Glucose 5 thường được sử dụng để cung cấp nước và bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể thông qua hình thức truyền tĩnh mạch. Việc sử dụng glucose 5 cần được tuân theo liều lượng và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ có chuyên môn. Do đó, người bệnh cần tránh tự ý truyền glucose 5 khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ vì điều này dễ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.
1. Truyền glucose 5 để làm gì?
Glucose 5 là dịch truyền tĩnh mạch, được sử dụng chủ yếu để cung cấp nước cũng như bổ sung năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, glucose 5 cũng đóng vai trò như một loại dung dịch vô trùng tiêm truyền tĩnh mạch, được sử dụng để tiêm các loại thuốc khác.
Glucose 5 thuộc loại thuốc không kê đơn, là một sản phẩm của Công ty Cổ phần hoá dược phẩm Mekophar, được bào chế dưới dạng dung dịch với quy cách đóng gói chai 250 hoặc 500ml. Mỗi chai glucose 5 có chứa các thành phần chính sau đây:
- Glucose monohydrate: Hàm lượng 12,5g (tương ứng với chai 250ml) hoặc 25g (tương ứng với chai 500ml).
- Nước cất pha tiêm vừa đủ: Hàm lượng 250ml (tương ứng với chai 250ml) hoặc 500ml (tương ứng với chai 500ml).
2. Glucose 5 có tác dụng gì?
2.1 Chỉ định truyền glucose 5 cho các trường hợp nào?
Glucose 5 thường được chỉ định sử dụng cho những trường hợp dưới đây:
- Cung cấp nước và nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể người bệnh.
- Giúp giải độc đối với những người bị nhiễm khuẩn cấp / mạn tính, ngộ độc do carbon dioxide / cyanide, thuốc ngủ, viêm gan, xơ gan, sốc hoặc trụy tim mạch.
- Được sử dụng làm chất dinh dưỡng trợ lực cho cơ thể ở những bệnh nhân bị mất máu, mất nước do nôn mửa hoặc tiêu chảy liên tục.
- Dự phòng và điều trị cho chứng bệnh nhiễm Ceton huyết đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng.
- Được sử dụng làm chất dẫn để truyền thuốc vào cơ thể người bệnh trước, trong và sau khi phẫu thuật.
- Được sử dụng nhằm làm giảm tình trạng glucose huyết.
2.2 Cơ chế tác dụng của glucose 5
Glucose đóng vai trò là đường đơn 6 carbon, có thể sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống nhằm điều trị cho các tình trạng cơ thể bị thiếu hụt dịch và đường. Sau khi vào cơ thể, glucose được hấp thu với tốc độ nhanh ở ruột. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của glucose ở những người bị hạ đường huyết thường xuất hiện 40 phút sau khi sử dụng. Ngoài ra, glucose cũng được chuyển hoá thành nước và carbon dioxyd, đồng thời giải phóng ra nguồn năng lượng cung cấp cho cơ thể.
3. Liều dùng và cách sử dụng Glucose 5
3.1 Liều lượng sử dụng Glucose 5 cho người lớn
Liều dùng Glucose 5 thường được xác định dựa trên nhu cầu của từng bệnh nhân. Trước và trong quá trình truyền glucose 5 cần theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết của người bệnh. Dưới đây là liều dùng glucose 5 cho người lớn theo khuyến cáo chung của bác sĩ:
- Dùng liều glucose 5 tối đa từ 500 – 800mg / kg thể trọng trong vòng một giờ.
- Dung dịch glucose 5% (đẳng trương với máu) được dùng để bù mất nước, do đó có thể truyền vào tĩnh mạch ngoại vi.
- Khi nồng độ dung dịch glucose > 5% (ưu trương với máu) có thể dùng để cung cấp năng lượng và truyền qua tĩnh mạch trung tâm.
- Đối với trường hợp cấp cứu hạ đường huyết, bác sĩ có thể chỉ định truyền glucose 5 vào tĩnh mạch ngoại vi với tốc độ chậm tương đương 3ml / phút.
- Đối với trường hợp nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, bác sĩ sẽ chỉ định truyền glucose 5 cùng với các dung dịch chứa nhũ tương mỡ hoặc acid amin (có thể truyền riêng lẻ hoặc dùng chai dịch truyền hỗn hợp 3 trong 1).
- Sử dụng dung dịch glucose ưu trương từ 25 – 50% nhằm giúp làm giảm áp lực não – tủy, đồng thời cải thiện tình trạng phù não do ngộ độc rượu.
- Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng insulin kèm theo, tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết của bệnh nhân để điều chỉnh liều insulin phù hợp.
3.2 Liều dùng glucose 5 cho trẻ em
Liều truyền tĩnh mạch glucose 5 cho trẻ em sẽ được xác định dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ, cụ thể:
- Liều thông thường cho trẻ bị hạ đường huyết: Trước khi truyền tĩnh mạch cần pha loãng dung dịch glucose 5, sau đó truyền tĩnh mạch ngoại vi với nồng độ cao từ 12,5 – 15%.
- Liều cho trẻ < 6 tháng tuổi: Truyền tĩnh mạch glucose 5 từ 0.25 – 0,5g / kg / liều, tránh dùng quá 25g / liều.
- Liều cho trẻ sơ sinh > 6 tháng tuổi và trẻ em: Truyền tĩnh mạch glucose 5 từ 0,5 – 1g / kg. Liều truyền tối đa có thể lên đến 25g / liều, tuy nhiên tránh vượt quá.
- Liều cho trẻ vị thành niên: Truyền tĩnh mạch glucose 5 liều từ 10 – 25g / kg.
3.3 Cách sử dụng glucose 5
Người bệnh tránh tự ý truyền dịch glucose 5 tại nhà khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Thông thường, glucose 5 sẽ được tiêm truyền tĩnh mạch tại bệnh viện hoặc phòng khám của bác sĩ có chuyên môn. Ngoài ra, glucose 5 không nên truyền tĩnh mạch cùng lúc với truyền máu.
Trong quá trình sử dụng glucose 5, người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ dẫn. Việc truyền nhanh hoặc kéo dài một lượng lớn glucose 5% có thể dẫn đến hiện tượng ngộ độc nước hoặc phù. Khi đó, người bệnh cần được cấp cứu để xử trí các triệu chứng quá liều ngay lập tức nhằm ngăn ngừa những nguy cơ đe doạ đến tính mạng.
4. Chống chỉ định truyền glucose 5 cho trường hợp nào?
Truyền tĩnh mạch glucose 5 thường không được khuyến cáo áp dụng cho những trường hợp dưới đây:
- Người bị dị ứng hoặc không dung nạp với glucose.
- Người đang gặp phải tình trạng ứ nước hoặc mất nước trong trường hợp chưa bù đủ các chất điện giải.
- Đối tượng đang bị hôn mê tăng thẩm thấu, nhiễm toan hoặc hạ kali huyết.
- Người mắc bệnh vô niệu, bị chảy máu trong tủy sống hoặc trong sọ cần tránh truyền dung dịch glucose ưu trương.
- Người bệnh bị ngộ độc rượu cấp hoặc mê sảng rượu kèm mất nước.
- Người vừa trải qua cơn tai biến mạch máu não – thời điểm đường huyết ở mức cao trong vùng thiếu máu cục bộ chuyển hoá thành acid lactic, khiến các tế bào não bị chết đi.
5. Một số tác dụng phụ khi sử dụng glucose 5
Đa phần các loại thuốc đều ít nhiều gây ra các tác dụng phụ khác nhau. Mức độ gặp phải những phản ứng sau khi dùng thuốc cũng có thể xảy ra hoặc không xảy ra ở mỗi bệnh nhân. Dưới đây là những triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải sau khi tiêm truyền tĩnh mạch glucose 5:
- Có cảm giác sưng đau hoặc đỏ tại vị trí tiêm.
- Kích ứng tĩnh mạch hoặc viêm tắc tĩnh mạch.
- Hiện tượng rối loạn nước và điện giải, bao gồm hạ phospho huyết, hạ magnesi huyết, hạ kali huyết.
- Đi tiểu nhiều.
Khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu sau đây, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ chăm sóc y tế ngay lập tức, bao gồm:
- Lúc lẫn, cơ thể suy nhược.
- Gặp các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, nổi mề đay, sưng miệng / môi / mắt / lưỡi, khó thở hoặc tức ngực.
- Người bệnh bị sưng phù bàn tay / bàn chân.
- Co giật cơ.
Danh sách trên đây vẫn chưa đầy đủ tất cả các tác dụng phụ khi muốn khi truyền glucose 5. Một số trường hợp, người bệnh có thể mắc phải những tác dụng phụ khác không được nhắc đến ở trên. Đối với trường hợp cơ thể có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được chẩn đoán và xử trí.
6. Glucose 5 tương tác với các loại thuốc nào?
Việc sử dụng glucose 5 cùng lúc với một số loại thuốc khác có thể dẫn đến phản ứng tương tác. Điều này khiến cho khả năng hoạt động của thuốc bị thay đổi, kéo theo sự gia tăng những ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Theo chuyên gia, việc sử dụng glucose 5 cùng thuốc điều trị tiểu đường có thể làm tăng mức đường huyết, đồng thời làm giảm công hiệu của thuốc tiểu đường.
Tốt nhất, người bệnh nên báo cho bác sĩ biết danh sách tất cả các loại thuốc mà bản thân đang sử dụng, bao gồm thuốc không kê đơn / kê đơn, viên uống bổ sung, vitamin hoặc thực phẩm chức năng. Bệnh nhân nên tránh tự ý sử dụng, thay đổi liều hoặc ngưng dùng glucose 5 khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ.
Ngoài thuốc trị tiểu đường, glucose 5 cũng có thể tương tác với một số loại thức ăn, thuốc lá hoặc rượu. Bên cạnh đó, một số tình trạng sức khoẻ cũng có khả năng ảnh hưởng đến công hiệu của thuốc glucose 5, bao gồm:
- Trạng thái hôn mê do tiểu đường hoặc biến chứng gan.
- Lú lẫn, các vấn đề về trí nhớ, xuất huyết cột sống hoặc trong đầu.
- Bệnh tiểu đường hoặc mức galactose cao trong máu.
7. Một số lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc Glucose 5
7.1 Thận trọng khi truyền tĩnh mạch Glucose 5
Trước khi sử dụng glucose 5, người bệnh cần cẩn trọng một số điều sau đây:
- Báo cho bác sĩ / dược sĩ biết nếu đang mắc phải tình trạng dị ứng với glucose hoặc bất kỳ thảo dược hay loại thuốc nào khác.
- Báo cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng bất kỳ thuốc điều trị bệnh, thảo dược hỗ trợ hoặc thực phẩm chức năng.
- Báo cho bác sĩ biết nếu bạn dự định mang thai, đang có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú.
- Theo dõi thường xuyên mức đường huyết, cân bằng các chất điện giải và nước. Nếu cần thiết có thể phải bổ sung các chất điện giải.
- Cần truyền dung dịch glucose theo đúng tốc độ chỉ định của bác sĩ, tránh truyền quá nhanh hoặc quá lâu dẫn đến nguy cơ phù hoặc ngộ độc nước.
7.2 Điều kiện bảo quản thuốc glucose 5
Dung dịch truyền tĩnh mạch glucose 5 cần được bảo quản ở nhiệt độ ≤ 30oC và nơi khô ráo, có độ ẩm ≤ 70% và tránh ánh sáng trực tiếp. Ngoài ra, thuốc cần được để ở nơi cao ráo, tránh tầm với của trẻ nhỏ hoặc dễ tiếp cận với vật nuôi.
Glucose 5 thường được sử dụng để cung cấp nước và bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể thông qua hình thức truyền tĩnh mạch. Việc sử dụng glucose 5 cần được tuân theo liều lượng và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.