3 bước đo đường huyết khi thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose đường uống

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản Phụ khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống để chẩn đoán đái tháo đường sẽ được đo chỉ số glucose máu tại 3 thời điểm: khi nhịn đói qua đêm, 1h và 2h sau uống dung dịch nước đường.

1. Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống là gì?

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống được hiểu là cho người bệnh uống dung dịch có vị ngọt, cụ thể là nước chứa một hàm lượng glucose 75g hoặc 100g, sau đó tiến hành lấy máu và kiểm tra. Nghiệm pháp này dùng để chẩn đoán tình trạng tiền đái tháo đường, đái tháo đường lâm sàng và đặc biệt là tiểu đường thai kỳ. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA 2016) để đọc các chỉ số kết quả xét nghiệm và dựa theo đó mà đưa ra kết luận thai phụ có mắc bệnh đái tháo đường hay không.

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống thường được chỉ định với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Đặc điểm chung của họ là béo phì (BMI ≥ 30), đã từng bị đái tháo đường trong lần mang thai trước đây hay tiền sử gia đình có người bị tiểu đường. Nghiệm pháp này không dành cho những đối tượng đã được xác định có nồng độ đường huyết cao, có các triệu chứng tiểu đường kinh điển hoặc mắc bệnh cấp tính, suy dinh dưỡng và nằm liệt giường trong vòng 3 ngày.

2. Quy trình xét nghiệm dung nạp đường huyết

2.1. Lần khám thai đầu tiên

Trong lần đầu khám thai, thai phụ thường được chỉ định đo đường huyết để sàng lọc tiểu đường. Theo tiêu chuẩn tham khảo của IADPSG (Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế), nếu giá trị glucose máu lúc đói nằm trong khoảng 5,1 - 7,0mmol/L thì thai phụ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Trong trường hợp nồng độ đường huyết thấp hơn thông số trên, người mẹ nên chờ đến tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ để tiếp tục tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.


Phụ nữ thường được chỉ định đo đường huyết để sàng lọc ngay trong lần khám thai đầu tiên
Phụ nữ thường được chỉ định đo đường huyết để sàng lọc ngay trong lần khám thai đầu tiên

2.2. Quy trình xét nghiệm dung nạp đường huyết qua 3 bước

Trước khi làm xét nghiệm, thai phụ cần nhịn ăn trong vòng 10 - 14 tiếng và không hút thuốc, sử dụng rượu bia, vận động nặng hay dùng một số loại thuốc nhất định. Tổng thời gian cho cuộc xét nghiệm có thể kéo dài đến 4 giờ đồng hồ và bệnh nhân được yêu cầu ngồi yên trong suốt quá trình đó để không làm ảnh hưởng đến kết quả.

Quy trình xét nghiệm dung nạp đường huyết được tiến hành theo 3 bước sau:

  • Bước 1: Lấy mẫu máu đầu tiên khi thai phụ vừa mới đến phòng khám. Mẫu máu này phải được đảm bảo đo lúc cơ thể đang đói và là tiêu chuẩn để so sánh với kết quả của 2 chỉ số glucose huyết sau đó.
  • Bước 2: Bệnh nhân sẽ được cho uống một loại nước đường có hàm lượng glucose phổ biến là 75g.
  • Bước 3: Thai phụ ngồi yên chờ khoảng 1 tiếng sau thì sẽ được lấy mẫu máu lần 2 để đo và ghi nhận kết quả. Lấy máu lần 3 được thực hiện tiếp sau đó 1 tiếng (2 giờ đồng hồ kể từ lúc uống glucose). Trong thời gian người làm xét nghiệm này có thể uống nước lọc nhưng cần hạn chế vận động.

Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ chẩn đoán đái tháo đường nếu có ít nhất 1 giá trị glucose vượt ngưỡng bất thường, chỉ số tham khảo cụ thể là:

  • Lớn hơn 5,1 mmol/l (tức 92 mg/dL) khi đói
  • Lớn hơn 10,0 mmol/l (tức 180 mg/dL) sau 1h
  • Lớn hơn 8,5 mmol/l (tức 153 mg/dL) sau 2h.

Nếu chỉ số glucose máu sau 2 tiếng thuộc khoảng 140-199 mg/dl, thai phụ có khả năng đang ở trạng thái tiền đái tháo đường.

3. Một số lưu ý


Thay vì quá lo lắng nếu bị tiểu đường thai kỳ, phụ nữ nên tuân thủ đúng lời khuyên của vác sĩ sản khoa để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con
Thay vì quá lo lắng nếu bị tiểu đường thai kỳ, phụ nữ nên tuân thủ đúng lời khuyên của vác sĩ sản khoa để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con

Ví dụ một thai phụ có chỉ số đường huyết vượt ngưỡng khi đói là 97 mg/dl thì bác sĩ có thể kết luận cô ấy mắc tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, cũng không cần phải quá lo lắng bởi giá trị glucose đói này chỉ tăng nhẹ. Có đến 70% trường hợp tiểu đường thai kỳ vẫn khỏe mạnh và an toàn nhờ vào chế độ dinh dưỡng, ăn kiêng khoa học, kết hợp với vận động thể chất thường xuyên và hợp lý. Một số lời khuyên người bệnh cần tuân thủ ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường bao gồm:

  • Điều chỉnh chế độ ăn: Tránh thực phẩm nhiều đường, hạn chế tinh bột và dầu mỡ. Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, xơ, vitamin, ... bằng rau xanh.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Để không gặp tình trạng ăn quá no hoặc kiêng ăn quá đói, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị tiểu đường cần chia cữ ăn trong ngày thành 5-6 bữa nhỏ.
  • Tập luyện thể dục: Có thể vận động nhẹ nhàng như đi bộ 15 – 30p mỗi ngày hoặc chọn các bài tập chuyên dành cho bà bầu ở cường độ vừa phải và đều đặn
  • Quản lý cân nặng: Bà bầu chỉ cần tăng cân vừa đủ, không để cân nặng vượt mức kiểm soát vì dinh dưỡng không hợp lý.

Đối với phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ, kiểm soát đường huyết chặt chẽ là điều quan trọng nhất. Nên thử đường máu thường xuyên, lúc đói và sau khi ăn (sáng, trưa, tối) 1 giờ đồng hồ, cũng như trước khi ngủ. Nếu không tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả người mẹ và thai nhi.

Trong trường hợp xét nghiệm dung nạp glucose đường uống cho kết quả dương tính với đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ không nên quá lo lắng mà thay vào đó là tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ sản khoa, giữ tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con. Ngược lại, nếu bác sĩ chẩn đoán thai phụ bình thường hoặc có dấu hiệu tiền đái tháo đường, cần theo dõi định kỳ mức đường huyết và khám thai đúng lịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe