Tác hại của sự nhút nhát làm cản trở mối quan hệ xã hội

Sự nhút nhát là cảm giác sợ hãi, mất tự chủ và không thoải mái trong hầu hết các tình huống xã hội, đặc biệt là trong những tình huống giao tiếp hoặc khi gặp người xa lạ. Tình trạng này làm giảm khả năng làm việc và giao tiếp, trò chuyện của con người cũng như ngăn cản việc hình thành các mối quan hệ xã hội.

1. Tổng quan về sự nhút nhát

1.1. Nguyên nhân dẫn đến sự nhút nhát

Sự nhút nhát là cảm giác sợ hãi, mất tự chủ và không thoải mái của con người trong các tình huống giao tiếp trong xã hội. Chẳng hạn như việc gặp gỡ, trò chuyện với những người xa lạ khiến bạn lo lắng, sợ hãi hoặc thậm chí là đổ mồ hôi và trong khi trò chuyện bạn luôn lo lắng người đối diện sẽ nghĩ những điều không tốt về bản thân.

Sự nhút nhát có thể khác nhau về cường độ. Một số người cảm thấy lo lắng, sợ hãi mức độ nhẹ và có thể dễ dàng vượt qua. Một số trường hợp khác cảm thấy sợ hãi tột độ trước các tình huống xã hội và có thể dẫn đến các hậu quả xấu như không thể tham gia vào các hoạt động xã hội, lo lắng và thậm chí là trầm cảm.

Khoảng 15% trẻ sơ sinh được sinh ra có xu hướng nhút nhát. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy có sự khác biệt sinh học trong não của những người nhút nhát. Bên cạnh đó, sự nhút nhát cũng bị ảnh hưởng bởi đời sống và sự giao tiếp hàng ngày. Theo đó, trẻ em có tính nhút nhát thường phát triển do tương tác với cha mẹ. Cha mẹ độc đoán hoặc bao bọc con quá mức có thể làm cho trẻ trở nên nhút nhát. Những đứa trẻ không được trải nghiệm mọi thứ có thể gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng xã hội. Thay vào đó, cha mẹ nên để con trẻ có điều kiện giao tiếp, quan tâm đến cảm xúc và việc nuôi dạy con cái sẽ giúp trẻ thoải mái hơn khi tiếp xúc với bạn bè và người lạ.

Gia đình, môi trường sống, trường học và văn hóa đều là những yếu tố hình thành nên một đứa trẻ. Các kết nối mà trẻ em được thực hiện trong mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển tính cách và khả năng giao tiếp, sự hoạt ngôn của chúng. Sự nhút nhát của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nhút nhát của con trẻ.

Đối với người trưởng thành, môi trường làm việc thường xuyên bị phê bình và các tình trạng bị xấu hổ công khai là nguyên nhân dẫn đến sự nhút nhát.

1.2. Nhận biết sự nhút nhát như thế nào?

Sợ hãi và lo lắng là những yếu tố chính của sự nhút nhát. Đối với trẻ em, không phải tất cả những đứa trẻ chơi vui vẻ một mình đều nhút nhát. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự nhút nhát ở trẻ có thể là chúng không bao giờ rời xa cha mẹ. Bên cạnh đó, những trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn nên được đánh giá về tính nhút nhát; trẻ em từng là nạn nhân bị bắt nạt, bị bỏ rơi và ít được quan tâm có nguy cơ cao phát triển tính nhút nhát.

Không giống như các rối loạn cảm xúc khác, tính nhút nhát thường không dẫn đến các hành vi nổi nóng, quá khích hay bạo lực. Vì vậy, chẩn đoán tình trạng này ở trẻ em có thể được thực hiện thông qua các trò chơi như chơi cờ, đố chữ hoặc có thể sử dụng con rối, búp bê để giúp trẻ mở lòng.

tác hại của sự nhút nhát
Giảm khả năng làm việc và giao tiếp là tác hại của sự nhút nhát

1.3. Tác hại của nhút nhát

Bạn bè và các mối quan hệ xã hội là trái tim và linh hồn trong cuộc sống con người, bởi chúng giúp cho cuộc sống của bạn tốt hơn và là điều kiện để đạt được những thành công cả về công việc và đời sống. Tác hại của sự nhút nhát thể hiện qua việc chúng làm giảm khả năng làm việc và giao tiếp, trò chuyện của con người, cũng như ngăn cản việc hình thành các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, sự nhút nhát làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và sự thành công trong công việc.

Vượt qua sự nhút nhát giúp bạn vượt qua được những nỗi sợ hãi về các tình huống trong xã hội và tạo ra được những quan hệ mong muốn. Giống như bất kỳ điều gì khác, ban đầu sẽ không dễ dàng để luyện tập vượt qua sự nhút nhát, tuy nhiên nó sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn xây dựng kế hoạch và có phương pháp tiến lên.

2. Cách thoát khỏi sự nhút nhát

Học cách bớt rụt rè và tạo mối quan hệ xã hội bền chặt giúp bạn nâng cao sự tự tin và giảm tình trạng căng thẳng. Một số cách thoát khỏi sự nhút nhát như sau:

2.1. Tìm hiểu xem bạn đang bị nhút nhát hay điều gì khác

Nhiều người thường cho rằng sự nhút nhát, lo lắng xã hội và hướng nội là một. Tuy nhiên thực chất đây là những tình trạng sức khỏe hoàn toàn khác nhau.

  • Lo lắng xã hội liên quan đến nỗi sợ hãi dai dẳng khi bị người khác từ chối, không tán thành hay khi bị chỉ trích. Nỗi sợ hãi này có thể trở nên quá tải và làm cho con người bắt đầu tránh né hoàn toàn các môi trường xã hội. Lo lắng xã hội được xem là một tình trạng sức khỏe tâm thần;
  • Nhút nhát là một đặc điểm tính cách. Người nhút nhát có thể cảm thấy không thoải mái, sợ hãi khi gặp và làm với những người mới, nhưng họ sẽ thấy dễ dàng nói chuyện và tương tác hơn khi trở nên thân quen. Nhút nhát không nhất thiết dẫn đến sự đau khổ dữ dội mà lo âu xã hội gây ra và cũng không được xem là tình trạng sức khỏe tâm thần.

2.2. Khám phá điểm mạnh của bản thân

Phát hiện và phát triển những điểm mạnh của bản thân là yếu tố giúp bạn thực sự tỏa sáng, từ đó giúp thúc đẩy sự tự tin, giảm bớt cảm giác tự ti và bất an. Có thể mất nhiều thời gian để cởi mở và phát triển những điểm mạnh của bản thân, nhưng hãy tin rằng bạn có thể làm tốt và vượt qua được sự nhút nhát.

2.3. Thở thư giãn

Thở thư giãn là một cách tuyệt vời giúp xoa dịu thần kinh của bạn trước những áp lực, sự sợ hãi hay những biến cố. Tiến sĩ Patricia – một nhà tâm lý học lâm sàng đã nhận xét rằng: “Thở thư giãn là cách giúp bạn tự làm dịu nỗi sợ hãi mà không để ai biết được”. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp làm giảm sự sản xuất cortisol hormone kích thích tăng tình trạng căng thẳng của cơ thể.

Thực hiện thở thư giãn bất cứ khi nào bạn cảm thấy ngại ngùng hoặc lo lắng bằng cách hít vào sâu và giữ trong thời gian từ 4 – 5 giây, sau đó thở ra bằng miệng. Lặp lại động tác này 4 – 5 lần và giữ tâm trí thư giãn, không suy nghĩ về bất cứ điều gì trong thời gian thực hiện động tác.

tác hại của sự nhút nhát
Tập nói chuyện với người lạ để thoát khỏi sự nhút nhát

2.4. Tập nói chuyện với người lạ

Chào hỏi và bắt chuyện với một người lạ khi đi cùng chuyến xe buýt hay khi cùng chạy bộ... là một trong những phương pháp giúp bạn vượt qua sự nhút nhát. Đừng quá lo lắng khi cuộc nói chuyện không diễn ra tốt đẹp như bạn mong muốn, điều quan trọng là bạn luôn nhắc nhở bản thân “tôi có thể làm được điều này” và thực hành chúng.

Nhà khoa học Rodebaugh đã chỉ ra rằng: “Hãy cố gắng coi các cuộc trò chuyện là thử nghiệm. Tìm hiểu cách bạn thích tương tác với người khác và cách người khác phản ứng với bạn. Những cuộc trò chuyện ban đầu là khởi đầu của một tình bạn”.

2.5. Chia sẻ sự e ngại của bạn

Chia sẻ sự e ngại và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người bạn tin tưởng như gia đình, bạn bè có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong những tình huống gây sợ hãi, kinh hoàng nhất. Tất nhiên, bạn không thể dựa vào ai đó mọi lúc mọi nơi, nhưng phương pháp này nhằm mục đích giúp bạn dần thích ứng và cảm thấy sẵn sàng đối mặt với những tình huống đó một mình.

Sự hỗ trợ từ những người thân sẽ giúp bạn đưa ra những nhận xét tích cực cũng như những điều tiêu cực cần được sửa chữa. Bên cạnh đó, tương tác với những người thân yêu là một cách hữu ích khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp.

2.6. Tập trung vào cuộc trò chuyện

Nếu bạn là người nhút nhát, những cuộc trò chuyện thông thường cũng có thể làm bạn căng thẳng. Ngay cả khi bạn có nhiều điều để nói về một chủ đề cụ thể, tuy nhiên những suy nghĩ và lo lắng về cách người khác trong cuộc trò chuyện nhìn nhận bạn có thể đẩy những hiểu biết hoặc nhận xét dí dỏm về chủ đề đó ra khỏi đầu của bạn.

Thay vì tự đẩy mình vào những lo lắng người khác sẽ suy nghĩ gì về bản thân, bạn cần học cách tập trung vào dòng chảy của cuộc trò chuyện. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra khi nào nên chia sẻ suy nghĩ của mình một cách tự nhiên hơn và vượt qua được nỗi sợ hãi, xấu hổ, lo lắng.

2.7. Hãy là chính bản thân mình

Một số người nhút nhát vượt qua các tương tác xã hội bằng lớp mặt nạ “tự tin giả mạo”. Nhưng điều này không được thể hiện hiệu quả với tất cả mọi người và mọi tình huống, việc thể hiện sự táo báo mà bạn không thực sự cảm nhận được có thể khiến bạn lo lắng rằng sẽ bị người khác nhìn thấu.

Thay vào đó, việc thừa nhận rằng bạn đang lo lắng hoặc cho mọi người biết rằng bạn muốn hòa mình vào cuộc trò chuyện theo tốc độ của riêng bạn là điều hoàn toàn phù hợp. Mọi người thậm chí có thể đánh giá cao sự nỗ lực mà bạn bỏ ra, những phản ứng tích cực từ người khác có thể củng cố sự tự tin cho bạn một cách xác thực.

Luôn bỏ qua những lời nói dối, ngay cả khi bạn nghĩ rằng việc nói dối sẽ khiến các cuộc trò chuyện diễn ra tốt đẹp.

tác hại của sự nhút nhát
Nếu bạn là người nhút nhát hãy tập trung vào những cuộc trò chuyện

2.8. Hãy nhớ rằng: “Tránh né không phải là câu trả lời”

Việc bỏ qua các hoạt động và giao tiếp xã hội thường đem lại cảm giác an toàn hơn rất nhiều so với việc cố gắng hết sức để kết bạn và thất bại; lảng tránh mọi người có thể giúp bảo vệ bạn khỏi những sự từ chối. Tuy nhiên mặt trái của những điều này là bạn phải đối mặt với cô đơn, hạn chế khả năng phát triển công việc và đời sống.

Vì vậy, mở rộng vòng kết nối xã hội bằng cách mở rộng các mối quan hệ, khám phá các sở thích như đi bộ đường dài, khiêu vuc, nấu ăn... thông qua các lớp học, sự kiện cộng đồng hoặc thậm chí là các ứng dụng có thể giúp bạn tìm thấy những người bạn và đối tác tiềm năng có cùng sở thích.

2.9. Tham khảo ý kiến của bác sĩ

Sự nhút nhát được xem là một phần của tính cách mà không phải là tình trạng sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên nó có thể dẫn đến tình trạng đau khổ không mong muốn theo thời gian. Trong trường hợp không tìm được biện pháp giúp bạn giảm lo lắng, sợ hãi trong các tình huống xã hội thì việc tham khảo ý kiến bác sĩ là điều nên được thực hiện.

Bác sĩ có thể đưa ra những hướng dẫn như sau:

  • Quản lý các triệu chứng thể chất mà bạn gặp phải;
  • Tìm hiểu nguyên nhân của sự nhút nhát;
  • Xác định các lo lắng xã hội và các mối quan tâm khác;
  • Xây dựng các chiến lược giúp làm giảm sự lo lắng khi tham gia các tình huống xã hội.

Sự nhút nhát có thể gây ra những tác động tiêu cực đến việc xây dựng các mối quan hệ xã hội cũng như sự tự tin của bản thân. Vì vậy, xây dựng các biện pháp và chiến lược giúp làm giảm sự nhút nhát là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội, sự thành công trong công việc và cuộc sống.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan