Làm gì khi bị hở cổ chân răng?

Hở cổ chân răng là bệnh lý răng miệng làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ, chức năng ăn nhai và sức khỏe của răng hàm. Mỗi người cần nắm được nguyên nhân và hướng điều trị giúp khắc phục tình trạng hở cổ răng hiệu quả và an toàn.

1. Hở cổ chân răng là gì?

Hở cổ chân răng (hở cổ răng, hở chân răng, tụt lợi chân răng) là tình trạng các mô lợi xung quanh răng bị mòn hoặc bị kéo ngược trở lại từ bề mặt răng. Đây là bệnh lý răng miệng khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, tỷ lệ bị hở cổ chân răng nhiều nhất là người ở độ tuổi trung niên.

Những dấu hiệu nhận biết hở cổ chân răng gồm:

  • Chân răng dễ bị chảy máu trong quá trình ăn uống, vệ sinh răng miệng;
  • Ngà răng bị lộ ra ngoài, dáng răng trông dài hơn bình thường, lực ăn nhai của răng bị giảm mạnh;
  • Các kẽ răng bị mắc thức ăn nhiều hơn, gây khó chịu khi ăn uống;
  • Bề mặt nướu có thể xuất hiện các ổ viêm, gây đau nhức, mưng mủ.

Tình trạng hở chân răng khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp. Bên cạnh đó, tình trạng này kéo dài, không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như:

  • Ảnh hưởng tới thẩm mỹ: Tụt nướu chân răng dễ nhận biết bằng mắt thường với biểu hiện răng trông dài hơn, kích thước không đều gây mất thẩm mỹ. Đồng thời, tình trạng này cũng tạo cơ hội để vi khuẩn tấn công vào chân răng hay các mô nướu. Thức ăn, mảng bám cũng dễ bám vào, gây các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nha chu,... Từ đó, nhiều người bệnh mất tự tin trong giao tiếp;
  • Răng nhạy cảm hơn: Phần lợi bị tụt sâu khiến ngà răng lộ ra ngoài nhiều hơn, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công tủy răng, gây mòn cổ chân răng do việc vệ sinh mỗi ngày. Lúc này, răng trở nên nhạy cảm hơn, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu khi ăn uống, nói chuyện. Răng nhạy cảm có triệu chứng là ê buốt kéo dài, đặc biệt là khi ăn đồ lạnh;
  • Tụt nướu, chảy máu chân răng: Tình trạng hở cổ chân răng khiến người bệnh dễ bị chảy máu chân răng trong quá trình ăn uống, vệ sinh. Những tác động nhỏ như nhai thức ăn cứng, dùng bàn chải hoặc chỉ nha khoa đều có thể gây tổn thương nướu răng. Nếu tình trạng tụt lợi kéo dài thì các mô nướu sẽ càng yếu ớt, gây chảy máu chân răng liên tục, hơi thở có mùi, chân răng ê buốt kéo dài;
  • Nguy cơ mất răng: Nếu không được điều trị kịp thời, hở cổ răng có thể dẫn tới mất răng vĩnh viễn. Nguyên nhân vì răng bị tấn công bởi vi khuẩn nên chân răng dễ bị lung lay, có thể gãy rụng sau một thời gian. Bệnh nhân có thể bị mất răng vĩnh viễn hoặc mất răng hàng loạt.

2. Nguyên nhân gây hở cổ chân răng

Có nhiều nguyên nhân gây tụt lợi chân răng. Cụ thể là:

  • Di truyền: Yếu tố di truyền quyết định tới cấu trúc hàm nên nhiều người bị tụt lợi chân răng ngay từ khi còn nhỏ. Tình trạng này có thể diễn biến nặng hơn nếu bệnh nhân không theo dõi chân răng thường xuyên. Bên cạnh đó, nếu gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý răng miệng thì các thế hệ sau cũng có nguy cơ cao bị hở cổ răng;
  • Mắc các bệnh lý răng miệng: Các bệnh lý răng miệng như chảy máu chân răng, sâu răng, viêm nướu,... đều có thể dẫn tới tình trạng tụt lợi. Nguyên nhân vì vi khuẩn tấn công vào các mô nướu, gây ảnh hưởng tới khả năng bảo vệ chân răng, nướu bị tổn thương bị tụt dần xuống thấp và làm lộ chân răng ra ngoài;
  • Thói quen xấu trong sinh hoạt: Thói quen sinh hoạt hằng ngày gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe răng miệng, đặc biệt là chân răng. Các động tác đánh răng, dùng chỉ nha khoa hoặc dùng máy tăm nước không đúng đều sẽ gây tổn thương nướu răng. Ngoài ra, nhiều người không chú ý tới việc vệ sinh răng miệng hằng ngày, tạo cơ hội hình thành cao răng và dày lên theo thời gian. Sự tồn tại của cao răng khiến nướu bị tụt dần xuống, gây hở cổ chân răng;
  • Thay đổi nội tiết tố: Trong các giai đoạn dậy thì, mang thai, mãn kinh, nội tiết tố của phụ nữ thay đổi, dẫn tới tụt lợi chân răng.

3. Bệnh nhân nên làm gì khi bị hở cổ chân răng?

Khi gặp tình trạng hở cổ chân răng, tùy giai đoạn bệnh mà bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Đó là:

3.1 Hở cổ chân răng giai đoạn nhẹ

Người bệnh nên điều trị tụt nướu chân răng kịp thời để khôi phục nướu nhanh chóng nhất. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà hoặc thăm khám tại nha khoa.

Khi tình trạng hở chân răng mới bắt đầu, chưa gây ra những biến chứng nguy hiểm thì việc điều trị khá đơn giản. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân cách vệ sinh răng miệng để không gây tổn thương tới nướu răng. Để tăng hiệu quả bảo vệ răng, người bệnh nên sử dụng thêm kem đánh răng có chứa các chất chống ê buốt.

Người bệnh thường được kết hợp sử dụng thuốc và vệ sinh răng miệng đúng cách để làm giảm tình trạng ê buốt, củng cố men răng, dần tái tạo liên kết nướu răng. Bệnh nhân sẽ được loại bỏ sạch cao răng, phá hủy nơi cư trú của vi khuẩn bằng cách súc miệng với dung dịch có chứa thành phần chlorhexidine, sodium fluorid, potassium nitrate,...

3.2 Hở cổ chân răng giai đoạn nặng

Với tình trạng hở chân răng có những diễn biến nặng như bị viêm nha chu ở vùng chân răng bị tụt nướu, sâu răng,... thì người bệnh nên đi thăm khám tại nha khoa để có hướng điều trị kịp thời.

Với trường hợp bệnh nhân bị viêm nha chu, bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ các túi nha giả, nạo túi nha để diệt trừ vi khuẩn có hại. Sau đó, phần mô lợi được khâu lại, khôi phục vị trí ban đầu. Nếu phần lợi để khôi phục không đủ, bác sĩ sẽ phẫu thuật ghép mô lợi để ngăn ngừa tình trạng hở chân răng trong tương lai.

Mặt khác, một số bệnh nhân phải ghép xương nếu các mô xương nâng đỡ chân răng bị phá hủy do vi khuẩn tấn công. Việc ghép xương ở đâu, như thế nào sẽ do bác sĩ chẩn đoán, chỉ định điều trị. Thông thương, bác sĩ sẽ sử dụng những vật liệu nhân tạo để tái tạo vào phần chân răng và xương, giúp cơ thể tự tái tạo phần xương đã mất.

4. Cách phòng ngừa hở cổ chân răng

Tình trạng hở chân răng có thể được phòng ngừa nếu bệnh nhân lưu ý chăm sóc sức khỏe răng miệng. Những trường hợp tụt nướu bẩm sinh hoặc do nội tiết đều được cải thiện nếu bệnh nhân thực hiện như sau:

  • Vệ sinh răng miệng mỗi ngày bằng cách chải răng, dùng chỉ nha khoa, máy tăm nước và nước súc miệng. Khi vệ sinh răng cần thực hiện nhẹ nhàng, dùng bàn chải lông mềm để tránh tổn thương tới nướu răng;
  • Sử dụng nước trà xanh để súc miệng mỗi ngày. Trong trà xanh có chứa hoạt chất catechin giúp làm sạch, tăng cường sự chắc khỏe của chân răng;
  • Khi thấy nướu răng có biểu hiện tụt xuống, bạn nên sử dụng mật ong thấm nhẹ vào vùng nướu khoảng 5 phút rồi súc miệng sạch;
  • Dùng tỏi đắp vào vùng nướu răng có dấu hiệu tụt xuống cũng giúp ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng này. Trong tỏi có nhiều chất kháng viêm giúp sát khuẩn, bảo vệ chân răng trước vi khuẩn.

Hở cổ chân răng là tình trạng không hiếm gặp, có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Do đó, khi gặp tình trạng này, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được chữa trị dứt điểm, tránh trường hợp bệnh tái phát hoặc trở nặng gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, người bệnh nên phối hợp với mọi chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan