Bài viết bởi Bác sĩ Triệu Thị Hồng Thái - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hội chứng hít phân su (MAS- meconium aspiration syndrome) xảy ra khi trẻ gặp vấn đề về hô hấp do hít phân su vào phổi. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ hít phân su có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Phân su là gì?
Phân su là phân lúc mới sinh của trẻ, Nó quánh, dính, xanh rêu đậm. Chúng được tạo nên bởi các tế bào, protein, các chất bài tiết ruột như mật. Trẻ sơ sinh thường bài phân su ở những giờ đầu sau sinh. Tuy nhiên, có 1 số bé bài phân su từ lúc còn trong bụng mẹ, ở những tháng cuối thai kỳ. Tỷ lệ hít phân su gặp nhiều ở trẻ sau 40 tuần.
2. Hội chứng hít phân su nguy hiểm như thế nào?
Hội chứng hít phân su (MAS- meconium aspiration syndrome) xảy ra khi trẻ gặp vấn đề về hô hấp do hít phân su vào phổi.
Phân su sẽ làm trẻ khó thở do:
- Gây bít tắc đường thở và có thể dẫn tới tràn khí màng phổi
- Thiếu oxy, tăng áp động mạch phổi dai dẳng
- Nhiễm trùng (gần nửa các trường hợp phân su chứa các vi khuẩn, nhất là gram âm, độc tố vi khuẩn)
- Làm tổn thương đường thở và nhu mô phổi (hủy hoại tế bào)
- Bất hoạt chất nở phổi (surfactant) - lớp lót mặt trong phế nang giúp phổi nở sau khi trẻ sinh
3. Nguyên nhân hội chứng hít phân su
Hội chứng hít phân su xảy ra khi đứa trẻ chịu stress (thiếu oxy, nhiễm trùng) và thở trong khi vẫn trong tử cung và ngay sau sinh, hay khi trẻ bắt đầu có những nhịp thở đầu tiên sau sinh. Khi thở trẻ có thể sẽ hít nước ối lẫn phân su vào phổi
Trẻ sẽ có nguy cơ bài phân su trước sinh khi:
- Cuộc sinh kéo dài và sinh khó
- Quá ngày sinh
- Mẹ có vấn đề về sức khỏe: như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp
- Mẹ hút thuốc lá hay sử dụng thuốc trong quá trình mang thai
- Trẻ chậm phát triển trong tử cung
4. Triệu chứng của trẻ hít phân su
Trước sinh, bác sĩ có thể nhận biết 1 trong các biểu hiện sau:
- Nước ối lẫn phân su
- Trẻ có nhuốm phân su trên da
- Trẻ thở yếu và nhịp tim chậm
- Trẻ ít vận động
5. Chẩn đoán hội chứng hít phân su thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng hít phân su nếu trẻ khó thở sau sinh, nước ối có lẫn phân su mà không tìm thấy nguyên nhân khác. Chụp phim X quang để có thể khẳng định chẩn đoán. Bác sĩ có thể sẽ làm 1 số test để chắc chắn không có nguyên nhân khác gây ra khó thở của trẻ như vấn đề tim mạch hay viêm phổi.
6. Điều trị hội chứng hít phân su như thế nào?
Hầu hết các trẻ cần điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực (NICU). Những trẻ cần nhu cầu oxy cao nhưng vẫn gắng sức nhiều sẽ cần hỗ trợ của máy thở. Những trẻ hít phân su nặng cần những điều trị nhiều hơn như:
- Bơm surfactan giúp nở phổi
- Duy trì huyết áp bằng thuốc vận mạch
- Sử dụng kháng sinh và điều trị hỗ trợ khác
- Hít iNO (chất khí trộn cùng oxy khi thở giúp giãn các mạch máu phổi và tăng khả năng trao đổi oxy)
Các trường hợp quá nặng: Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO- extracorporeal membrane oxygenation). ECMO có hệ thống bơm như quả tim bơm máu đến trao đổi oxy tại phổi nhân tạo.Phổi nhân tạo lấy oxy vafthair CO2 ra. Sau đó máy sẽ bơm máu lại cơ thể bệnh nhân.
Hầu hết trẻ hít phân su sẽ tốt lên sau vài ngày hoặc vài tuần, phụ thuộc vào lượng phân su trẻ hít phải.
7. Có thể phòng được hội chứng hít phân su không?
Kiểm soát thai nghén chặt chẽ, nhất là sau 37 tuần,bác sĩ có thể phát hiện thai có stress không (dấu hiệu suy thai). Phát hiện sớm, can thiệp sớm. Nếu sản phụ vỡ ối và nhận thấy ối màu xanh rêu, bạn cần phải báo với bác sĩ vì đó là dấu hiệu ối có lẫn phân su.
8. Vấn đề khác bạn cần biết
Những trẻ hít phân su nặng được cứu nhiều hơn nhiều khi có những hỗ trợ mới ECMO, thở iNO. Tuy nhiên thời gian điều trị tích cực kéo dài, hồi phục lâu.và chi phí điều trị cao.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.