Hỏi
Chào bác sĩ. Khi áp dụng gây tê tủy sống và ngoài màng cứng trong mổ lấy thai cho mẹ bầu có gây ra đau lưng sau này không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi, tôi xin cảm ơn.
Câu hỏi được chuyển đến BSCK II Đinh Văn Lộc - Bác sĩ gây mê - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Trả lời
Chào bạn, đây chính là điều lo lắng nhất của các bà mẹ cũng như người thân khi khách hàng tìm hiểu về phương pháp “đẻ không đau” và gây tê ngoài cứng, tủy sống để mổ. Về phương diện khoa học, không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sanh là do gây tê ngoài màng cứng. Trên thực tế, 50% sản phụ không dùng phương pháp gây tê “đẻ không đau” khi đi sanh, vẫn gặp đau lưng sau sanh. Đau lưng sau sinh có thể do những nguyên nhân sau: sự biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp khi sinh hoạt, ngồi,... Tuy nhiên, nếu đau do gây tê ngoài màng cứng hay tủy sống tại vị trí tiêm, nó sẽ tự hết trong 48 giờ.
1. Gây tê vùng cột sống không phải là nguyên nhân
Có đến 50% bà mẹ có hiện tượng đau lưng trong tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, đau lưng do biến chứng gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tuỷ sống là khá hiếm, đặc biệt là đau xuất hiện sau nhiều năm ổn định mà không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra liên quan đến việc gây tê trước đó.
Gây tê tủy sống mổ đẻ hoặc tê ngoài màng cứng liên tục để đẻ không đau là kỹ thuật liên quan đến việc đưa thuốc gây tê có tác dụng giảm đau vào khoang tuỷ sống hoặc khoang ngoài màng cứng để ức chế quá trình dẫn truyền cảm giác đau từ tuỷ sống về não bộ.
Các biến chứng phổ biến nhất của gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống xảy ra trong hoặc ngay sau khi sử dụng thuốc gây tê bao gồm: Run, ngứa, hạ huyết áp. Ngoài ra, đau lưng tại vị trí chọc kim và đau đầu có thể xuất hiện ở ngay những ngày đầu do mũi kim gây nên tổn thương nhỏ ở dây chằng giữa hai đốt sống và đau sẽ hết ngay sau khi vết kim được liền sẹo.
Vị trí gây tê tủy sống cho mổ đẻ hay gây tê ngoài màng cứng để đẻ không đau cũng nằm trong vùng thắt lưng. Do đó, nhiều người nhận định rằng đó là nguyên nhân gây đau lưng mà không được biết đến nguyên nhân liên quan gây đau lưng sau sinh đã tiềm tàng ngay từ khi bắt đầu mang bầu.
2. Nguyên nhân nào khiến chị em mắc chứng đau lưng sau sinh
Thiếu canxi
Trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần bổ sung đầy đủ canxi, phốt pho và các chất dinh dưỡng khác như: acid folic, vitamin A, D, B1.... Tuy nhiên, nếu chế độ ăn uống của chị em lúc này không thể đáp ứng nhu cầu canxi, cơ thể phải lấy từ mẹ để bù đắp cho thai nhi và gây ra loãng xương.
Sau khi sinh, sức khỏe của sản phụ vẫn ở trạng thái tương đối yếu, chưa kịp phục hồi. Mặt khác, mẹ phải cho con bú thường xuyên, lượng canxi bị thất thoát một lần nữa, tạo cơ hội những cơn đau lưng khởi phát
Giãn dây chằng sinh lý
Trong quá trình mang thai, cơ thể thai phụ sản sinh ra nhiều loại hormone giúp các dây chằng của khung chậu giãn nở để chuẩn bị cho bé ra đời. Điều này làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối với xương chậu, cột sống khiến vùng lưng kém ổn định, gây đau nhức. Sau khi sinh, các dây chằng xương chậu còn lỏng lẻo, do đó, đau lưng là điều không thể tránh khỏi.
Tư thế cho con bú
Nhiều bà mẹ có tâm lý để bé bú thoải mái đã vô tình khiến cơ thể phải gồng, gập người hết cỡ làm căng cơ cổ và lưng, gây ra tình trạng đau lưng đau mỏi vai gáy. Nguyên nhân này khá phổ biến trong 1-2 tháng đầu sau khi sinh con.
Không chỉ vậy, thói quen thường xuyên cúi người về phía trước, mắt chăm chú nhìn con bú cũng là yếu tố dẫn đến chứng đau lưng sau sinh
Làm việc quá sức hoặc nằm im không vận động
Sau khi sinh, có 2 nhóm phụ nữ dễ bị đau lưng hơn cả: một là, nằm yên bất động cả ngày; hai là, làm việc quá sức trong một số trường hợp khi sức khỏe chưa hồi phục, chị em đã làm việc, đi lại nhiều, khiến các dây chằng giãn ra và làm lưng bị đau.
Ngoài ra, một số chị em nằm đệm quá cứng, thường xuyên đi giày cao gót, stress... cũng dễ bị đau lưng sau sinh.
Như vậy, để phòng ngừa và cải thiện chứng đau lưng sau sinh, chị em nên có chế độ ăn uống khoa học kết hợp với mát xa và luyện tập thể dục nhẹ nhàng để không bị những cơn đau hành hạ.
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng.
Các nội dung tư vấn khác với BSCK II Đinh Văn Lộc: