Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận động, khiến người bệnh đau đớn, di chuyển khó khăn. Các phương pháp giúp xác định thoái hóa khớp gối như: chụp X - quang, nội soi khớp gối trong đó không thể không kể tới siêu âm thoái hóa khớp gối.
1. Bệnh thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng phần sụn khớp, đĩa đệm giữa 2 xương đầu gối bị rách nứt, mất tính đàn hồi, bị bào mòn... khiến cho 2 xương khớp gối không còn lớp lót ở giữa, chà sát va chạm trực tiếp vào nhau gây sưng, đau, cứng khớp.
Do khớp gối gánh sức nặng của toàn bộ cơ thể và phải hoạt động rát thường xuyên nên đây là một trong những bộ phận dễ bị tổn thương nhất.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối được chia làm 2 loại là:
Thoái hóa khớp nguyên phát
Là nguyên nhân chính, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, có thể ở một hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm. Ngoài ra có thể có yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hoá (mãn kinh, đái tháo đường...) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa
Thoái hóa khớp thứ phát
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do sau các chấn thương khiến trục
khớp thay đổi (gãy xương khớp, can lệch...).
Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh:
- Khớp gối quay ra ngoài (genu valgum);
- Khớp gối quay vào trong (genu varum);
- Khớp gối quá duỗi (genu recurvatum...)
Hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,lao khớp, viêm mủ, bệnh gút, chảy máu trong khớp - bệnh Hemophilia...)
2. Biểu hiện của thoái hóa khớp gối
- Các cơn đau âm ỉ tại vị trí khớp gối, đau nhiều hơn khi vận động. Càng vận động nặng cơn đau càng tăng lên
- Khi cử động, co duỗi chân nghe thấy tiếng lục cục ở đầu gối
- Khó co duỗi đầu gối, cảm thấy cứng khớp gối vào buổi sáng sau khi ngủ dậy
- Đầu gối sưng to
- Vận động khó khăn
- Khớp gối biến dạng, đây là tình trạng teo ổ khớp, sụn khớp đã bị tổn thương nghiêm trọng
Thoái hóa khớp gối ở giai đoạn đầu có thể điều trị bằng điều trị nội trú kết hợp vật lý trị liệu. Thoái hóa khớp gối dạng nặng không những gây ra đau đớn mà còn ảnh hưởng lớn tới chức năng vận động, người bệnh buộc phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Vì thế cần phải tiến hành thăm khám, xác định bệnh thoái hóa khớp gối càng sớm càng tốt.
3. Các phương pháp phát hiện thoái hóa khớp gối
Để xác định bệnh thoái hóa khớp gối phải sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm khớp gối, chụp X - quang, chụp cộng hưởng từ MRI, nội soi khớp gối...
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): cho phép quan sát hình ảnh khớp gối rõ ràng và đầy đủ nhất. Hình ảnh không gian 3 chiều của khớp gối được ghi lại, qua đó các bác sĩ sẽ phát hiện và đánh giá các tổn thương của sụn khớp...
- Nội soi khớp gối: nội soi khớp gối giúp quan sát, tiếp cận các tổn thương của sụn khớp ở 4 mức độ khác nhau. Nội soi khớp gối kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch để làm xét nghiệm tế bào chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khớp khác.
Ngoài các phương pháp trên thì siêu âm khớp gối là phương pháp phát hiện thoái hóa khớp gối rất tiện lợi và an toàn, chi phí cho siêu âm khớp gối cũng rất rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân. Siêu âm khớp gối giúp các bác sĩ kiểm tra được tình trạng của sụn khớp như:
- Đo độ dày sụn khớp, đánh giá mức độ bào mòn của sụn khớp hay phát hiện các tổn thương như rách sụn khớp...
- Kiểm tra tổn thương tràn dịch khớp
- Siêu âm khớp gối giúp phát hiện và đánh giá tình trạng gai xương, hẹp khe khớp
- Phát hiện thoát vị màng hoạt dịch sau khớp gối, kén Baker ở khoeo chân hoặc dị vật trong khớp gối.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.