Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm là các thông tin người dùng mỹ phẩm cần nắm rõ vì các trường hợp dị ứng da do mỹ phẩm ngày càng tăng và có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng. Hiện nay, trên thị trường mỹ phẩm có rất nhiều sản phẩm khác nhau và mức giá cũng dao động từ bình dân đến cao cấp. Điều này mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng đồng thời cũng tăng nguy cơ dị ứng da. Để hiểu rõ hơn về dị ứng da do mỹ phẩm là gì, làm thế nào để nhận biết da có dị ứng với mỹ phẩm, người bệnh cần tìm hiểu kỹ hơn về cơ chế dị ứng và các dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm điển hình.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dị ứng mỹ phẩm là gì?
Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng da bị tổn thương từ nhẹ đến nặng do các thành phần có trong các sản phẩm làm đẹp hoặc chăm sóc da. Các thành phần gây dị ứng da bao gồm paraben (chất bảo quản), perfume (hương liệu), chì, cồn, mineral oil/paraffin (dầu khoáng)... Những thành phần này có thể gây bít lỗ chân lông, kích ứng và làm phát sinh các triệu chứng dị ứng da.
Nguyên nhân chính gây dị ứng mỹ phẩm bao gồm:
- Sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với loại dan.
- Sử dụng mỹ phẩm không đúng cách.
Các loại mỹ phẩm dễ gây kích ứng da thường bao gồm:
- Nước hoa.
- Thuốc mọc tóc.
- Kem làm trắng da, kem ngăn nếp nhăn, kem chống nắng.
- Kem hạn chế mọc lông.
- Kem dưỡng tóc.
- Thuốc nhuộm tóc.
- Đồ trang điểm, kem lót, son môi.
- Kem trị mụn trứng cá.
- Dung dịch vệ sinh, sữa tắm, thuốc khử mùi và giảm mồ hôi…
2. Cách nhận biết dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm
Để nhận biết dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm, người bệnh nên quan sát tình trạng và biểu hiện trên làn da của mình. Da mặt thường nhạy cảm, mỏng và dễ tổn thương hơn so với các khu vực khác trên cơ thể.
Việc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp hoặc không đúng cách có thể gây ra các phản ứng như kích ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa, mề đay, mụn mủ, sẩn ngứa và ngứa ngáy.
Các triệu chứng dị ứng da nhẹ thường giảm sau 1-2 ngày ngừng sử dụng sản phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, dị ứng mỹ phẩm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như sưng viêm, nổi mụn mủ, bong tróc da và da khô ráp.
Có một số cách cụ thể để nhận biết dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm bao gồm:
- Mụn trứng cá: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xảy ra do sử dụng mỹ phẩm làm bít lỗ chân lông, gây ứ đọng chất bã nhờn và hình thành mụn trứng cá.
- Viêm da dị ứng: Viêm da dị ứng là dạng dị ứng nghiêm trọng hơn, biểu hiện bằng các mảng hồng ban kèm theo mụn nước và ngứa, thường xuất hiện tại vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm.
- Mề đay: Mề đay biểu hiện bằng những nốt sẩn phù nổi gồ trên da, thường đi kèm với cảm giác ngứa.
- Viêm da tiếp xúc: Thường biểu hiện dưới dạng mảng hồng ban giới hạn rõ kèm theo mụn nước và ngứa ngáy. Bệnh còn hay được gọi là chàm tiếp xúc.
- Da khô và tróc vảy.
- Teo da: Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm này thường xuất hiện ở người sử dụng thuốc Corticoid kéo dài.
- Sạm da: Làn da bị tăng sắc tố, thường do mất lớp bảo vệ da tự nhiên.
- Lão hóa da: Da dễ bị khô, nhăn nheo, xuất hiện đốm nâu, nhám và tăng sừng do ảnh hưởng của các thành phần trong mỹ phẩm.
3. Làm gì khi da bị dị ứng mỹ phẩm?
Khi người bệnh sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào và nhận thấy các dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức. Sau đó, người bệnh nên sử dụng nước để rửa sạch và loại bỏ lớp mỹ phẩm trên da.
Dưới đây là chi tiết các bước xử lý khi bị dị ứng da do mỹ phẩm:
- Làm sạch da: Người bệnh nên sử dụng nước muối sinh lý natri clorua hoặc nước sạch kết hợp với khăn mềm để lau da khô, loại bỏ lớp mỹ phẩm đang còn lại trên da.
- Làm dịu da: Đối với da bị kích ứng, người bệnh có thể sử dụng một viên đá được quấn trong khăn sạch, nhẹ nhàng lăn lên da để làm dịu. Sau đó, rửa sạch lại bằng nước và tránh sử dụng sữa rửa mặt hoặc bất kỳ sản phẩm làm dịu da nào khác.
- Ngưng sử dụng mỹ phẩm gây kích ứng: Để da có thời gian tự phục hồi, người bệnh hãy tạm ngưng sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm gây dị ứng. Trong thời gian này, người bệnh nên kiểm tra và loại bỏ các sản phẩm mỹ phẩm đã sử dụng trong vòng 7-10 ngày gần đây để xác định nguyên nhân gây dị ứng.
- Xông mặt: Người bệnh có thể sử dụng các biện pháp xông mặt giúp da thông thoáng và giải độc như xông mặt thiên nhiên bằng trà xanh, tía tô, ngải cứu hoặc bạc hà. Trong trường hợp dị ứng với mỹ phẩm, trà xanh là sự lựa chọn tốt nhất.
- Uống nước đầy đủ: Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể tăng quá trình trao đổi chất và loại bỏ độc tố ra ngoài, loại bỏ các dấu hiệu dị ứng mỹ phẫm cũng như làm cho làn da trở nên khỏe mạnh, sáng bóng. Người bệnh nên đảm bảo uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để duy trì sức khỏe cho da.
Thường thì khi ngừng sử dụng mỹ phẩm, các dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm sẽ dần giảm và biến mất. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dị ứng da nặng, người bệnh cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Bác sĩ có thể chỉ định việc sử dụng các loại thuốc có chứa corticoid như Eumovate, Flucinar, Dermovat (đối với viêm da tiếp xúc) hoặc các thuốc kháng dị ứng như Clarytine, Cezil, Celestamine, Peritol, Pipolphen, Semprex nếu tình trạng dị ứng nặng hơn.
Người bệnh không nên quá lo lắng vì thường sau 3 ngày điều trị, các triệu chứng dị ứng da sẽ giảm dần và hết hoàn toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.