Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Khi sinh mổ lần 2, tỷ lệ tử vong mẹ và con liên quan đến gây mê, nhiễm khuẩn nặng, băng huyết, thuyên tắc ối chiếm khoảng 4-8 trường hợp/1000 ca. Vì vậy rất nhiều bà mẹ thắc mắc vấn đề sinh mổ lần 2 nên nhập viện khi nào? Nên mổ ở tuần thứ bao nhiêu?
1. Sinh mổ lần 2 nên nhập viện khi nào?
Sinh mổ lần 2 khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường sau sản phụ nên nhập viện ngay:
1.1. Ra máu âm đạo
Thai phụ ra máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào khi mang thai đều cần có sự thăm khám kịp thời của bác sĩ. Ra máu âm đạo trong giai đoạn sớm quý I của thai kỳ là hiện tượng thường gặp ở 15 - 25% bà mẹ mang thai, có thể là dấu hiệu của thai dọa sảy hay chửa ngoài dạ con. Ra máu âm đạo trong giai đoạn muộn quý III của thai kỳ còn có thể là dấu hiệu của những bất thường về rau, hay sinh non. Lượng máu càng nhiều, mức độ nghiêm trọng càng tăng.
Trắc nghiệm: Đặc điểm cơn đau đẻ và diễn biến cuộc chuyển dạ
Cơn đau đẻ là dấu hiệu thông báo sự chào đời của em bé. Cùng thử sức với bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp các bà mẹ mang thai nhận biết cơn đau đẻ và diễn biến cuộc chuyển dạ để chuẩn bị trước tâm lý những gì sắp xảy ra đối với mình.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
1.2. Ra nước ối âm đạo
Bình thường âm đạo của sản phụ luôn có ít dịch tiết (khí hư) màu trắng đục không mùi hoặc có mùi nhưng không hôi, do sự tăng hormone trong thời kỳ mang thai. Nếu sản phụ thấy dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, giống như nước, ồ ạt hoặc rỉ rả liên tục, mùi hơi tanh nồng và hơi nhớt thì có thể là dấu hiệu của rỉ ối/ối vỡ non/ối vỡ sớm. Các trường hợp này đều kèm theo nguy cơ sinh non, sa dây rau, và đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi và bà mẹ khi rỉ ối/ối vỡ non/ối vỡ sớm trên 6 giờ.
Vì vậy bà mẹ mang thai cần tới bệnh viện ngay khi phát hiện ra nước ối âm đạo. Bác sĩ sẽ thăm khám, theo dõi, làm xét nghiệm để có các chỉ định cụ thể thích hợp tùy theo tình trạng của mẹ và thai như dùng kháng sinh, theo dõi gây chuyển dạ hay tiếp tục giữ thai.
1.3. Đau bất thường vùng tử cung và bụng dưới
Thông thường bà mẹ mang thai có thể cảm thấy nặng ở phần bụng dưới và đau lưng khi thai nhi ngày càng lớn lên, đôi khi có các cơn co tử cung (tử cung gò cứng) nhất là khi sắp đến ngày sinh. Tuy nhiên nếu có cơn đau đột ngột dữ dội, bà mẹ cần đến bệnh viện theo dõi vì đó có thể là dấu hiệu bất thường tại tử cung. Nếu thấy cơn co thành chu kỳ, liên tục, và không mất đi sau khi nghỉ ngơi 1 giờ, khi tuổi thai dưới 37 tuần, bà mẹ cần đến bệnh viện vì đó có thể là các dấu hiệu liên quan đến sinh sớm.
1.4. Thai không cử động hoặc cử động ít hơn hẳn bình thường
Bình thường sản phụ có thể cảm nhận thấy thai nhi cử động rõ rệt vào khoảng thời gian từ 16 tuần đối với con rạ, 22 tuần đối với con so. Những “cú đá” này là cách liên hệ của thai nhi với mẹ là “con vẫn ổn”. Mỗi ngày, bà mẹ hãy chọn một thời điểm, thường là sau khi ăn hay trong lúc nghỉ ngơi để đếm số cử động thai (đá, đấm, xoay, cuộn) trong 1 giờ, cùng với số thời gian để có được 10 cử động thai, và ghi lại thành biểu đồ. Hãy tránh chu kỳ ngủ của thai (có thể từ 20 đến 75 phút).
Bà mẹ nên bắt đầu đếm cử động thai kể từ khi thai 28 tuần, bởi nguy cơ cao nhất do giảm cử động thai thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu số cử động thai dưới 10 trong vòng 2 giờ, đó là dấu hiệu nguy hiểm và cần tới bệnh viện để theo dõi ngay.
1.5. Các dấu hiệu đột ngột của bà mẹ khi mang thai
Bất kỳ một hoặc nhiều dấu hiệu xảy ra đột ngột và bất thường như sốt cao trên 38 ̊C, ngất xỉu, khó thở, đau đầu dữ dội, đau ngực, nôn mửa, rối loạn thị giác, co giật đều cần được đưa đến bệnh viện xử trí sớm. Hãy gọi xe cấp cứu và đến bệnh viện ngay khi có thể.
2. Sinh mổ lần 2 nên mổ ở tuần bao nhiêu?
Thời điểm sinh mổ lần 2 của mẹ sẽ được bác sĩ tiên lượng dựa vào sức khỏe, tình trạng của mẹ và thai nhi. Bác sĩ sẽ dựa vào quá trình mang thai của mẹ, thông tin về lần sinh trước được cung cấp bởi bà mẹ, để xác định thời gian sinh phù hợp nhất.
Vậy đẻ mổ lần 2 có nên chờ chuyển dạ không? Thông thường, nếu bà mẹ có sức khỏe tốt, thai nhi phát triển ổn định thì bà mẹ sẽ được sinh mổ từ tuần thứ 39 trở đi, trước khi có cơn đau chuyển dạ vì những cơn co thắt có thể làm ảnh hưởng đến vết sẹo do lần sinh đầu tiên. Từ tuần thứ 37, bé đã có thể tự thở và sống được ở môi trường bên ngoài nhưng bà mẹ nên sinh con sau tuần thai thứ 39, vì những tuần cuối của thai kỳ là khoảng thời gian nhiều cơ quan quan trọng trong thai nhi hoàn thiện. Thai nhi sinh ở tuần 39 ít gặp vấn đề về sức khỏe so với những bé sinh sớm. Thai nhi lúc này cũng có lớp mỡ dưới da đầy đủ giúp bé duy trì thân nhiệt ổn định,...
Dù sinh mổ hay sinh thường, thai phụ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm khác nhau, để cuộc chuyển dạ không gây ám ảnh tâm lý và thuận lợi, thai phụ cần chuẩn bị tâm lý tốt và hiểu rõ: về quy trình chuyển da, các phương pháp giảm đau khi sinh cũng như chăm sóc vết mổ, ....
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.