Dinh dưỡng ở bệnh nhân khoa hồi sức

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương Nam - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Liệu pháp dinh dưỡng phù hợp trong ICU là một loại “ thuốc” nhằm cải thiện tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân nằm tại khoa ICU. Bác sĩ khoa hồi sức cùng với bác sĩ khoa dinh dưỡng là người quyết định phương thức bổ sung dinh dưỡng, loại sản phẩm bổ sung, số lượng phù hợp với giai đoạn bệnh và hiệu quả của can thiệp.

1. Các bệnh nhân khoa hồi sức được đánh giá dinh dưỡng như thế nào?

Đầu tiên, tầm soát và đánh giá nguy cơ dinh dưỡng tại thời điểm nhập ICU của bệnh nhân. Do đặc thù của tình trạng bệnh nặng khi nhập ICU, các bác sĩ có các Thang điểm đánh giá riêng (như NUTRIC score, NRS score), khác biệt với một số thang điểm của của các khoa ngoài ICU khác.

Dựa trên nguy cơ dinh dưỡng được đánh giá qua bảng điểm và tình trạng bệnh lý Nội khoa, các bác sĩ sẽ quyết định thời điểm can thiệp dinh dưỡng là: sớm khi < 24 - 48 giờ sau nhập khoa hay trễ khi > 24 giờ - 48 giờ sau nhập khoa và phương thức nuôi ăn (qua ống tiêu hóa hay qua truyền tĩnh mạch), lượng thức ăn cũng như loại thức ăn. Các yếu tố trên sẽ được khoa hồi sức xây dựng thành quy trình nuôi ăn, nhằm mang lại lợi ích tối ưu cho bệnh nhân về mặt dinh dưỡng và điều trị bệnh lý đi kèm.

2. Các phương thức dinh dưỡng ở bệnh nhân khoa Hồi sức

2.1 Dinh dưỡng qua ống tiêu hóa

Là phương thức hỗ trợ duy trì chức năng và tính toàn vẹn của đường tiêu hóa trên bệnh nhân bệnh năng. Hiện tại, đây được xem là phương thức nuôi ăn tối ưu nếu không có chống chỉ định.

Có nhiều phương thức dinh dưỡng qua ống tiêu hóa như:

  • Ăn qua đường miệng : dành cho bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn
  • Nuôi ăn qua sonde mũi – dạ dày: Bệnh nhân vì lý do bệnh lý phải đặt nội khí quản thở máy hoặc không tỉnh táo các bác sĩ sẽ đặt 1 ống sonde nhựa mềm đi từ mũi xuống dạ dày để bơm thức ăn vào dạ dày nuôi dưỡng như ăn đường miệng.
Dinh dưỡng qua ống tiêu hóa
Sonde mũi dạ dày là phương pháp cung cấp dinh dưỡng qua ống tiêu hóa cho người bệnh

  • Nuôi ăn qua sonde dạ dày – hỗng hồi tràng: Chỉ định cho những bệnh nhân không thể đặt được ống sonde mũi dạ dày như : K thực quản, bệnh nhân cần nuôi dưỡng dài ngày... Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật đặt ống từ xuyên qua da vào dạ dày được gọi là: Mở dạ dày ra da để bơm thức ăn vào dạ dày.

2.2 Dinh dưỡng đường truyền tĩnh mạch

Tùy loại chất dinh dưỡng và sản phẩm dinh dưỡng, bác sĩ sẽ quyết định truyền tĩnh mạch ngoại biên hay trung tâm. Nuôi ăn đường tĩnh mạch chỉ được chỉ định khi có chống chỉ định nuôi ăn qua ống tiêu hóa, hoặc nuôi qua qua ống tiêu hóa không đạt mục tiêu về năng lượng do ống tiêu hóa hấp thu kém trong 1 số bệnh lý mổ cắt ruột, phẫu thuật vùng bụng giai đoạn sau hậu phẫu.

3. Các loại năng lượng cần bổ xung ở bệnh nhân khoa hồi sức

Hai mục tiêu quan trọng hiện đang được các hướng dẫn thực hành uy tín khuyến cáo là mức năng lượng (kCalo) và protein ( lượng đạm ). Thông thường, bệnh nhận trong ICU cần được cung cấp lượng protein là 1,2-2g / kg / ngày , và 25-30 kCal/kg/ngày. Các Khuyến cáo khuyên dùng các công thức giàu đạm để đáp ứng nhu cầu sử dụng protein của cơ thể ở bệnh nhân nặng.

Dinh dưỡng ở bệnh nhân tại khoa hồi sức là một trong những phương pháp điều trị tại khoa hồi sức. Dinh dưỡng góp phần vào quá trình khỏi bệnh, lành bệnh nhanh hơn và cũng là mục tiêu quan trọng trong suốt quá trình chăm sóc tại khoa hồi sức. Cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng cho những bệnh nhân bị bệnh nặng là phức tạp và đòi hỏi cập nhật kiến thức liên tục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

404 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan