Lợi ích của giấc ngủ sâu

Giấc ngủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời nhưng ít người để ý đến nó. Vậy giấc ngủ sâu mang lại những lợi ích gì?

1. Thế nào là giấc ngủ sâu?

Một giấc ngủ được gọi là sâu giấc khi đó là một giấc ngủ trọn vẹn, không hoặc ít bị giật mình thức giấc trong đêm, nếu có thức giấc nửa đêm thì vẫn có thể ngủ lại dễ dàng và nhanh chóng. Quan trọng để nhận biết một giấc ngủ có chất lượng tốt chính là sáng dậy cảm thấy tỉnh táo, đầu óc minh mẫn và cơ thể sảng khoái, khỏe mạnh, sẵn sàng làm những việc đã lên kế hoạch cho một ngày mới.

Ngược lại một giấc ngủ không sâu giấc là một giấc ngủ chập chờn, mộng mị và hay bị giật mình thức giấc giữa đêm. Sau khi thức giấc thì rất khó khăn hoặc mất nhiều thời gian để ngủ trở lại hoặc thậm chí không ngủ tiếp được nữa. Kết quả là vào sáng hôm sau sẽ cảm thấy uể oải, nặng đầu, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, đầu óc mất tập trung, thèm ngủ tiếp...

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ

Càng lớn, cơ thể càng có nhiều thay đổi, các chức năng hoạt động của cơ thể cũng thay đổi. Những thay đổi này ảnh hưởng đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Tùy thuộc vào tình trạng, các yếu tố sau có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ:

Mãn kinh gây ra giảm nội tiết tố ở phụ nữ, dẫn đến cơ thể đổ mồ hôi vào ban đêm và các triệu chứng khác như cơ thể bồn chồn, cảm giác bứt rứt, gây khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc.

Người cao tuổi bị giảm bài tiết hormon melatonin giúp kiểm soát chu kỳ giấc ngủ. Vì ít melatonin, nên sẽ cảm thấy buồn ngủ quá sớm và thức dậy vào sáng sớm và có thể khó có thể ngủ thêm. Đồng thời, cơ thể cũng tiết ra rất ít hormone tăng trưởng làm cho giấc ngủ sâu trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến giấc ngủ: Các bệnh mạn tính như viêm khớp gây đau, nhức mỏi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ. Tiểu đường hoặc phì đại tuyến tiền liệt gây tiểu đêm thường xuyên, làm gián đoạn giấc ngủ sâu; bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, và các bệnh tâm thần có thể gây lo lắng, bồn chồn- làm ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu.

Những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ: ít tập thể dục, vận động cơ thể; ngủ trưa quá nhiều (hơn 30 phút mỗi ngày có thể ảnh hưởng giấc ngủ ban đêm); dùng chất kích thích như uống rượu, bia, cafeine, trà và hút thuốc lá nhiều là các nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ.

Tâm trạng cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu: một ngày đi làm, gặp nhiều người, nhiều chuyện bực bội, công việc quá nhiều gây stress, kết quả công việc không như mong muốn, tranh cãi, bất đồng với đồng nghiệp, bạn bè, người thân.... Có rất nhiều lý do khiến tâm trạng một ngày trôi qua thật tệ. Điều này khiến cơ thể không thư giãn, thoải mái, dẫn đến giấc ngủ không được ngon giấc.

Ngoài ra môi trường giấc ngủ như ánh sáng phòng ngủ quá chói mắt, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, giường nệm quá mềm hoặc quá cứng, tiếng ồn xung quanh quá lớn,... đều làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

ngủ sâu giấc
Có nhiều yếu tố khác nhau quyết định đến vấn đề ngủ sâu giấc

3. Những lợi ích của giấc ngủ sâu

3.1. Cải thiện trí nhớ

Trí óc của bạn thực ra vẫn tiếp tục làm việc khi bạn ngủ. Khi ngủ sâu giấc, não bộ hoạt động tốt, bạn có thể gia tăng trí nhớ hay rèn luyện những kỹ năng mà bạn đã học khi thức.

3.2. Gia tăng tuổi thọ

Ngủ quá nhiều hay quá ít cũng có thể suy giảm tuổi thọ. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ tuổi từ 50 đến 79 ngủ ít hơn 5 giờ hay ngủ quá nhiều mỗi đêm có tỉ lệ tử vong cao hơn những phụ nữ khác. Ngủ cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bạn ngủ ngon hơn, tinh thần và đầu óc sẽ tỉnh táo và minh mẫn hơn, dẫn đến chất lượng công việc cũng được tốt hơn.

3.3. Giảm các chứng viêm

Các chứng viêm thường có liên quan đến bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, viêm khớp và lão hóa sớm. Những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm dẫn đến trong máu có nhiều protein gây viêm nhiễm và C-reactive protein (loại protein có liên quan đến nguy cơ gây nhồi máu cơ tim).

3.4. Khơi dậy óc sáng tạo

Khi ngủ sâu giấc, não bộ hoạt động tốt, chúng sắp xếp lại và tái cấu trúc trí nhớ, gia tăng trí tưởng tượng, sáng tạo. Chức năng của trí nhớ được kích thích mạnh khi ngủ nhờ đó thúc đẩy năng lực sáng tạo tích cực của con người.

3.5. Cải thiện thành tích học tập và làm việc

Trẻ em tuổi từ 10-16 gặp vấn đề rối loạn về ngủ, bao gồm ngáy to, khó thở... khó có khả năng tập trung học tập. Nghiên cứu cho thấy, không ngủ đủ hoặc ngủ không sâu giấc là một trong số những nguyên nhân khiến chất lượng học tập và làm việc giảm rõ rệt. Khi học sinh cố làm đầy đủ bài tập về nhà đúng hạn, hay những người đi làm tranh thủ về nhà làm thêm việc để kiếm thêm thu nhập, hay hoàn thành nốt việc cho kịp thời hạn, họ hay thức trắng đêm, tuy nhiên, thiếu ngủ triền miên làm suy giảm năng lực học tập và làm việc một cách rõ ràng.

3.6. Rèn luyện sự tập trung

Thiếu ngủ có thể dẫn đến những triệu chứng thiếu tập trung ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt đối với trẻ em, chúng thường trở nên hiếu động khi thiếu ngủ. Trẻ em 7-8 tuổi ngủ ít hơn 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm có thể trở nên hiếu động bất thường, thiếu tập trung và khó kiểm soát cảm xúc bản thân.

ngủ sâu giấc
Ngủ sâu giấc có thể giúp bạn rèn luyện sự tập trung

3.7. Sở hữu cân nặng hợp lý

Nhiều người cho rằng, ngủ ít, cơ thể hoạt động nhiều sẽ nhanh giảm cân. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, những người ăn kiêng ngủ đủ giảm được nhiều mỡ thừa hơn còn những người bị thiếu ngủ bị mất đi khối lượng cơ tương tự. Người ăn kiêng thường cảm thấy đói khi họ ít ngủ vì một loại hormone sẽ đi vào trong máu và thúc đẩy sự thèm ăn.

3.8. Giảm stress

Sự căng thẳng và giấc ngủ có liên quan chặt chẽ với nhau và đều có ảnh hưởng đến tuần hoàn máu của cơ thể. Ngủ sâu giấc giúp giảm căng thẳng và nhờ đó có thể kiểm soát được các bệnh lý như cao huyết áp và có ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu, vốn là một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch.

3.9. Giảm tai nạn khi lái xe

Buồn ngủ do thiếu ngủ, ngủ ít, ngủ không sâu giấc là lý do gây tai nạn xe hơi chiếm tỉ lệ cao nhất, nhiều hơn cả bia rượu. Nhiều người không quan tâm đến giấc ngủ, chủ quan, nhưng nhiều báo cáo thống kê đã chỉ ra rõ sự liên quan giữa việc lái xe và việc không tỉnh táo do buồn ngủ, thiếu ngủ,...

3.10. Tránh xa bệnh trầm cảm

Thiếu ngủ cũng có thể gây ra sự trầm cảm. Một giấc ngủ sâu giúp một người thất thường về nội tâm giảm bớt lo âu, căng thẳng, kiểm soát cảm xúc được tốt hơn.

3.11 Làm thế nào để có giấc ngủ sâu?

Muốn có giấc ngủ sâu, chúng ta nên tạo nên những thói quen sinh hoạt tốt trong cuộc sống, đặc biệt ở người luôn có rối loạn giấc ngủ với nhiều lý do khác nhau. Mỗi ngày nên ngủ đủ thời gian (khoảng từ 7 - 8 tiếng đồng hồ là tốt nhất, bao gồm cả giấc ngủ trưa ngắn khoảng 30 phút). Nên có thói quen đi ngủ đúng giờ (cả ngủ trưa và ngủ buổi tối) và thức dậy đúng theo một thời gian cố định (những lúc đầu nên đặt chuông báo thức, về sau đã thành thói quen, có thể không cần động tác này). Việc làm này sẽ làm tăng cường thêm chức năng sinh học và có thể giúp dễ dàng đi ngủ hơn vào ban đêm (ngay cả người trẻ tuổi). Để có giấc ngủ tốt, bên cạnh đó cần quan tâm đến các yếu tố môi trường liên quan như: phòng ngủ thoáng, mát, hạn chế ánh sáng đến mức tối đa (dùng đèn ngủ có độ chiếu sáng thấp nhất có thể), giường ngủ sạch sẽ, chăn, ga, gối đệm thích hợp (ga mềm mại, đệm có độ cứng thích hợp với từng người), không gian yên tĩnh, ít người qua lại, thoáng nhưng tránh gió lùa. Mùa lạnh, rét cần có chăn, đệm đủ ấm để tránh lạnh ảnh hưởng đến giấc ngủ và còn liên quan đến sức khỏe của những người mang trong mình bệnh tật.

Chế độ ăn, uống không hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Vì vậy, không nên đi ngủ khi đói (không được bỏ bữa, nhất là bữa tối) và càng không nên ăn quá no trước khi đi ngủ. Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ gây đi tiểu đêm ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ, đặc biệt hạn chế uống rượu, bia, cà phê, trà đặc, thuốc lá trước khi đi ngủ. Cần tích cực điều trị các bệnh mãn tính, đặc biệt là các bệnh hay có triệu chứng về đêm như bệnh dạ dày, đại tràng, bệnh hen suyễn, viêm phế quản, dị ứng....

Ngoài ra để có giấc ngủ sâu, chúng ta nên vận động cơ thể một cách thường xuyên bằng các hình thức phù hợp nhất như đi bộ, chơi cầu lông, thể dục dưỡng sinh....

Tóm lại, việc duy trì giấc ngủ tốt mỗi ngày sẽ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu, và tránh được rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch ở người già, bệnh tiểu đường hoặc thừa cân/ béo phì..., do khi ngủ cơ thể sẽ phục hồi, tái tạo năng lượng cho cơ thể, đồng thời tiết ra những hormone cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh. Do đó một giấc ngủ sâu và đủ giấc được xem như một biện pháp tích cực để đạt được sức khỏe tốt cho con người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan