Bệnh đái tháo đường là một trong những căn bệnh nan giải và nguy hiểm. Các biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường có thể xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau như mắt, thận, hệ thần kinh... có liên quan đến tình trạng nồng độ đường trong máu tăng cao, có thể ngăn ngừa nếu kiểm soát tốt lượng đường này.
1. Vấn đề về võng mạc mắt – biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường phổ biến
Bệnh về võng mạc mắt là một biến chứng của đái tháo đường thường gặp ở rất nhiều bệnh nhân và là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa ở những bệnh nhân này. Cơ chế của biến chứng là các mạch máu của võng mạc (khu vực mô nhạy cảm với ánh sáng đằng sau mắt) sẽ bị phá hủy, khiến thị lực suy giảm, mất thị lực.
1.1 Triệu chứng khi bệnh nhân gặp biến chứng bệnh võng mạc do đái tháo đường
Khi gặp biến chứng võng mạc, hầu hết người bị đái tháo đường không xuất hiện triệu chứng lâm sàng cho đến khi tổn thương đã ở mức nghiêm trọng, khiến cơ hội chữa trị thành công ở tỷ lệ rất thấp.
Thông thường, khi ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng sau:
- Nhìn thấy đốm tối hoặc các chuỗi tối trong tầm nhìn;
- Nhìn mờ, khả năng nhìn màu sắc bị suy giảm;
- Có các vùng tối hoặc vùng trống khi bạn quan sát sự vật – hiện tượng;
- Thị lực suy yếu nhanh chóng.
Biến chứng về võng mạc do đái tháo đường thường xảy ra ở cả hai mắt.
1.2 Biến chứng nghiêm trọng do bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường có liên quan đến sự phát triển bất thường của các mạch máu ở võng mạc. Do đó, biến chứng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn về thị lực như:
- Xuất huyết thủy tinh thể;
- Bong võng mạc;
- Bệnh tăng nhãn áp;
- Mù lòa.
2. Biến chứng thần kinh do đái tháo đường
Biến chứng thần kinh cũng là một dạng biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường gây ra, thường có sự biểu hiện khác nhau giữa các bệnh nhân khác nhau. Đặc biệt, biến chứng thần kinh tự động và biến chứng thần kinh ngoại vi là hai loại biến chứng của đái tháo đường ở hệ thần kinh phổ biến nhất. Theo đó, các biến chứng này xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường tuýp. Ngoài ra cũng có một số dạng biến chứng khác về thần kinh như teo cơ, liệt dây thần kinh sọ... nhưng ít gặp.
Phân loại biến chứng thần kinh do đái tháo đường
2.1 Hệ tiêu hóa
- Biến chứng thần kinh tiêu hóa tự động: tương đối khó nhận biết do các triệu chứng tương tự với rối loạn tiêu hóa thông thường, bao gồm: chậm tiêu, đầy hơi, buồn nôn và nôn ói, ợ chua, vùng thượng vị đau nóng...
- Biến chứng thần kinh ống tiêu hóa dưới: gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón.
Nhìn chung, biến chứng về tiêu hóa do tiểu đường tương đối nguy hiểm và đa dạng, bệnh nhân thậm chí có thể bị liệt dạ dày do đái tháo đường.
2.2 Hệ tiết niệu – sinh dục
Biến chứng thần kinh ở hệ tiết niệu – sinh dục có khả năng làm tăng hoặc giảm hoạt động của bàng quang và gây rối loạn thần kinh hệ sinh dục, bao gồm:
- Đối với nam: chứng rối loạn cương dương, liệt dương.
- Đối với nữ: mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, cảm giác vùng bẹn và cảm giác kích thích tình dục suy giảm, âm đạo khô.
2.3 Vận mạch
Biến chứng của đái tháo đường đối với thần kinh vận mạch có thể gây tăng tiết mồ hôi ở mặt và thân, đặc biệt đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm hoặc khi tập thể dục. Một số trường hợp khác, biến chứng này có thể gây giảm tiết mồ hôi, dẫn đến da khô ngứa, rụng lông, da bong vảy và có tình trạng rạn nứt, chai chân,...
2.4 Biến chứng thần kinh ngoại vi
Khi gặp biến chứng này, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sau:
- Cảm giác nhiệt và cảm giác tiếp xúc bên ngoài có thể bị suy yếu hoặc mất hoàn toàn;
- Đầu ngón chân và ngón tay có cảm giác tê như kiến bò hoặc bị nóng rát;
- Có hiện tượng mất cảm giác ngược về phía tay và chân;
- Chân, tay và bụng thường xuyên có những cơn đau dai dẳng, âm ỉ hoặc cơn đau dữ dội vào buổi đêm.
3. Biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường có thể gây ra vấn đề về thận
Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng suy thận. Theo thống kê, có khoảng 1/3 số người mắc bệnh tiểu đường sẽ có biến chứng thận phát triển.
Các bác sĩ giải thích: nguyên nhân là vì bệnh nhân đái tháo đường có xu hướng mắc các bệnh nội khoa mãn tính như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh về mạch máu (như xơ vữa động mạch). Bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ cao mắc phải những vấn đề liên quan đến thận, chẳng hạn như nhiễm trùng bàng quang hay tổn thương thần kinh bàng quang.
Khi các tổn thương thận trở nên nghiêm trọng, hoạt động của thận sẽ bị hạn chế và vì vậy, các chất thải không được lọc bỏ ra bên ngoài. Khi đó, chất thải sẽ tích tụ lại trong cơ thể và đạt đến mức độc hại (tình trạng urê huyết).
Triệu chứng của biến chứng thận do đái tháo đường
Biến chứng này thường không có biểu hiện sớm mà chỉ các triệu chứng chỉ xuất hiện khi chức năng thận suy yếu, bao gồm:
- Sưng tay, chân và mặt;
- Mất tập trung, khó ngủ, ăn uống kém;
- Buồn nôn, nôn òi;
- Da khô ngứa (bệnh thận ở giai đoạn cuối);
- Buồn ngủ liên tục, có nhịp tim bất thường do tăng kali máu;
- Cơ bắp co giật...
Các biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường gây ra hầu hết đều có tính nghiêm trọng. Để phòng ngừa các biến chứng này diễn tiến nhanh, mỗi bệnh nhân đều phải có ý thức điều chỉnh sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày cho phù hợp với bệnh đái tháo đường.
Để phòng ngừa những biến chứng của đái tháo đường, bạn nên kiểm soát lượng đường huyết tốt. Một số trường hợp phát hiện ra bệnh muộn, cho đến khi cơ thể xuất hiện những biến chứng rõ rệt của tiểu đường. Bởi vậy, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu tại nhà thường xuyên. Những bệnh nhân mắc bệnh cần chủ động tái khám thường xuyên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com