Hẹp van 2 lá: Các biện pháp điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến và Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh hẹp van tim thường xảy ra khi cấu trúc các lá van bị biến dạng, thay vì thanh mảnh, mềm mại, chúng trở nên xơ cứng, dày lên hoặc dính lại với nhau khiến các lá van không thể mở ra hoàn toàn. Tất cả các van tim đều có khả năng bị hẹp nhưng thường gặp nhất là van 2 lá, 3 lá. Thông qua bài viết này, hãy cùng tìm hiểu các biện pháp điều trị hẹp van 2 lá.

1. Tổng quan về bệnh hẹp van 2 lá

Hẹp van 2 lá là căn bệnh về van tim hay gặp nhất, với tỷ lệ chiếm gần 60% các chứng bệnh về van tim. Những triệu chứng cơ bản của hẹp van 2 lá bao gồm:

  • Khó thở, đặc biệt là khó thở khi nằm và thường trầm trọng khi về đêm.
  • Có 50-80% bệnh nhân xuất hiện những cơn rung nhĩ kịch phát hay mạn tính. Từ đó gây ra phù phổi cấp và thúc đẩy nhanh quá trình suy tim, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các triệu chứng này xuất hiện khi bệnh nhân có thai hoặc bị rung nhĩ. Chính vì vậy, ở những bệnh nhân bị hẹp van 2 lá khi chưa được điều trị triệt để, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên tránh có thai.


Hình ảnh hẹp van hai lá
Hình ảnh hẹp van hai lá

2. Các biện pháp điều trị

Hẹp van 2 lá là bệnh lý tiến triển liên tục kéo dài cả đời, thường có một thời gian ổn định lúc đầu rồi tiến triển nặng nề về sau. Do vậy người bệnh cần ý thức cân bằng trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi như hạn chế tiêu thụ muối, nằm đầu cao khi ngủ, dùng thuốc chống suy tim, lợi tiểu.

Nếu bệnh nhân bị hẹp van 2 lá nặng, có thể phải sẽ phải thực hiện tạo hình tách lá van, tạo hình van hoặc thay toàn bộ van. Không phải trường hợp hẹp van nào cũng cần phẫu thuật thay van. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hoặc đáp ứng kém với thuốc điều trị, bác sĩ vẫn cần chỉ định để tránh rủi ro, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh, mặc dù chi phí phẫu thuật/mổ thay van tim hẹp hiện nay khá lớn.

Như vậy, tùy vào từng giai đoạn và từng bệnh nhân cụ thể, bệnh nhân sẽ có 3 tùy chọn cơ bản cho điều trị hẹp van 2 lá:

  • Nong van hai lá bằng bóng qua da.
  • Phẫu thuật sửa van hai lá.
  • Phẫu thuật thay van hai lá.

Lựa chọn phương pháp can thiệp nào tùy thuộc vào thương tổn từ nhẹ đến nặng của van 2 lá.

2.1. Nong van 2 lá bằng bóng Inoue

Trong hẹp van 2 lá, các lá van không còn đóng mở một cách linh hoạt như bình thường khi tim co bóp, mà lại dính vào nhau gây hạn chế khả năng đóng kín hay mở tối đa. Phương pháp nong van hai lá bằng bóng qua da sẽ cố gắng tách các lá van với nhau để làm suy giảm sự tắc nghẽn.

Nong van bằng bóng qua da là kỹ thuật đưa ống thông đầu có bóng từ tĩnh mạch chủ dưới vào nhĩ phải, chọc qua vách liên nhĩ sang nhĩ trái rồi lái xuống thất trái. Khi ở ngang mức van 2 lá, bóng sẽ được bơm lên-xuống dần theo từng cỡ tăng dần để làm nở phần eo của bóng gây tách hai mép van cho đến khi kết quả đạt như ý muốn.

Phương pháp nong hẹp van 2 lá qua da sẽ được các bác sĩ ngoại khoa khuyến khích bạn thực hiện để điều trị hẹp van 2 lá, trừ khi bệnh nhân có các vấn đề:

  • Huyết khối nhĩ trái (cục máu đông).
  • Vôi hóa nặng van hai lá.
  • Hở van hai lá từ trung bình đến nặng phối hợp với hẹp van hai lá.

Ngoài ra, nong hẹp van 2 lá qua da cũng không phải là lựa chọn khi có bệnh lý van hai lá bẩm sinh.

Nong hẹp van 2 lá qua da được ưu tiên lựa chọn vì:

  • Tỷ lệ thành công cao, ít biến chứng qua nhiều nghiên cứu.
  • Cải thiện đáng kể tình trạng huyết động và diện tích lỗ van.
  • Có kết quả trước mắt, và khi theo dõi lâu dài thậm chí còn hơn nếu so với mổ tách van cả trên tim kín lẫn tim mở.
  • Nong hẹp van 2 lá qua da là thủ thuật ít xâm phạm, nhiều ưu thế so với mổ như: thời gian nằm viện ngắn, ít đau, không có sẹo trên ngực, tâm lý thoải mái hơn...
  • Nong hẹp van 2 lá qua da được thực hiện trong một số tình huống đặc biệt mà phẫu thuật khó thành công trọn vẹn hoặc nguy cơ cao như: ở phụ nữ có thai, ở người suy tim nặng, ở bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu...

Nong hẹp van 2 lá qua da là phương pháp hàng đầu để điều trị hẹp van 2 lá trên toàn thế giới và đây là thủ thuật chiếm vị trí thứ 2 về số lượng cũng như ý nghĩa trong can thiệp tim mạch. Tại Việt Nam, nong hẹp van 2 lá bắt đầu được thực hiện từ 1997, đến nay đã trở thành phương pháp điều trị thường quy.

2.2. Phẫu thuật sửa van 2 lá

Mục tiêu của phẫu thuật sửa van 2 lá giống như nong hẹp van 2 lá qua da – đó là mục đích tách các cánh van dính lại với nhau. Tuy nhiên điều khác biệt của phẫu thuật sửa van 2 lá là nó là một phẫu thuật tim hở, sử dụng dao phẫu thuật để xẻ chỗ mép van bị dính lại.

Phẫu thuật sửa van 2 lá thường dẫn đến kết quả tốt. Tuy nhiên, bạn sẽ tiếp xúc với các nguy cơ của một cuộc phẫu thuật lớn và thời gian hồi phục lâu hơn, đó là lý do bác sĩ không giới thiệu phương pháp này đầu tiên.

Phẫu thuật sửa van 2 lá thường là lựa chọn tốt cho những bệnh nhân chống chỉ định với phương pháp nong hẹp van 2 lá qua da (như huyết khối bên trái nhĩ, vôi hóa, hoặc hở van hai lá).

Tương tự như phương pháp nong hẹp van 2 lá qua da, van 2 lá sau phẫu thuật sửa van sẽ dần dần hẹp trở lại, vì vậy các bệnh nhân được thực hiện thủ thuật này thực hiện các biện pháp để đánh giá tim thường xuyên.

2.3. Phẫu thuật thay van 2 lá

Thay van 2 lá là sự lựa chọn cuối cùng vì nó mang nguy cơ biến chứng cao hơn so với phương pháp nong hẹp van 2 lá bằng bóng hoặc phẫu thuật sửa van 2 lá.

Trong thay van 2 lá, van được thay thế bằng một van nhân tạo. Van nhân tạo có thể bao gồm toàn bộ chất liệu nhân tạo (van cơ học) hoặc có thể được làm từ các van tim của động vật, thường là từ heo (van sinh học).

Tất cả các van tim nhân tạo có xu hướng hình thành các cục máu đông. Tuy nhiên, cục máu đông ít có khả năng tạo nên trên van sinh học so với van cơ học. Vì vậy những người có van tim sinh học thường không phải dùng liệu pháp kháng đông kéo dài. Những người có van cơ học sẽ dùng kháng đông liên tục.

Van cơ học nhìn chung được sử dụng lâu hơn so với van sinh học. Nếu bạn cần thay van 2 lá, dưới 65 tuổi, và bạn có thể sử dụng kháng đông, bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo lựa chọn này cho bạn. Nếu bạn trên 65 tuổi, hoặc bạn còn trẻ nhưng không thể sử dụng kháng đông, van sinh học thường được khuyến cáo.


Van nhân tạo có thể bao gồm toàn bộ chất liệu nhân tạo (van cơ học) hoặc có thể được làm từ các van tim của động vật, thường là từ heo (van sinh học)
Van nhân tạo có thể bao gồm toàn bộ chất liệu nhân tạo (van cơ học) hoặc có thể được làm từ các van tim của động vật, thường là từ heo (van sinh học)

2.4. Sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật van tim, bệnh nhân cần chú ý tái khám định kỳ, dùng thuốc đều, van tim được sửa chữa có thể tồn tại nhiều năm thậm chí suốt đời. Ngược lại, nếu chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ, không dùng thuốc đúng chỉ định, để bị nhiễm khuẩn gây viêm nội tâm mạc thì hẹp van có thể tái phát.

Sau thủ thuật nong van bằng bóng hoặc mổ hẹp van 2 lá, cần làm siêu âm tim để đánh giá các thông số huyết động cơ bản và loại trừ những biến chứng nặng nề như hở van 2 lá, rối loạn chức năng thất trái hoặc shunt tồn lưu qua vách liên nhĩ.

Những bệnh nhân có hở 2 lá nặng hoặc lỗ thông lớn ở vách liên nhĩ nên cần cân nhắc mổ sớm. Đa số các shunt tồn lưu qua vách liên nhĩ đều tự đóng lại sau 6 tháng. Cần chú ý khi đánh giá diện tích lỗ van 2 lá bằng phương pháp PHT nếu làm siêu âm trong vòng 72 giờ sau thủ thuật, vì khi đó những thay đổi cấp của độ dãn nhĩ và thất sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của phép đo.

Theo dõi sau mổ hoặc sau nong van 2 lá cần phải tiến hành ít nhất 1 năm/1 lần, hoặc nhanh hơn nếu như xuất hiện triệu chứng lâm sàng, nhất là khi có các dấu hiệu gợi ý có tái hẹp van 2 lá hoặc hở van 2 lá phối hợp. Siêu âm tim cần được làm định kỳ để theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh nhân.

Nếu bạn bị hẹp van 2 lá, bạn cần phải đến khám các chuyên gia tim mạch để quyết định phẫu thuật có cần thiết hay không, sau đó lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân của mình. Với chẩn đoán sớm và chăm sóc tim mạch chu đáo, hầu hết bệnh nhân hẹp van 2 lá ngày nay có thể lên kế hoạch để sống một cuộc sống gần như bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe