốt, đu đủ, bí đao, rau xanh, dầu gan cá, khoai lang, gan bò...

3. Những cách tăng oxy máu khác

Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học, để có thể ổn định được nồng độ oxy trong máu cần lưu ý một số điều như sau:

  • Nằm nghỉ ngơi ở tư thế nằm sấp là một cách đơn giản mà hiệu quả để cải thiện chỉ số SpO2. Nên nằm sấp, kê gối cao phần ngực, kê thêm ở cổ, bụng để thấy thoải mái hơn. Nằm sấp hoặc nằm nghiêng sẽ giúp tăng áp lực lên phổi, kích thích oxy dễ dàng luân chuyển trong cơ thể, hỗ trợ thông khí và tăng tập trung oxy vào phế nang nhiều hơn.
  • Tập hít thở sâu, chậm và đều mỗi ngày. Việc hít nhiều không khí rồi thở ra chậm sẽ giúp cho lượng oxy được đưa vào trong nhiều hơn và giữ lại tại phổi lâu hơn.
  • Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, đều đặn mỗi ngày. Các bài thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng đơn giản tại nhà cũng rất có ích cho sức khỏe nói chung, đặc biệt với bệnh nhân covid nói riêng. Những bài tập này giúp cải thiện các triệu chứng về hô hấp, đồng thời kích thích tăng nồng độ SpO2 một cách tự nhiên nhất mà không lo lắng về các tác dụng phụ khác.
  • Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít/ngày để đảm bảo duy trì được thể tích tuần hoàn ở mức hợp lý. Một vài nghiên cứu cho thấy uống đủ nước mỗi ngày có thể giúp tăng 5% chỉ số SpO2.

Nói chung, nồng độ oxy máu là một chỉ số quan trọng đối với sức khỏe. Chỉ số này cần được duy trì ở mức ổn định. Việc ổn định chỉ số SpO2 có thể được đảm bảo qua chế độ dinh dưỡng. Hãy thiết lập cho bản thân một chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học để có thể hạn chế các nguy cơ bệnh tật, đảm bảo luôn khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan