Hỏi
Chào bác sĩ,
Tôi bệnh tiểu đường 15 năm nay và đang điều trị theo phương pháp không dùng thuốc, kết hợp ăn uống và luyện tập. Chỉ số đường huyết lúc đói: 8.5 mmol/L, HbA1Cb: 7%. Bác sĩ cho tôi hỏi, HbA1Cb: 7%, chỉ số đường huyết lúc đói: 8.5 mmol/L có phải bị tiểu đường không?
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chào bạn,
Với câu hỏi “HbA1Cb: 7%, chỉ số đường huyết lúc đói: 8.5 mmol/L có phải bị tiểu đường không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bệnh tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Chỉ số đường huyết được phân thành 4 loại: đường huyết bất kỳ, đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn 1h và sau ăn 2h và đường huyết được thể hiện qua chỉ số HbA1C.
Chỉ số đường huyết lúc đói được đo lần đầu vào buổi sáng nhịn ăn ít nhất 8h trở nên lúc đó bạn chưa ăn hay uống bất kỳ loại thực phẩm nào. Đường huyết lúc đói mục tiêu là: 4-7.2 mmol/L, HbA1c mục tiêu: 6.5-7%. Đường huyết trong máu lúc đói của bạn chưa đạt mục tiêu. Bạn cần khám bác sĩ nội tiết để hiểu cơ chế đái tháo đường và rút ra phương pháp tốt nhất cho bản thân. Ngoài ra, để duy trì mức độ đường huyết ổn định lành mạnh cần có chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và duy trì một lối sống khỏe mạnh để duy trì mức đường huyết tốt. Bạn có thể tham khảo một số cách sau để giúp đường huyết ổn định hơn:
Bổ sung thực phẩm màu xanh và đỏ tươi: Các loại thực phẩm có chứa anthocyanins có trong các thực phẩm màu xanh và đỏ tươi như: nho, dâu và quả mọng giúp kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn.
- Theo dõi đường huyết thường xuyên và đều đặn.
- Uống đều đặn thuốc hạ đường huyết hay tiêm insulin: Cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, tuân thủ theo đơn thuốc, lộ trình điều trị của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay thêm thuốc mới mà không có sự đồng ý của bác sĩ;
- Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần: Thành phần dinh dưỡng hàng ngày được khuyến nghị là glucid 50- 60%, protid 15- 20%, lipid 20 – 30% tổng số calo trong ngày. Đặc biệt không được bỏ qua bữa sáng do ăn sáng giúp ổn định lượng đường huyết suốt cả ngày. Kết hợp lành mạnh protein, tinh bột và chất béo cộng với các loại trái cây hoặc các loại hạt sẽ giúp bạn duy trì một lượng đường huyết ổn định;
- Tập thể dục: Bạn nên tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần, lưu ý kiểm tra đường huyết, huyết áp, tình trạng tim mạch trước khi tập. Việc đổ mồ hôi trong khi tập thể dục giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Khi duy trì một chế độ tập luyện phù hợp lâu dài, các tế bào sẽ trở nên nhạy cảm hơn với insulin.
- Uống sữa: Các sản phẩm từ sữa góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ kháng insulin, vì các protein và enzyme trong sữa đã làm chậm sự chuyển hóa lượng đường trong thức ăn thành lượng đường trong máu. Uống sữa mỗi ngày có thể giảm được nguy cơ kháng insulin lên tới 20%.
Nếu bạn còn thắc mắc về tiểu đường, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.