Tập yoga lúc nào trong ngày là tốt nhất?

Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là nên tập yoga khi nào là tốt nhất, sáng sớm, trước khi ngủ hay một thời điểm nào khác? Thực tế, theo những quan điểm khác nhau, thời gian tập yoga có thể là mọi thời điểm trong ngày.

1. Tập yoga khi nào là tốt nhất?

1.1 Thời gian linh hoạt

Hiểu một cách đơn giản thì thời gian tốt nhất để tập yoga là thời gian phù hợp nhất với người tập. Vì chìa khóa để tiếp cận mọi lợi ích của yoga chính là thực hành yoga một cách nhất quán theo thời gian và đảm bảo tập luyện lâu dài nhất có thể. Muốn vậy thì người tập cần thiết lập một khoảng thời gian để tập yoga sao cho phù hợp với lối sống và lịch trình của mình. Theo đó, thời gian tập luyện có thể thay đổi nếu cuộc sống của người tập thay đổi.

Ví dụ, người tập có thể đến các lớp yoga ngay sau giờ làm việc ở công sở. Tuy nhiên, sau khi có con, việc tập yoga sẽ thuận tiện hơn vào thời điểm sau khi đưa con đi học. Thậm chí, không có vấn đề gì nếu người tập lựa chọn tập yoga vào các thời điểm khác nhau trong các ngày khác nhau, miễn là có một thói quen vận động bền vững. Vì vậy, một lời khuyên cho người tập là nên để yoga phù hợp với lịch trình của mình thay vì cố gắng điều chỉnh các công việc khác theo lịch tập yoga.

XEM THÊM: Nên tập yoga sau ăn bao lâu?

1.2 Tập yoga sáng sớm hoặc tập yoga trước khi ngủ

Một số quan điểm khác ủng hộ việc tập yoga vào buổi sáng sớm, nếu có thể thì nên tập trước khi mặt trời mọc. Việc tập yoga vào buổi chiều tối hoặc trước khi đi ngủ cũng được nhiều người lựa chọn. Thực tế, mỗi loại đều có những lợi thế riêng.

Cụ thể, tập luyện vào buổi sáng trước khi ăn sáng giúp người tập có đủ năng lượng và sự tập trung để nâng cao hiệu suất công việc trong cả ngày. Tập yoga vào buổi tối thì giúp loại bỏ mệt mỏi, căng thẳng trong cả ngày, giúp thư giãn tốt hơn. Tuy nhiên, lưu ý trước khi tập yoga, ruột cần phải được làm sạch.

XEM THÊM: Yoga trước khi đi ngủ: Lợi ích và tư thế để thử

Tập yoga vào sáng sớm
Tập yoga vào sáng sớm cũng đem lại rất nhiều lợi ích

1.3 Thời điểm tập yoga cho từng loại hình yoga cụ thể

Với từng loại hình yoga cụ thể sẽ có thời điểm tập khác nhau, cụ thể:

  • Yoga Asana: Có thể tập bất kỳ lúc nào trong ngày, ngoại trừ trong vòng 2 - 3 giờ sau khi ăn. Người tập có thể thực hiện các tư thế yoga Asana khi cơ thể cảm thấy căng cứng, căng thẳng, mệt mỏi. Lưu ý, không nên thực hiện những tư thế kích thích quá mức khi chuẩn bị đi ngủ;
  • Yoga Pranayama: Có thể tập bất kỳ lúc nào trong ngày, ngoại trừ trong vòng 2 - 3 giờ sau bữa ăn. Người tập có thể thực hành yoga Pranayama khi căng thẳng, mệt mỏi hoặc khi không gian không đủ rộng để thực hiện các tư thế. Pranayama thực hiện tốt nhất là sau khi tập Asana;
  • Thiền: Có thể thực hiện bất kỳ lúc nào trong ngày khi người tập cảm thấy vừa tỉnh táo vừa thư thái. Để có kết quả tốt nhất, không nên thiền trong vòng 2 - 3 giờ sau khi ăn, khi buồn ngủ hoặc khi tinh thần hưng phấn;
  • Yoga Nidra: Có thể thực hiện bất kỳ khi nào trong ngày, thậm chí ngay sau bữa ăn, miễn là người tập không ngủ quên trong khi tập. Tuy nhiên, bạn không nên tập Yoga Nidra khi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ bởi lợi ích thu được nhiều nhất là khi người tập cảm thấy thư giãn và hoàn toàn tỉnh táo.

XEM THÊM: Tập Yoga xong nên ăn gì?

tập yoga
Tập yoga vào buổi sáng và buổi tối là thiết thực nhất đối với những người đi làm

2. Một số lưu ý khi tập yoga

Để yoga đem lại tác dụng tốt nhất thì người tập yoga cần lưu ý đến những vấn đề sau đây:

  • Tìm đúng thời điểm trong ngày là yêu cầu đặc biệt quan trọng với những người tập yoga tại nhà. Theo đó, tập yoga vào buổi sáng và buổi tối là thiết thực nhất đối với những người đi làm;
  • Nơi tập yoga tốt nhất là nơi có không khí trong lành, yên tĩnh và sạch sẽ, phù hợp với sự tập trung của yoga;
  • Không tập yoga dưới ánh nắng trực tiếp hoặc sau khi tắm nắng. Bạn có thể tập ngoài trời nhưng cần tránh gió lạnh và côn trùng;
  • Trong quá trình tập yoga, người tập hãy cố gắng duy trì cảm nhận của mình về những gì mình làm, không cần quan tâm tới những người khác trong lớp học hoặc ở bên ngoài;
  • Tập luyện từ từ và cẩn thận, làm theo những hướng dẫn chính xác của giáo viên;
  • Không cố sức quá mức hoặc căng thẳng, thư giãn ngắn vào giữa mỗi buổi tập. Nếu cảm thấy không thoải mái thì người tập có thể dừng bất kỳ lúc nào;
  • Luôn hít vào và thở ra bằng mũi;
  • Không bao giờ thực hành bất kỳ kỹ thuật yoga nào khi đã uống rượu hoặc dùng thuốc ảnh hưởng tới hệ thần kinh;
  • Người bị khuyết tật, mắc bệnh lý nặng, cấp tính hoặc mãn tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ và giáo viên yoga để đánh giá bất kỳ nguy cơ nào có thể phát sinh trong quá trình tập luyện;
  • Đồ tập: Thảm yoga phù hợp, quần áo rộng rãi và thoải mái, tháo bỏ kính và đồ trang sức rườm rà,...

Tùy thuộc vào lịch trình cuộc sống, mỗi người sẽ tự thiết lập được thời gian tập yoga phù hợp nhất cho mình. Điều quan trọng nhất là người tập cần biến việc tập yoga thành một thói quen để duy trì tần suất tập luyện ổn định và thu được những lợi ích lớn nhất của yoga.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: verywellfit.com, healthandyoga.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan