Những nguyên nhân có thể gây ra suy tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có hơn 20 kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý tim mạch và Can thiệp Tim mạch.

Bệnh suy tim là căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng, vì thế việc tìm ra những vấn đề có thể gây ra suy tim kịp thời sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tim

Suy tim thường phát triển sau khi người bệnh mắc các bệnh lý khác làm tổn thương hoặc làm suy yếu tim.

Trong một số trường hợp suy tim, cơ tim của có thể bị tổn thương và suy yếu, tâm thất bị giãn ra đến mức mà tim không thể co bóp để tống máu hiệu quả đi khắp cơ thể. Theo thời gian, tim không thể đáp ứng được các yêu cầu của cơ thể như các hoạt động hằng ngày.

Phân suất tống máu (EF) là một chỉ số quan trọng thể hiện khả năng bơm máu của tim tốt như thế nào và được sử dụng để giúp phân loại suy tim và hướng dẫn điều trị. Bình thường, phân suất tống máu là 55% hoặc cao hơn - có nghĩa là hơn một nửa lượng máu lấp đầy tâm thất được bơm ra với mỗi nhịp.

Suy tim có thể xảy ra ở bên trái (tâm thất trái), bên phải (tâm thất phải) hoặc cả hai bên của tim. Thông thường, suy tim thường bắt đầu từ bên trái, đặc biệt là tâm thất trái do đây là buồng bơm chính của tim. Theo đó các nguyên nhân gây suy tim có thể kể đến như:

  • Bệnh động mạch vành và đau tim: Bệnh động mạch vành diễn ra rất phổ biến và là nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim. Bệnh này là kết quả của sự tích tụ chất béo tạo thành các mảng bám trên thành động mạch và giảm thể tích lòng mạch, khiến giảm lưu lượng máu chảy qua chỗ hẹp và có thể dẫn đến đau tim.
  • Huyết áp cao: Nếu huyết áp tăng cao, tim sẽ phải làm việc vất vả hơn mức để lưu thông máu khắp cơ thể. Theo thời gian, việc gắng sức thêm này có thể làm cho cơ tim cứng lại hoặc quá yếu dẫn đến bơm máu không hiệu quả.

Huyết áp cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn
Huyết áp cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn
  • Bệnh van tim: Van tim có nhiệm vụ giữ cho luồng máu chảy theo hướng thích hợp thông qua trái tim. Nếu van bị hỏng do dị tật bẩm sinh, bệnh động mạch vành hoặc nhiễm trùng tim sẽ dẫn đến tim phải làm việc nhiều hơn, từ đó có thể làm tim bị suy yếu theo thời gian.
  • Phì đại cơ tim có rất nhiều nguyên nhân bao gồm một số bệnh, nhiễm trùng, lạm dụng rượu và tác dụng độc hại của thuốc như cocaine hoặc một số loại thuốc dùng để hóa trị. Yếu tố di truyền cũng có thể đóng vai trò nhất định dẫn đến phì đại cơ tim.
  • Viêm cơ tim do một loại virus và có thể dẫn đến suy tim trái.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Nếu tim và các buồng tim hoặc van tim không được hình thành chính xác trong quá trình phát triển của thai nhi, khiến các bộ phận khỏe mạnh khác của tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, do đó, có thể dẫn đến suy tim.
  • Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường có thể khiến tim người bệnh đập quá nhanh, khiến tim làm việc nhiều hơn bình thường.
  • Những bệnh khác như bệnh tiểu đường, HIV, cường giáp, suy giáp hoặc bệnh thừa sắt hoặc bệnh lắng đọng amyloid ở mô cũng có thể góp phần gây ra suy tim.
  • Nguyên nhân gây suy tim cấp tính bao gồm virus tấn công cơ tim, nhiễm trùng nặng, phản ứng dị ứng, bệnh phổi như cục máu đông trong phổi, sử dụng thuốc hoặc bất kỳ bệnh nào ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

2. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh suy tim

Một yếu tố nguy cơ duy nhất cũng có thể đủ để gây ra suy tim, tuy nhiên có những người bệnh phải kết hợp nhiều yếu tố nguy cơ thì mới gây ra bệnh suy tim. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Huyết áp cao khiến tim hoạt động mạnh hơn.
  • Bệnh động mạch vành. Động mạch bị thu hẹp có thể hạn chế tim cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể, dẫn đến cơ tim bị suy yếu.
  • Đau tim. Đau tim là một dạng bệnh lý của động mạch vành nhưng xảy ra đột ngột.
  • Bệnh tiểu đường. Bị tiểu đường làm tăng nguy cơ huyết áp cao và bệnh động mạch vành.
  • Một số loại thuốc trị tiểu đường. Các thuốc điều trị tiểu đường như rosiglitazone (Avandia) và pioglitazone (Actos) đã được các nghiên cứu phát hiện có làm tăng nguy cơ suy tim ở một số người bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy, người bệnh không nên ngừng dùng các loại thuốc này. Nếu đang dùng các loại thuốc này, người bệnh nên xin ý kiến của bác sĩ về các yếu tố nguy cơ của bản thân về bệnh lý tim mạch và có cần thực hiện bất kỳ thay đổi nào không.

Thuốc trị tiểu đường nếu dùng không đúng liều có thể làm tăng nguy cơ suy tim
Thuốc trị tiểu đường nếu dùng không đúng liều có thể làm tăng nguy cơ suy tim
  • Một số loại thuốc. Một số loại thuốc có thể dẫn đến suy tim hoặc các vấn đề khác của tim như thuốc chống viêm không steroid (NSAID); một số loại thuốc gây mê; một số loại thuốc chống loạn nhịp tim; một số loại thuốc dùng để điều trị huyết áp cao, ung thư, bệnh máu, bệnh thần kinh, bệnh tâm thần, bệnh phổi, bệnh tiết niệu, viêm và nhiễm trùng; và các loại thuốc kê đơn và không kê đơn khác. Người bệnh không nên tự ngừng dùng bất cứ loại thuốc nào. Nếu có thắc mắc về các loại thuốc đang sử dụng, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào không.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ. Không thể thở đúng cách trong khi ngủ vào ban đêm dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp và tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Cả hai vấn đề này đều có thể dẫn đến suy tim.
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Bệnh hở van tim
  • Nhiễm virus có thể đã làm tổn thương cơ tim
  • Lạm dụng rượu
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì.
  • Rối loạn nhịp tim

Bệnh suy tim là căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng bệnh cho cơ thể, do đó việc thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh rất quan trọng.

Để xác định được tình trạng suy tim, mức độ suy tim, nguyên nhân gây suy tim và các bệnh đi kèm, bệnh nhân có thể lựa chọn sử dụng Gói khám suy tim tại Vinmec.

Khi lựa chọn sử dụng gói khám Suy tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa Nội tim mạch, tổng phân tích tế bào máu và nước tiểu, định lượng và đo hoạt độ các chất trong máu, điện tâm đồ, siêu âm tim thông thường và gắng sức, chụp Xquang ngực thẳng kèm theo một số dịch vụ khác.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe