Cách làm hết hôi chân

Hôi chân là tình trạng thường gặp ở một số người, có thể khiến mất tự tin khi tiếp xúc với mọi người xung quanh. Đáng ngại hơn khi mùi hôi chân có thể dễ dàng nhận biết trong môi trường khép kín như phòng làm việc, lớp học, phòng tập gym... và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số cách làm hết hôi chân cho những ai đang mắc phải.

1. Nguyên nhân gây mùi hôi ở chân

Trước khi tìm hiểu cách làm hết hôi chân hiệu quả, chúng ta cần phải biết rõ về hôi chân và những nguyên nhân nào gây ra căn bệnh này.

Bệnh hôi chân có thể gặp ở rất nhiều người, kể cả trẻ em và người lớn. Bàn chân của chúng ta là nơi có hơn 250.000 tuyến mồ hôi và rất nhiều vi khuẩn. Đó là lý do khi không quá bất ngờ thỉnh thoảng chân của chúng ta có mùi hôi và khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra thường xuyên với mức độ nặng sẽ dẫn đến việc người bệnh mất tự tin và có thể gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Một số nguyên nhân dẫn đến mùi hôi chân thường gặp bao gồm:

  • Khi bàn chân tiết quá nhiều mồ hôi, các loại vi khuẩn bám ở chân sẽ sinh sôi, phát triển và ăn những tế bào chết ở da chân, gây ra mùi hôi chân.
  • Khi mồ hôi thấm vào giày, dép hay tấm lót chân, vi khuẩn cũng sẽ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn dẫn tới xuất hiện cả mùi hôi ở giày.
  • Trường hợp mang giày bị ẩm cũng làm tăng nguy cơ hôi chân.
  • Nếu bạn mang các loại tất không thấm hút mồ hôi, các loại giày kém thông thoáng, sẽ dễ bị hôi chân hơn.
  • Hôi chân thường xảy ra vào mùa hè với điều kiện thời tiết nóng nực, hay khi vận động thể chất liên tục. Tuy nhiên, một số trường hợp mồ hôi ở bàn chân tiết ra rất nhiều khiến cho tình trạng hôi chân có thể xảy ra quanh năm.

Lưu ý rằng, vi khuẩn có thể là tác nhân lây bệnh hôi chân từ người bệnh sang người khác. Do đó, bạn không nên sử dụng chung giày, tất với người bị hôi chân, nhất là các trường hợp vệ sinh kém.

2. Một số cách làm hết hôi chân

Cách làm nào hết hôi chân? Là vấn đề quan tâm của rất nhiều người đang gặp phải tình trạng hôi chân. Để cải thiện tình trạng hôi chân, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây:

Chăm sóc và vệ sinh bàn chân

Từ những việc làm đơn giản mỗi ngày để chăm sóc và vệ sinh bàn chân, tình trạng hôi chân sẽ được khắc phục rất nhanh chóng và hiệu quả.

  • Phải luôn giữ bàn chân được thông thoáng.
  • Rửa sạch bàn chân mỗi ngoài với xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt cần phải làm sạch các vị trí của kẽ chân, đồng thời phải lau khô chân sau khi rửa chân.

Để giữ bàn chân luôn được sạch sẽ, một số biện pháp bạn có thể áp dụng dưới đây:

  • Tẩy tế bào chết cho bàn chân: Tế bào da chết trên da chân lâu ngày bám dính kết hợp với điều kiện ẩm ướt có thể dẫn đến vi khuẩn phát triển mạnh và làm tăng mùi hôi ở chân. Vì vậy, để giảm mùi hôi chân cần thiết phải tẩy tế bào da chết ở chân từ 2 - 3 lần mỗi tuần. Bạn có thể sử dụng loại đá bọt hoặc bàn chải mềm để loại bỏ tế bào da chết.
  • Ngâm chân với nước muối: Đây là phương pháp hết sức đơn giản nhưng đem lại hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn khá cao. Để thực hiện bằng phương pháp này, bạn chỉ cần hòa một ít muối vào nước ấm rồi ngâm chân trong đó khoảng 10 - 20 phút. Sau khi ngâm xong, bạn nên rửa lại chân và lâu khô. Phương pháp này có tác dụng làm cho các tế bào da cũng sẽ nở ra, dễ bong tróc hơn. Vì thế có thể kết hợp phương pháp này với việc tẩy tế bào chết để giúp loại bỏ vi khuẩn bám trên da chân.
  • Ngâm chân với giấm: Ngoài cách ngâm chân với muối, bạn có thể thay thế bằng giấm với tỷ lệ 2 phần giấm và 1 phần nước. Các loại dấm bạn có thể dùng để ngâm chân là giấm táo hoặc giấm gạo đều mang lại hiệu quả tương tự nhau. Hiệu quả phương pháp này là do trong thành phần của giấm có đặc tính kháng khuẩn nên sẽ giúp hết mùi hôi chân trong một thời gian ngắn. Thời gian cần thiết để ngâm chân với giấm trung bình từ 15 đến 20 phút. Tuy nhiên, trong trường hợp da chân của bạn đang có vết thương hở, vết loét,... thì không nên ngâm chân với giấm nhằm tránh tình trạng kích ứng da.

Lựa chọn loại giày, tất phù hợp

Nguyên nhân phổ biến gây bệnh hôi chân thường do việc lựa chọn tất và giày không phù hợp hoặc không làm vệ sinh sạch sẽ. Do đó, việc lựa chọn những loại giày và tất phù hợp là cách hiệu quả để hết mùi hôi chân. Cụ thể như sau:

  • Chọn tất: Thói quen mang tất mỗi ngày cũng là cách giúp giảm mùi hôi chân hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn các loại tất được làm bằng chất liệu dễ thấm hút mồ hôi, ví dụ như tất len, polypropylene,...Khi mang tất, bạn cũng có thể dễ dàng thay đổi tất mỗi ngày để tránh tình trạng ẩm ướt hoặc hạn chế mồ hôi ở lại bên trong giày.
  • Chọn giày: Bạn nên chọn những đôi giày thông thoáng giúp mô hôi dễ bay hơi, tránh tình trạng tích tụ độ ẩm khiến bàn chân “dễ thở” và ít mùi hơn. Các loại giày lưới, được làm từ vải tự nhiên, đồng thời không nên mang các loại giày được làm từ nhựa để tránh tăng tiết mồ hôi.
  • Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý phải giặt sạch giày trước khi mang và phơi khô, tránh đi giày còn đang ẩm ướt.
  • Dùng tấm lót giày: Việc dùng tấm lót giày có công dụng làm giảm mùi hôi chân và khả năng kháng khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng tấm lót giày bạn nên thay thường xuyên. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số sản phẩm để thay thế hoặc kết hợp với tấm lót giày như xịt chống khuẩn.

Điều trị hỗ trợ hôi chân bằng phương pháp y khoa

Mặc dù mùi hôi chân có thể khá đơn giản để cải thiện tình trạng này bằng cách áp dụng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số người, dù đã áp dụng rất nhiều cách trị hôi chân mức độ nặng nhưng vẫn không cải thiện được mùi hôi chân như mong muốn. Trong trường hợp đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn cách chữa hôi chân bằng một số biện pháp y khoa.

Một số biện pháp y khoa được áp dụng khá hiệu quả trong điều trị hôi chân như sau:

  • Chạy ion

Đây là phương pháp giúp hết mùi hôi chân bằng cách cung cấp một dòng điện ở cường độ nhẹ qua nước đến da với mục đích giảm tiết mồ hôi ở bàn chân và từ đó giảm mùi hôi chân hiệu quả.

  • Tiêm botox

Đối với những trường hợp hôi chân ở mức độ quá nặng, có thể tham khảo để áp dụng phương pháp botox. Đây là phương pháp mà bác sĩ sẽ dùng kim tiêm chuyên dụng để bơm hoạt chất botulinum hoặc botox vào bàn chân của bạn. Phương pháp này có hiệu quả khá cao nhưng lại có thể khiến người được tiêm bị đau. Thời gian hiệu quả sẽ được kéo dài trong khoảng 3-4 tháng. Sau đó, điều trị tiếp để giúp duy trì kiểm soát mùi hôi chân. Nên kết hợp với các biện pháp khác để làm hết mùi hôi chân hiệu quả hơn.

  • Dùng thuốc chống ra mồ hôi

Đa số các loại thuốc chống mồ hôi thường chỉ được sử dụng ở các vị trí như nách hoặc háng nhưng bạn cũng có thể sử dụng trên bàn chân. Với cơ thế hoạt động của các hoạt chất có trong thuốc sẽ làm ức chế quá trình tiết mồ hôi ở bàn chân nhằm ngăn chặn sự hoạt động của vi khuẩn ở trên da chân. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc chống ra mồ hôi để dùng cho chân có nồng độ cao hơn.

Trong trường hợp nếu như đột ngột xuất hiện mùi hôi ở chân, trước tiên hãy thực hiện việc quan sát bàn chân để xem thử có bất kỳ vết thương nào có thể bị nhiễm trùng ở vùng da bàn chân. Có thể dùng một chiếc gương để trên sàn nhà và quan sát hết phần dưới của bàn chân để tìm dấu hiệu bất thường.

Bạn cũng nên khám bác sĩ nếu như thấy các dấu hiệu của vết thương ở chân. Khi có các triệu chứng sưng đỏ và đau là các dấu hiệu của nhiễm trùng, đặc biệt cần lưu ý ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.

Nếu như không phát hiện bất cứ có các dấu hiệu bất thường nào, bạn có thể áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng hôi chân tại nhà. Nếu tình trạng hôi chân không cải thiện mà còn ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của bạn thì nên đến khám bác sĩ khám để được tư vấn điều trị.

Mặc dù tình trạng mùi hôi chân không gây nguy hiểm nhưng lại làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Nếu mắc phải bệnh này, bạn hãy kiên trì áp dụng những biện pháp khử mùi hôi chân trên đây để có được hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan