Nguyên nhân và ảnh hưởng của kháng insulin ở người tiểu đường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Cố vấn chuyên môn, Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Kháng insulin là tình trạng tế bào tổ chức của cơ thể cần một lượng insulin cao hơn bình thường, Tổ chức Y tế Thế giới đã quy định, bệnh nhân tiểu đường có tình trạng kháng insulin là khi phải dùng lượng insulin cao trên 60 đơn vị/ngày. Có 3 mức độ kháng insulin: nhẹ (không quá 80-125 đơn vị/ngày), trung bình (125-200 đơn vị/ngày), và nặng (trên 200).

1. Nguyên nhân kháng insulin

Tình trạng kháng insulin được chia làm hai loại: do miễn dịch và không do miễn dịch.

1.1 Kháng insulin do cơ thể miễn dịch

Nhiều kháng thể kháng insulin lưu hành trong máu, khi kết hợp với insulin từ ngoài đưa vào sẽ ức chế tác dụng của insulin, gây nên tình trạng kháng insulin miễn dịch. Trên thực tế, hầu như các bệnh nhân điều trị insulin đều có kháng thể kháng insulin lưu hành trong máu, nhưng ở nồng độ thấp nên thường không có biểu hiện gì.

1.2 Kháng insulin không do cơ chế miễn dịch

Gồm những rối loạn chuyển hóa và nội tiết, trong đó insulin bị ức chế bởi các chất có hoạt tính kháng insulin như men insulinaza, các axit béo tự do... Có hai dạng: cấp tính là tình trạng kháng insulin xuất hiện sớm và nhu cầu insulin tăng cao trong một vài ngày. Mạn tính gặp ở những thể tiểu đường kín đáo hoặc rối loạn nạp glucoza (bệnh béo phì, cường giáp...).

Nhu cầu insulin của người bệnh luôn cao, cơ chế kháng insulin chưa rõ ràng. Nếu bệnh chính được điều trị có hiệu quả thì tình trạng kháng insulin cũng sẽ hết.

2. Ảnh hưởng của kháng insulin tới cơ thể

Không may là kháng insulin thường không có triệu chứng rõ ràng. Bạn có thể bị kháng insulin trong nhiều năm mà không hề hay biết, đặc biệt là nếu bạn không thường xuyên kiểm tra đường huyết.

Một số người, tình trạng kháng insulin có thể phát triển thành bệnh gai đen. Bệnh có triệu chứng là những mảng tối màu ở cổ, háng và nách. Bệnh gai đen là dấu hiệu điển hình của kháng insulin, có nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường tuýp 2. Bệnh gai đen không có phương pháp điều trị, nhưng nếu bạn xử lý được nguyên nhân gây bệnh, màu da có thể trở lại bình thường.

Kháng insulin có thể gây tổn hại tiềm ẩn đến mạch máu, có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Nguyên nhân và ảnh hưởng của kháng insulin ở người tiểu đường
Kháng insulin có thể gây tổn hại tiềm ẩn đến mạch máu, có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ

Cũng giống như kháng insulin, những người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể không cảm thấy được bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường thông thường bao gồm cảm giác khát nước và đi tiểu thường xuyên. Bạn có thể ăn uống bình thường, hoặc thậm chí ăn nhiều hơn nhu cầu cơ thể, và vẫn cảm thấy đói nếu bị bệnh. Tiểu đường tuýp 2 cũng có thể gây ra các vấn đề thần kinh dẫn đến cảm giác ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường nếu không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.

3. Kháng insulin ở người tiểu đường phát hiện thông qua đâu?

Nếu không có triệu chứng rõ ràng, tình trạng kháng insulin (tiểu đường và tiền tiểu đường) thường được phát hiện thông qua xét nghiệm máu.

Một phương pháp để chẩn đoán tiểu đường hoặc tiền tiểu đường là xét nghiệm A1C. Xét nghiệm này cung cấp số liệu để bạn xác định được mức trung bình lượng đường trong máu của bạn trong vòng 2–3 tháng trước. Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi tiến hành xét nghiệm này. Kết quả A1c dưới 5,6% được xem là bình thường. Kết quả A1C trong khoảng 5,7 và 6,4% chỉ ra tiền tiểu đường. Kết quả A1C bằng hoặc trên 6,5% chỉ ra bệnh tiểu đường. Bác sĩ có thể tiến hành làm lại xét nghiệm này vào một ngày khác để xác định chẩn đoán.

Ngoài xét nghiệm A1C, các xét nghiệm máu khác cũng có thể kiểm tra lượng đường trong máu của bạn. Xét nghiệm đường huyết lúc đói - tiến hành sau khi nhịn ăn hoặc uống ít nhất 8 giờ - sẽ cung cấp chỉ số lượng đường trong máu lúc đói của bạn. Nếu kết quả đưa ra chỉ số cao có thể cần đến xét nghiệm lần hai để xác nhận chỉ số này một vài ngày sau đó.

Nếu hai xét nghiệm cho thấy nồng độ glucose trong máu đều cao, bạn được chẩn đoán bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Lượng đường trong máu lúc đói dưới 100 mg/dl được coi là bình thường. Mức độ giữa 100 và 125 mg/dl cho chẩn đoán tiền tiểu đường. Mức độ bằng hoặc lớn hơn 126 mg/dl cho chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2.

Bạn có thể kiểm tra nồng độ glucose trong máu bất kỳ thời gian trong ngày. Đối với các xét nghiệm “ngẫu nhiên” này, lượng đường trong máu dưới 140 mg/dl được coi là bình thường, mức độ giữa 140 và 199 mg/dl cho chẩn đoán tiền tiểu đường, và mức ngang bằng hoặc hơn 200 mg/dl cho chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các xét nghiệm bệnh tiểu đường nên bắt đầu ở độ tuổi 45, cùng với các xét nghiệm cholesterol và các dấu hiệu khác về sức khỏe thông thường. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sớm hơn, nếu bạn đang bị thừa cân và:

  • Sống một lối sống ít vận động.
  • Có nồng độ (HDL) tốt thấp hoặc nồng độ triglyceride cao.
  • Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường.
  • Là người Mỹ gốc Ấn, người Mỹ gốc Phi, Mỹ La tinh, Mỹ gốc Á hoặc Thái Bình Dương.
  • Có huyết áp cao (140/90 mmHg hoặc cao hơn).
  • Có các triệu chứng kháng insulin.
  • Đã được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường thai kỳ (một tình trạng tạm thời phát triển trong khi mang thai).
  • Sinh con nặng hơn 4 kg.

Ngay cả khi kết quả xét nghiệm của bạn trở lại ở mức bình thường, bạn vẫn nên kiểm tra đường huyết ít nhất ba năm một lần.

Nguyên nhân và ảnh hưởng của kháng insulin ở người tiểu đường
Xét nghiệm nồng độ glucose trong máu

Điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng chẩn đoán kháng insulin hay tiểu đường là một cảnh báo. Những tình trạng ban đầu của bệnh có thể được cải thiện nếu bạn lựa chọn lối sống lành mạnh, và bạn có thể ngăn ngừa được bệnh tiểu đường tuýp 2. Điều này là rất quan trọng, bởi vì các biến chứng từ bệnh tiểu đường không chỉ bao gồm bệnh về tim mạch, mà còn các vấn đề về thận, mắt và hệ thống thần kinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan