Hầu hết người tiêu dùng thường chọn sản phẩm kem chống nắng dựa trên chỉ số chống nắng hoặc SPF của nó nên có khuynh hướng chọn các sản phẩm có giá trị SPF cao, cho rằng chúng cung cấp sự bảo vệ tốt nhất cho da khỏi tia cực tím hoặc tia UV có hại của mặt trời. Tuy nhiên, điều đó thường khác xa sự thật. Dù kem chống nắng có chỉ số SPF cao như SPF 50+ sẽ giúp bảo vệ tốt hơn một chút so với kem chống nắng có SPF thấp hơn, chúng lại cho cảm giác an toàn giả tạo, khiến người dùng dành nhiều thời gian hơn dưới ánh nắng mặt trời, làm tăng nguy cơ bị bỏng và ung thư da.
1. Các thuật ngữ trên kem chống nắng có nghĩa là gì?
SPF: Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) của kem chống nắng là thước đo mức độ bảo vệ da khỏi nguy cơ bị cháy nắng.
Chống nước: Khả năng không bị bong ra khỏi da khi bơi lội hoặc tập thể dục, miễn lớp kem chống nắng không bị lau đi. Mặc dù trên nhãn có thể ghi kem chống nắng là “chống nước 4 giờ”, người dùng vẫn cần thoa kem chống nắng sau mỗi hai giờ để duy trì mức độ bảo vệ như cũ.
Phổ rộng: Kem chống nắng phổ rộng lọc cả tia UVA và UVB. Dù chỉ có UVB là nguyên nhân chính gây cháy nắng, cả UVA và UVB đều góp phần làm tăng nguy cơ ung thư da.
Dấu '+': Dấu cộng có nghĩa là “nhiều hơn”. Ví dụ, kem chống nắng SPF50 + phải cung cấp ít nhất SPF60 trong thử nghiệm trước khi sản xuất.
2. Sự khác biệt giữa kem chống nắng SPF 50+ và các loại dưới 50 là gì?
Với suy nghĩ chỉ số SPF tỷ lệ thuận với khả năng chống nắng, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng kem chống nắng SPF 50+ chỉ cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn một chút so với kem chống nắng SPF 30. Cụ thể là SPF50 + lọc ra 98% bức xạ UVB, trong khi SPF30 đã ngăn chặn được đến 96,7% UVB.
Trong thực tế, giá trị SPF là một thước đo không đáng tin cậy về hiệu quả của kem chống nắng. Một loại kem chống nắng tốt sẽ cung cấp khả năng bảo vệ phổ rộng như nhau chống lại cả tia UVA và UVB. Tuy nhiên, giá trị SPF chỉ phản ánh mức độ bảo vệ của sản phẩm khỏi tia UVB, nguyên nhân chính gây ra cháy nắng và ung thư da không phải hắc tố, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào vảy. Giá trị SPF không phản ánh khả năng bảo vệ sản phẩm khỏi các tia UV có hại khác, chẳng hạn như tia UVA, xâm nhập vào da sâu hơn và có liên quan đến lão hóa da và ung thư.
Bên cạnh đó, giá trị SPF cũng không đáng tin cậy vì phương pháp thử nghiệm mà các công ty bắt buộc phải sử dụng để xác định giá trị SPF của sản phẩm là không chính xác. Các phương pháp thử nghiệm yêu cầu một người nào đó xác định sự thay đổi màu đỏ da của một số ít người tham gia tiếp xúc với tia UV trong phòng thí nghiệm. Các kết quả này có thể khác nhau dựa trên người đánh giá, thiết bị đo kiểm tra hoặc loại da của người tham gia. Và điều kiện kiểm tra SPF được sử dụng để ghi nhãn đánh giá quá cao đáng kể khả năng bảo vệ được cung cấp khi sử dụng thực tế ở ngoài trời.
Mặt khác, các sản phẩm có giá trị SPF lớn hơn 50+ cũng có xu hướng mang lại cho người dùng cảm giác an toàn sai lầm. Vì dùng kem chống nắng có SPF cao không chỉ bảo vệ da quá mức mà còn có thể khiến người tiêu dùng vô tình tiếp xúc quá mức với tia UVA và làm tăng nguy cơ ung thư. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều người có khả năng cao đã sử dụng các sản phẩm có SPF cao không đúng cách và do đó, nguy cơ phơi nhiễm bức xạ tia cực tím cao hơn so với người dùng kem có giá trị SPF thấp hơn.
Đồng thời, các kem chống nắng có SPF cao có thể gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe hơn do đòi hỏi nồng độ hóa chất lọc ánh nắng cao hơn so với sản phẩm có SPF thấp. Một số thành phần này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe khi chúng xâm nhập vào da và có liên quan đến tổn thương mô và phá vỡ nội tiết tố tiềm ẩn. Một số có thể gây ra các phản ứng dị ứng trên da. Nếu các nghiên cứu chỉ ra rằng các sản phẩm có SPF cao giúp giảm tổn thương da và nguy cơ ung thư da tốt hơn thì việc tiếp xúc thêm với hóa chất có thể là chính đáng nhưng thực tế không phải như thế.
Dù vậy, kem chống nắng SPF50 + vẫn có thể được sử dụng như với bất kỳ loại kem chống nắng nào khác. Tuy nhiên, người dùng cần tuân thủ các khuyến nghị để đạt được hiệu quả bảo vệ da tối ưu. Khi được sử dụng đúng cách, kem chống nắng có giá trị SPF từ 30 đến 50 nên được chọn, giúp cung cấp khả năng chống nắng đầy đủ, ngay cả đối với những người có làn da nhạy cảm nhất ánh nắng nhất.
3. Cách sử dụng kem chống nắng đúng cách như thế nào?
Các chuyên da Da liễu hay Ung thư da khuyến cáo sử dụng kem chống nắng mỗi ngày vào những ngày mà chỉ số UV được dự báo là 3 hoặc cao hơn. Lúc này, kem chống nắng nên là một phần của thói quen buổi sáng hàng ngày trước khi ra ngoài trời vào những ngày này. Việc lựa chọn sử dụng bất kỳ loại kem chống nắng nào được dán nhãn phổ rộng, chống nước và SPF 30 trở lên đều được khuyến khích, thay vì chỉ riêng kem chống nắng SPF 50+. Đồng thời, cần nhớ cũng kiểm tra hạn sử dụng, vì các sản phẩm đã quá hạn sử dụng sẽ không có tác dụng bảo vệ thích hợp.
Bên cạnh đó, người dùng nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài trời 20 phút. Đối với người lớn, lượng thoa kem chống nắng được khuyến nghị là 5mL (khoảng một thìa cà phê) cho mỗi cánh tay, chân, thân trước, lưng và mặt (bao gồm cả cổ và tai). Điều đó tương đương với tổng cộng 35mL (khoảng bảy muỗng cà phê) cho một lần bôi kem toàn thân. Cần thoa lại ít nhất hai giờ một lần, bất kể khả năng chống thấm nước của kem chống nắng và nên thoa lại sau khi bơi lội, chơi thể thao, đổ mồ hôi nhiều và cần lau khô người với khăn.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng kem chống nắng phải luôn được sử dụng kết hợp với các biện pháp bảo vệ chống nắng khác, bao gồm đội mũ chống nắng, quần áo bảo hộ, kính râm và tìm kiếm bóng râm.
Tóm lại, SPF chỉ đo lường sự bảo vệ khỏi bức xạ UVB mà không liên quan gì đến bức xạ UVA xuyên sâu. Đây là một nhược điểm lớn của các sản phẩm kem chống nắng SPF 50+ hay cao hơn. Theo đó, dù đã dùng kem chống nắng SPF 50+, làn da vẫn có thể bị tổn thương bởi liều lượng bức xạ UVA. Vì vậy, để đảm bảo da được bảo vệ như nhau khỏi cả hai loại bức xạ, bên cạnh việc dùng kem chống nắng, mũ, kính râm và quần áo che nắng cũng phải là một phần trong các cách bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời đáng được quan tâm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: ewg.org, businessinsider.com