Lưu ý khi điều trị rối loạn lipid máu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Điều trị rối loạn lipid máu phải bao gồm thay đổi lối sống, hạn chế các yếu tố nguy cơ và điều trị bằng thuốc. Trong đó, Statin với nhiều loại biệt dược đa dạng là nhóm thuốc hạ lipid máu hiệu quả và được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

1. Nguyên tắc điều trị rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là nguyên nhân của nhiều vấn đề trong cơ thể, mà điển hình nhất là gan nhiễm mỡ và bệnh xơ vữa động mạch. Trong đó, các bệnh tim mạch xơ vữa được coi là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hiện nay.

Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng rối loạn lipid máu:

  • Yếu tố không điều chỉnh được: như tuổi tác, giới tính
  • Yếu tố có thể điều chỉnh được: Trên thực tế, đây là nhóm yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng nhiều nhất đến tình trạng mỡ máu. Hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt thất thường, căng thẳng quá độ chính là những yếu tố làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh rối loạn lipid máu, tim mạch trong những năm gần đây. Ngoài ra, một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường,... cũng là những yếu tố khiến bệnh tiến triển

Do đó, muốn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, phải chú trọng điều chỉnh và điều trị toàn diện “các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được”. Nguyên tắc điều trị rối loạn lipid máu là phải có sự kết hợp giữa thay đổi lối sống để hạn chế các yếu tố nguy cơ và dùng thuốc điều trị bệnh.

2. Thay đổi lối sống


Vận động không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, mà còn giúp cải thiện tình trạng mỡ máu
Vận động không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, mà còn giúp cải thiện tình trạng mỡ máu

Thay đổi lối sống là chỉ định đầu tiên, và có vai trò vô cùng quan trọng trọng phòng ngừa và hạn chế rối loạn lipid máu.

Vận động, rèn luyện cơ thể đặc biệt hiệu quả với những người làm công việc văn phòng, ngồi nhiều một chỗ. Vận động không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, duy trì cân nặng lý tưởng mà còn giúp giảm Triglycerid và LDL cholesterol, tăng HDL-c, nhờ đó góp phần kiểm soát tốt huyết áp và lượng đường huyết.

Cường độ và thời gian tập tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Thông thường, chỉ cần luyện tập, vận động thể lực khoảng 30 - 45 phút/ngày, 5 ngày/tuần thì tình trạng mỡ máu sẽ được cải thiện rất nhiều.

Chế độ ăn uống

Hạn chế đồ ăn có nhiều mỡ thừa, năng lượng và cân bằng các chất là vô cùng quan trọng trong ăn uống, đặc biệt là với những người bị rối loạn mỡ máu hay béo phì.

Một số thực phẩm chứa nhiều acid béo bão hòa (như mỡ trong thịt heo, thịt bò, thịt cừu...), nhiều cholesterol ( lòng đỏ trứng, bơ, tôm...) cần phải được hạn chế. Thay vào đó, nên dùng các acid béo không bão hòa như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu bắp, trong mỡ cá...

Khẩu phần ăn nên có sự cân đối giữa glucid, lipid và protid. Tránh dùng nhiều glucid do có nhiều năng lượng. Ngoài ra, bổ sung thêm chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ các loại rau, củ và hoa quả; hạn chế bia - rượu cũng là những yếu tố quan trọng giúp hạn chế mỡ máu tốt hơn.

3. Điều trị bằng thuốc


Atorvastatin là một thuốc thuộc nhóm Statin
Atorvastatin là một thuốc thuộc nhóm Statin

Điều trị nội khoa sử dụng các thuốc hạ lipid máu chủ yếu thuộc các nhóm:

3.1. Nhóm statin (HMG-CoA reductase inhibitors)

Statin là thuốc quan trọng trong điều trị rối loạn mỡ máu trong dự phòng tiên phát và thứ phát bệnh xơ vữa tim mạch hiện nay.

Các thuốc statin giúp giảm nồng độ LDL-c, VLDL, TC, TG và tăng HDL-c trong máu. Ngoài ra nhóm statin còn giảm quá trình viêm của nội mạc mạch máu, giúp thoái triển mảng xơ vữa.

Liều lượng và tên các thuốc thường dùng:

  • Atorvastatin: 10-20mg/ngày, liều tối đa 80 mg/ngày.
  • Rosuvastatin: 10-20mg/ngày, liều tối đa 40 mg/ngày.
  • Simvastatin: 10-20 mg/ngày, liều tối đa 80 mg/ngày.
  • Lovastatin: 20-40 mg/ngày, liều tối đa 80 mg/ngày.
  • Fluvastatin: 20-40 mg/ngày, liều tối đa 80 mg/ngày.
  • Pravastatin: 20-40 mg/ngày, liều tối đa 80 mg/ngày.

3.2. Nhóm fibrate

Hiệu quả mạnh nhất của thuốc hạ lipid máu nhóm fibrate là làm giảm Triglycerid máu. Liều lượng và tên các thuốc thường dùng:

  • Gemfibrozil: liều thường áp dụng trên lâm sàng: 600 mg/ngày.
  • Clofibrat: 1000 mg/ngày.
  • Fenofibrat: 145 mg/ngày.

Các thuốc fibrate có thể gây một số tác dụng không mong muốn như trướng bụng đầy hơ, buồn nôn, tăng men gan. Điều này thường xảy ra khi dùng liều cao, hoặc cơ địa người già, hoặc có bệnh lý thận, gan từ trước.

Lưu ý: Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người bệnh suy gan, suy thận.

3.3. Nhóm acid Nicotinic (Niacin, vitamin PP)

Thuốc nhóm Acid nicotinic thường được chỉ định cho các trường hợp tăng LDL-C, giảm HDL-C, tăng Triglycerid.

Liều lượng và các biệt dược (Niacor, Niaspan, Slo-niacin):

  • Loại phóng thích nhanh: 100 mg/dL, liều tối đa 1000 mg/ngày.
  • Loại phóng thích nhanh: 250 mg/dL, liều tối đa 1500 mg/ngày.
  • Loại phóng thích nhanh: 500 mg/dL, liều tối đa 2000 mg/ngày.

Thận trọng khi dùng thuốc liều cao, hoặc cơ địa tuổi người già, hoặc có bệnh lý thận, gan.

3.4. Nhóm Resin (Bile acid sequestrants)

Resin làm tăng bài tiết mật và giảm cholesterol ở gan, kích thích tổng hợp thụ thể LDL-c làm tăng thải LDL-c. Do đó, thuốc nhóm Resin thường được chỉ định trong các trường hợp tăng LDL-c.

Liều lượng và tên các thuốc thường dùng:

  • Cholestyramin: 4 -8 g/ngày, liều tối đa 32 mg/ngày.
  • Colestipol: 5 -10 g/ngày, liều tối đa 40 mg/ngày.
  • Colesevelam: 3750 g/ngày, liều tối đa 4375 mg/ngày.

Sử dụng thuốc có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, táo bón.

3.5. Ezetimibe

Thuốc Ezetimibe thường được chỉ định khi LDL-c tăng.

Thuốc có tác dụng ức chế hấp thụ Triglyceride tại ruột, nhờ đó làm giảm LDL-c và tăng HDL-c. Thuốc rất ít tác dụng phụ.

Liều dùng: 10mg/ngày.

3.6. Omega 3

Omega 3 giúp tăng dị hóa Triglycerid ở gan.

Liều thường áp dụng trên lâm sàng: 3g/ngày, liều tối đa 6g/ngày.

Lưu ý: Các thuốc điều trị rối loạn lipid máu đều chuyển hóa qua gan. Do vậy trong thời gian sử dụng thuốc hạ lipid máu, cần cho các thuốc hỗ trợ và bảo vệ tế bào gan.

Phát hiện bệnh hoặc các yếu tố cảnh báo sớm giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn, tránh biến chứng về sau và đảm bảo sức khỏe.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai các gói khám Sàng lọc tim mạch từ cơ bản đến nâng cao. Tại đây, với đội ngũ y bác sỹ là các chuyên gia, hệ thống trang thiết bị hiện đại bậc nhất, khám tim mạch tại bệnh viện đa khoa quốc tế sẽ giúp quý khách hàng an tâm về sức khỏe, vững tin trong cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cục Y tế dự phòng

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe