Rối loạn khí sắc: Những điều cần biết

Rối loạn khí sắc là hiện tượng liên quan đến trạng thái căng thẳng. Tùy vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm sống, tính cách, sự việc gây căng thẳng mà mỗi người có các phản ứng khác nhau. Quan trọng nhất là người mắc rối loạn khí sắc cần nhận biết các dấu hiệu, giới hạn chịu đựng để tự điều chỉnh hoặc nhờ tư vấn của bác sĩ kịp thời.

1. Rối loạn khí sắc là gì?

Rối loạn khí sắc là một hiện tượng sức khỏe liên quan đến trạng thái căng thẳng (stress). Các tình huống gây căng thẳng quá mức như các căng thẳng gây ra bởi các mối quan hệ bạn bè, nơi làm việc hoặc trường học. Các vấn đề liên quan đến bệnh tật hoặc cái chết của một thành viên thân thiết trong gia đình hoặc các thay đổi bất ngờ trong cuộc sống đều có thể gây ra căng thẳng. Hầu hết, thời gian để một người để lấy lại trạng thái thăng bằng là trong vòng một tháng. Nếu quá trình này gặp rối loạn, tình trạng sẽ tồi tệ hơn, bạn có thể gặp rắc rối với các vấn đề cảm xúc và hành vi gây ra cảm giác lo lắng và trầm cảm. Nếu cảm giác không tự mình vượt qua được, bạn có thể đến các cơ sở y tế để được điều trị.

2. Triệu chứng của rối loạn khí sắc

Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn khí sắc phụ thuộc vào loại rối loạn và có thể khác nhau tùy theo từng người. Rối loạn khí sắc ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận và suy nghĩ về bản thân, về thế giới xung quanh và cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Một số ví dụ bao gồm:

  • Cảm thấy buồn, vô vọng hoặc không có cảm giác với những thứ bạn từng thích
  • Thường xuyên khóc
  • Lo lắng hoặc cảm thấy căng thẳng, bồn chồn
  • Khó ngủ
  • Không có cảm giác thèm ăn
  • Khó tập trung
  • Cảm giác quá sức chịu đựng
  • Khó tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày
  • Rút khỏi hỗ trợ xã hội
  • Tránh những việc quan trọng như đi làm hoặc thanh toán hóa đơn
  • Có suy nghĩ hoặc hành vi tự sát

Các triệu chứng của rối loạn khí sắc bắt đầu trong vòng 3 tháng sau một sự kiện căng thẳng và kéo dài không quá 6 tháng sau khi kết thúc sự kiện căng thẳng. Tuy nhiên, rối loạn khí sắc kéo dài hoặc mãn tính có thể vẫn tiếp diễn trong hơn 6 tháng, đặc biệt nếu tác nhân gây căng thẳng đang diễn ra, chẳng hạn như thất nghiệp. Gặp bác sĩ nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình vượt qua trạng thái căng thẳng.

Tự sát
Suy nghĩ hoặc hành vi tự sát là dấu hiệu cảnh báo của rối loạn khí sắc

3. Nguyên nhân gây rối loạn khí sắc

Rối loạn khí sắc được gây ra bởi những thay đổi đáng kể hoặc căng thẳng trong cuộc sống. Di truyền học, kinh nghiệm sống và tính cách của bạn có thể làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn khí sắc.

4. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

4.1 Sự kiện gây căng thẳng

Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, cả tích cực và tiêu cực, có thể khiến bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn khí sắc. Ví dụ:

  • Vấn đề ly hôn hoặc hôn nhân
  • Vấn đề liên quan đến các mối quan hệ
  • Thay đổi điều kiện sống như nghỉ hưu, sinh con hoặc đi học
  • Các tình huống bất lợi như mất việc, mất người thân hoặc gặp vấn đề tài chính
  • Vấn đề ở trường hoặc tại nơi làm việc
  • Bị đe dọa tính mạng, như tấn công vật lý, chiến đấu hoặc thiên tai
  • Những yếu tố gây căng thẳng đang diễn ra, chẳng hạn như mắc bệnh hoặc sống trong một khu phố đầy rẫy tội phạm

4.2 Kinh nghiệm sống

Kinh nghiệm sống có thể tác động đến cách bạn đối phó với căng thẳng. Nguy cơ phát triển rối loạn khí sắc có thể tăng lên nếu bạn:

  • Trải qua căng thẳng trầm trọng trong thời thơ ấu
  • Có vấn đề sức khỏe tâm thần khác
  • Có nhiều sự việc khó khăn xảy ra cùng một lúc
Căng thẳng
Vấn đề ở trường hoặc tại nơi làm việc có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn khí sắc

5. Biến chứng của rối loạn khí sắc

Nếu rối loạn khí sắc không được giải quyết, cuối cùng chúng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

6. Phòng ngừa rối loạn khí sắc

Các kỹ năng đối phó lành mạnh và học cách kiên cường có thể giúp ích trong thời gian bạn trong trạng thái căng thẳng cao. Bạn nên dựa vào sức mạnh tâm hồn, tăng cường các thói quen lành mạnh và kêu gọi sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xã hội khi đang đứng trước các tình huống gây căng thẳng như nghỉ hưu, thất nghiệp, chuyển nơi làm việc. Bạn cũng nên tự nhắc nhở bản thân rằng trạng thái căng thẳng chỉ tạm thời, nó sẽ trôi qua nhanh. Bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm cách kiểm soát trạng thái căng thẳng đang gặp phải.

7. Chẩn đoán rối loạn khí sắc

Chẩn đoán rối loạn khí sắc dựa trên việc xác định các yếu tố gây căng thẳng, các triệu chứng và cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi về sức khỏe tâm thần và tiền sử bệnh, tiền án (nếu có). Bác sĩ có thể sử dụng các tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.Để chẩn đoán rối loạn khí sắc, DSM-5 liệt kê các tiêu chí sau:

  • Có các triệu chứng cảm xúc hoặc hành vi trong vòng 3 tháng gây ra bởi một tác nhân gây căng thẳng cụ thể xảy ra trong cuộc sống của bạn
  • Trải qua cảm giác căng thẳng quá mức khi đối phó với các sự kiện và các mối quan hệ gây căng thẳng
  • Các triệu chứng không liên quan đến một rối loạn sức khỏe tâm thần khác hoặc trạng thái đau buồn bình thường.
Căng thẳng
Chẩn đoán rối loạn khí sắc dựa trên việc xác định các yếu tố gây căng thẳng

Các loại rối loạn khí sắc

DSM-5 liệt kê 6 loại rối loạn khí sắc khác nhau. Mặc dù tất cả đều liên quan đến nhau, nhưng mỗi loại có những dấu hiệu và triệu chứng riêng. Các loại rối loạn khí sắc bao gồm:

  • Tâm trạng chán nản: Các triệu chứng chủ yếu bao gồm cảm giác buồn, nước mắt, vô vọng và thiếu khoái cảm trong những điều bạn từng yêu thích.
  • Sự lo lắng: Các triệu chứng chủ yếu bao gồm hồi hộp, lo lắng, khó tập trung hoặc ghi nhớ mọi thứ và cảm thấy quá tải. Trẻ em mắc chứng rối loạn khí sắc với sự lo lắng có thể rất sợ bị tách khỏi cha mẹ và người thân.
  • Sự lo lắng kết hợp tâm trạng chán nản: Các triệu chứng bao gồm sự kết hợp của trầm cảm và lo lắng.
  • Sự xáo trộn về hành vi: Các triệu chứng chủ yếu liên quan đến các vấn đề hành vi như đánh nhau hoặc lái xe liều lĩnh. Thanh niên có thể bỏ học hoặc phá hoại tài sản.
  • Sự xáo trộn hỗn hợp của cảm xúc và hành vi: Các triệu chứng bao gồm một hỗn hợp của trầm cảm và lo lắng cũng như các vấn đề hành vi.
  • Không xác định: Các triệu chứng không phù hợp với các loại rối loạn khí sắc khác, nhưng thường bao gồm các vấn đề về thể chất, các vấn đề với gia đình hoặc bạn bè hoặc các vấn đề về công việc hoặc trường học.

Thời gian kéo dài triệu chứng

Thời gian xuất hiện và kéo dài các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn khí sắc ở mỗi người là khác nhau. Rối loạn khí sắc có thể là:

  • Cấp tính: Dấu hiệu và triệu chứng kéo dài 6 tháng hoặc ít hơn. Các triệu chứng giảm bớt khi các yếu tố gây căng thẳng được loại bỏ.
  • Mãn tính: Các dấu hiệu và triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng. Các triệu chứng tiếp tục gây phiền toái và làm gián đoạn cuộc sống của bạn.

8. Điều trị rối loạn khí sắc

8.1 Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu, còn được gọi là liệu pháp nói chuyện, là phương pháp điều trị chính cho các rối loạn khí sắc. Các phương pháp trị liệu có thể được cung cấp như trị liệu cá nhân, nhóm hoặc gia đình. Trị liệu có thể:

  • Hỗ trợ cảm xúc
  • Giúp bạn trở lại với thói quen bình thường
  • Giúp tìm hiểu lý do tại sao sự kiện gây căng thẳng ảnh hưởng nhiều đến bạn
  • Giúp bạn học các kỹ năng quản lý căng thẳng và đối phó với các sự kiện gây căng thẳng

8.2 Thuốc

Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu có thể được thêm vào để giúp giảm triệu chứng trầm cảm và lo lắng.

Bạn có thể chỉ cần dùng thuốc trong một vài tháng, nhưng đừng ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có sự cho phép của bác sĩ. Nếu dừng đột ngột, một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc.

Thuốc
Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu có thể được thêm vào để giúp giảm triệu chứng trầm cảm và lo lắng

9. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

9.1 Mẹo để cải thiện khả năng phục hồi

Khả năng phục hồi là khả năng thích ứng tốt với căng thẳng, nghịch cảnh, chấn thương hoặc bi kịch. Về cơ bản, khả năng phục hồi có được sau khi vượt qua một sự kiện khó khăn. Xây dựng khả năng phục hồi có thể khác nhau tùy theo từng người:

  • Luôn kết nối với các hỗ trợ xã hội lành mạnh như bạn bè tích cực và những người thân yêu.
  • Làm điều gì đó mang lại cho bạn cảm giác hoàn thành, thích thú và có mục đích mỗi ngày.
  • Sống một lối sống lành mạnh bao gồm có giấc ngủ ngon, chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.
  • Học hỏi kinh nghiệm trong quá khứ về cách bạn có thể cải thiện kỹ năng vượt qua nghịch cảnh.
  • Vẫn hy vọng về tương lai và phấn đấu với một thái độ tích cực.
  • Nhận thức và phát triển thế mạnh cá nhân
  • Đối mặt với nỗi sợ hãi và chấp nhận thách thức.
  • Lập một kế hoạch để giải quyết các vấn đề khi chúng xảy ra, thay vì né tránh chúng.

9.2 Tìm hỗ trợ

Tìm sự hỗ trợ như nói chuyện với gia đình và bạn bè, nhận được hỗ trợ từ cộng đồng hoặc tìm một nhóm hỗ trợ hướng đến tình huống mà bạn đang phải đối mặt.

9.3 Nói chuyện với con về các sự việc gây căng thẳng

Nếu con bạn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, hãy thử nhẹ nhàng khuyến khích bé nói về những gì đang trải qua. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng nói về một sự thay đổi khó khăn, chẳng hạn như ly hôn, sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy tồi tệ hơn. Nhưng trẻ cần có cơ hội để bày tỏ cảm giác đau buồn và nghe lời trấn an của bạn rằng bạn sẽ vẫn là nguồn yêu thương và hỗ trợ cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org và Ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan