Căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào?

Sự căng thẳng có mối liên hệ chặt chẽ đối với bệnh tiểu đường. Căng thẳng kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến mức đường huyết ổn định trong cơ thể và khiến người bệnh gặp khó khăn hơn khi kiểm soát tiểu đường.

1. Căng thẳng kéo dài và bệnh tiểu đường

Kiểm soát bệnh tiểu đường là cả một hành trình dài và dễ gây thêm căng thẳng cho cuộc sống thường ngày của bạn. Theo nghiên cứu cho biết, căng thẳng kéo dài tạo nên một rào cản lớn cho việc kiểm soát glucose hiệu quả. Hormone căng thẳng trong cơ thể có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến mức glucose. Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ sinh ra phản ứng chiến đấu lại. Phản ứng này có thể làm tăng nồng độ hormone và kích hoạt các tế bào thần kinh trong cơ thể.

Vậy căng thẳng có làm tăng đường huyết không? Khi cơ thể xảy ra phản ứng chiến đấu lại với sự căng thẳng, 2 hormone cortisol và adrenaline sẽ được giải phóng vào máu và làm tăng tốc độ hô hấp. Cơ thể sẽ hướng máu đến các cơ và tay chân nhằm giúp bạn “chiến đấu” lại với tình trạng này. Ở những người mắc tiểu đường, cơ thể sẽ không thể xử lý được glucose như bình thường, do đó glucose không chuyển đổi sang dạng năng lượng và tích tụ lại trong máu. Đây chính là nguyên nhân khiến mức đường huyết tăng cao.

Sự căng thẳng kéo dài do các vấn đề về đường huyết cũng là tác nhân khiến người bệnh dễ suy sụp về thể chất và tinh thần. Điều này khiến cho quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.

2. Các loại căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào?

Thực tế, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường theo nhiều cách khác nhau. Loại căng thẳng mà bạn trải qua cũng có khả năng tác động đến phản ứng thể chất của cơ thể.

Khi bệnh nhân tiểu đường loại 2 gặp phải những căng thẳng về tinh thần, họ thường bị tăng đường huyết. Đối với người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thì phản ứng thường đa dạng hơn, tức là họ có thể bị giảm hoặc tăng mức đường huyết tuỳ thuộc vào hoàn cảnh.

Khi bị căng thẳng về thể chất, lượng đường trong máu cũng có xu hướng tăng lên. Điều này xảy ra chủ yếu khi bạn bị thương hoặc ốm. Nhìn chung, loại căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến cả người mắc tiểu đường loại 1 và loại 2.

3. Cách xác định sự căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến mức đường huyết

Việc theo dõi những thông tin như ngày tháng và điều mà bạn đang làm vào thời điểm bị căng thẳng có thể giúp xác định được những yếu tố cụ thể kích hoạt tăng đường huyết. Chẳng hạn, bạn có thường xuyên cảm thấy căng thẳng tinh thần hơn vào sáng thứ Hai không? Nếu đúng, ngay từ bây giờ, bạn cần thực hiện các biện pháp đặc biệt vào buổi sáng đầu tuần để làm giảm căng thẳng cũng như kiểm soát lượng đường trong cơ thể.

Để biết liệu điều này có xảy ra với bản thân hay không, bạn hãy nắm bắt mức độ căng thẳng và lượng đường trong cơ thể. Nếu cảm thấy căng thẳng tinh thần xảy ra, hãy đánh giá mức độ căng thẳng theo thang điểm từ 1 – 10, trong đó 10 là đại diện cho mức độ stress cao nhất.

Sau khi đã đánh giá được mức độ căng thẳng của mình, bạn tiếp tục kiểm tra chỉ số đường huyết. Bạn nên duy trì biện pháp này trong một vài tuần để theo dõi chính xác sự căng thẳng tinh thần có ảnh hưởng đến mức đường huyết không. Nếu nhận thấy lượng glucose thường xuyên tăng cao, điều này cho thấy căng thẳng tinh thần đang tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu của bạn.

4. Một số triệu chứng thường gặp khi cơ thể căng thẳng

Trong một số trường hợp nhất định, các triệu chứng của căng thẳng có thể không hiện diện rõ rệt và khiến cho bạn khó nhận ra sự tồn tại của chúng. Căng thẳng kéo dài là tác nhân gây hại cho cả sức khoẻ tinh thần, cảm xúc và thể chất của con người. Việc nhận biết các triệu chứng căng thẳng sẽ giúp bạn sớm có biện pháp kiểm soát tình trạng này. Khi căng thẳng, cơ thể bạn sẽ xuất hiện các dấu hiệu điển hình dưới đây:

  • Đau đầu, đau hoặc căng cơ.
  • Mệt mỏi liên tục.
  • Có cảm giác như bị ốm.
  • Ngủ quá ít hoặc quá nhiều.
  • Tính tình dễ cáu bẳn, nổi nóng.
  • Không có động lực, lo lắng hoặc bồn chồn.

Theo một số nghiên cứu cho biết, những người bị căng thẳng kéo dài cũng thường có các hành vi dưới đây:

  • Xa lánh bạn bè và gia đình.
  • Chán ăn hoặc tiêu thụ đồ ăn quá mức cần thiết.
  • Hành động bộc phát khí nóng giận.
  • Lạm dụng bia rượu.
  • Hút thuốc lá.

5. Làm thế nào để giảm mức độ căng thẳng và kiểm soát tốt đường huyết?

Việc giảm bớt hoặc hạn chế những tác nhân gây căng thẳng có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn giảm mức độ của các loại căng thẳng khác nhau:

5.1 Cách giảm căng thẳng tinh thần

Thiền định được xem là một biện pháp hữu ích giúp loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và thư giãn tâm trí, xua tan mọi căng thẳng. Bạn có thể thiền định khoảng 15 phút bắt đầu vào mỗi buổi sáng. Khi ngồi thiền, bạn có thể ngồi ngay ngắn trên ghế, đặt chân chạm xuống sàn và nhắm mắt lại. Bạn hãy niệm một câu “thần chú” có ý nghĩa với bản thân, chẳng hạn như “tôi sẽ có một ngày tốt lành”. Trong lúc thiền định, bạn hãy cố gắng loại bỏ mọi suy nghĩ khác xâm nhập vào đầu và để bản thân cảm nhận được sự hiện diện trong thời điểm này.

5.2 Cách giảm căng thẳng cảm xúc

Nếu bạn nhận thấy bản thân đang rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực, hãy dành ra 5 phút để loại bỏ chúng khỏi môi trường hiện tại. Bạn nên tìm một không gian yên tĩnh để tập trung cho từng nhịp thở. Đặt tay lên bụng và cảm nhận hơi thở, hít thở sâu, sau đỏ thở ra từ từ. Điều này có thể giúp nhịp tim chậm lại và đưa bạn trở về với trạng thái cảm xúc ổn định. Việc tập trung vào hơi thở cũng giúp bạn cải thiện và đối phó với bất cứ tác nhân gì gây căng thẳng.

5.3 Cách giảm căng thẳng về thể chất

Tập yoga mỗi ngày chính là một giải pháp hữu ích để làm giảm sự căng thẳng kéo dài về thể chất. Yoga là hình thức tập luyện bao gồm cả thiền định và hoạt động thể chất cùng một lúc. Theo nghiên cứu cho thấy, tập yoga giúp làm giảm mức huyết áp và hỗ trợ kiểm soát tốt tình trạng tăng đường huyết.

Mỗi ngày, bạn nên dành ra 30 phút để tập các động tác yoga nhẹ nhàng. Bạn có thể chia thành các hiệp nhỏ, bao gồm 10 phút vào lúc thức dậy, 10 phút vào cuối chiều và 10 phút trước khi đi ngủ. Điều này cũng mang lại lợi ích vô cùng tuyệt vời đối với sức khỏe tim mạch.

5.4 Cách giảm căng thẳng gia đình

Sự căng thẳng gia đình cũng là một yếu tố khác làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường. Nếu bạn đang cảm thấy quá tải bởi các nghĩa vụ trong gia đình, hãy sẵn sàng nói lời từ chối hoặc tìm các biện pháp khắc phục khác. Bạn có thể dành thời gian riêng tư cho bản thân hoặc cân nhắc tổ chức một bữa tối vui vẻ cùng gia đình vào cuối tuần. Đôi khi, việc dành thời gian để tham gia các hoạt động ngoài trời như bơi lội, đi dạo hoặc chạy bộ cũng giúp làm giảm tải các áp lực gây căng thẳng từ phía gia đình.

5.5 Cách giảm căng thẳng trong công việc

Những vấn đề gây căng thẳng trong công việc có thể theo bạn về nhà. Sự căng thẳng kéo dài do những khó khăn trong công việc làm thay đổi mức đường huyết ổn định ở những người mắc tiểu đường. Để đối phó với loại căng thẳng này, bạn có thể trao đổi với cấp trên về những vấn đề mà bản thân đang gặp phải trong công việc để sắp xếp các nhiệm vụ hợp lý hơn.

Nếu mức độ căng thẳng trong công việc liên tục tăng lên, bạn có thể cân nhắc chuyển sang bộ phận khác hoặc thậm chí tìm kiếm một công việc mới sao cho phù hợp với tính cách và kỹ năng của bản thân.

Khi biết mối liên hệ giữa căng thẳng và tiểu đường bạn có thể thay đổi và thiết lập cho mình một lối sống khoa học qua đó giúp tình trạng sức khỏe được cải thiện tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan