Tác dụng của thuốc Duopa

Duopa là một loại thuốc kê đơn dùng để điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson tiến triển. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi dùng thuốc Duopa.

1. Thuốc Duopa có tác dụng gì?

Duopa là loại thuốc được chấp thuận để điều trị bệnh Parkinson tiến triển ở những bệnh nhân trưởng thành.

Parkinson là một loại rối loạn vận động với các triệu chứng điển hình như run tay, cứng đơ, vận động chậm, mất thăng bằng và giảm khả năng phối hợp. Những dao động này xảy ra khi các tế bào thần kinh không còn có thể kiểm soát các chuyển động cơ thể nhất định.

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson là do thiếu hụt dopamin, chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong điều hòa trương lực cơ. Không thể đưa dopamin trực tiếp vào cơ thể để chữa bệnh Parkinson vì dopamin không qua được hàng rào máu - não.

Thuốc Duopa chứa 2 loại hoạt chất chính là Carbidopa và Levodopa. Levodopa là tiền chất của dopamin, sau khi vào cơ thể, Levodopa qua được hàng rào máu - não và được chuyển hóa thành dopamin tại các hạch đáy não, do đó giúp bù đắp được sự thiếu hụt dopamin.

Khi uống Levodopa, thuốc có khả năng chuyển thành dopamin cả ở các mô ngoài não, chỉ còn một phần nhỏ liều dùng được vận chuyển dưới dạng không đổi tới hệ thần kinh trung ương, do đó phải dùng Levodopa liều cao mới có hiệu quả điều trị bệnh Parkinson.

Bên cạnh đó, Levodopa chuyển thành dopamin ở ngoại biên cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như chán ăn, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp.

Carbidopa là chất ức chế enzym decarboxylase (enzyme khử carboxyl) ngăn cản quá trình khử carboxyl của Levodopa ở ngoại vi, làm tăng lượng Levodopa vào não. Carbidopa sẽ không ảnh hưởng tới chuyển hóa của Levodopa trong não vì không qua được hàng rào máu - não.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Duopa

Cách dùng:

  • Thuốc Duopa nên được sử dụng ở nhiệt độ phòng. Nên lấy thuốc ra khỏi tủ lạnh và ra khỏi hộp 20 phút trước khi sử dụng (không sử dụng sản phẩm ở nhiệt độ phòng có thể dẫn đến việc bệnh nhân không nhận được lượng thuốc phù hợp.
  • Duopa dùng dưới dạng truyền trong 16 giờ qua ống thông mũi-hỗng tràng để dùng trong thời gian ngắn hoặc được đưa vào hỗng tràng qua ống PEG-J nếu dùng trong thời gian dài.

Liều dùng:

  • Tổng liều bao gồm 3 liều được điều chỉnh riêng: liều bolus buổi sáng, liều duy trì và liều bổ sung.
  • Liều sáng: Vào ngày đầu tiên nên cho bệnh nhân dùng một liều Levodopa tương đương với liều Levodopa của sáng ngày hôm trước, các ngày sau có thể điều chỉnh nếu đáp ứng lâm sàng không đầy đủ. Liều buổi sáng thường được truyền từ 10-30 phút
  • Liều liên tục: Sử dụng liều Levodopa cần thiết trong 16 giờ thức dậy; tính toán bằng cách xác định lượng Levodopa nhận được vào ngày hôm trước rồi trừ liều buổi sáng và buổi tối. Cân nhắc tăng liều dựa vào đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Xem xét giảm liều đối với rối loạn vận động hoặc các phản ứng bất lợi khác (đối với các phản ứng kéo dài trong khoảng thời gian từ 1 giờ trở lên thì giảm 0,3 mL/giờ; đối với các phản ứng kéo dài trong khoảng thời gian từ 2 giờ trở lên thì giảm 0,6 mL/giờ).
  • Liều bổ sung: Sử dụng để quản lý các triệu chứng cấp tính. Ban đầu, thường thiết lập 20 mg (1 mL), sau đó có thể điều chỉnh theo đáp ứng của bệnh nhân. Liều bổ sung nên được giới hạn trong 2 giờ một lần.
  • Liều tối đa của thuốc Duopa là 2000 mg (tính theo Levodopa) trong 16 giờ. Bệnh nhân sẽ dùng thuốc uống Carbidopa-Levodopa phóng thích tức thì vào ban đêm.

3. Tác dụng phụ của thuốc Duopa là gì?

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc Duopa bao gồm các biến chứng của thủ thuật đặt ống, sưng chân và bàn chân, buồn nôn, huyết áp cao, trầm cảm, đau miệng và cổ họng. Nhìn chung, bệnh nhân sử dụng thuốc Duopa có thể gặp phải các triệu chứng bao gồm:

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Thần kinh trung ương: Lo lắng, lú lẫn, mệt mỏi, kích thích, trầm cảm, giảm trí nhớ, mất ngủ, ảo giác, rối loạn trương lực và rối loạn loạn động.
  • Tim mạch: Hạ huyết áp tư thế, hồi hộp, rối loạn nhịp tim.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chảy máu đường tiêu hóa và nuốt khó.
  • Mắt: Mờ mắt.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Tiêu hóa: Viêm loét tá tràng.
  • Hô hấp: Thở nhanh, nhịp thở bất thường và chảy nước mũi.
  • Tiết niệu: Bí tiểu, tiểu rắt, nước tiểu đục.
  • Mắt: Nhìn mờ, nhìn một thành hai, giãn hoặc co đồng tử.
  • Máu: Giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết hoặc không tan huyết
  • Thần kinh - cơ: Đau đầu, chuột rút, yếu cơ, ra nhiều mồ hôi, da và răng đen, tăng hoặc giảm cân, cương cứng dương vật, phù, rụng tóc, chảy máu sau mãn kinh.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Duopa

  • Thuốc Duopa có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng trên đường tiêu hóa như tắc nghẽn dạ dày hoặc ruột, chảy máu do loét dạ dày hoặc ruột, viêm tụy, nhiễm trùng phổi, ứ khí trong khoang bụng, nhiễm trùng máu hoặc khoang bụng có thể xảy ra sau phẫu thuật, đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn. Hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng bất thường nào về dạ dày và ruột (ví dụ như đau dạ dày, táo bón không thuyên giảm, buồn nôn hoặc nôn mửa, sốt, máu trong phân,...)
  • Không dùng thuốc Duopa nếu bệnh nhân hiện đang dùng hoặc gần đây (trong vòng 2 tuần) có dùng một loại thuốc điều trị trầm cảm được gọi là chất ức chế monoamine oxidase (MAO) không chọn lọc.
  • Thuốc Duopa có thể khiến bệnh nhân buồn ngủ khi đang thực hiện các hoạt động hàng ngày như lái xe. Do đó không nên lái xe hoặc vận hành máy móc khi đang dùng thuốc. Báo cho nhân viên y tế nếu bệnh nhân đang dùng các loại thuốc có thể gây buồn ngủ, chẳng hạn như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần.
  • Thuốc Duopa có thể gây hạ huyết áp khi bệnh nhân đứng hoặc ngồi dậy nhanh chóng. Do đó, nếu bệnh nhân đã ngồi hoặc nằm xuống, hãy từ từ đứng dậy để giúp giảm chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi hoặc ngất xỉu.
  • Bệnh nhân dùng thuốc có thể nhìn, nghe hoặc cảm thấy những thứ không có thật (ảo giác).
  • Một số người dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson, bao gồm cả thuốc Duopa đã báo cáo các triệu chứng như đánh bạc quá nhiều, ăn uống không kiểm soát, mua sắm quá độ và tăng ham muốn tình dục.
  • Thuốc Duopa có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm. Bệnh nhân cần chú ý đến những thay đổi trong tâm trạng, hành vi, suy nghĩ hoặc cảm xúc.
  • Bệnh nhân dùng thuốc có thể xuất hiện chuyển động đột ngột không kiểm soát được (rối loạn vận động). Nếu bệnh nhân mắc chứng khó vận động mới hoặc chứng khó vận động trở nên tồi tệ hơn, hãy báo cho bác sĩ vì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy có thể cần phải điều chỉnh liều thuốc Duopa.

5. Tương tác thuốc

Thông báo với nhân viên y tế về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, vitamin, thảo dược bổ sung.

Sử dụng DUOPA với một số loại thuốc khác, bao gồm thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc ức chế MAO, thuốc chống loạn thần, Metoclopramide, Isoniazid và chất bổ sung sắt hoặc vitamin, có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Sau đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi dùng Duopa:

  • Sắt có thể tạo phức với 2 hoạt chất Levodopa, Carbidopa và làm giảm hấp thu thuốc
  • Phenothiazin, Butyrophenon, Phenytoin và Papaverin có thể làm giảm tác dụng điều trị của thuốc Duopa. Do đó, không nên dùng đồng thời các thuốc này với Duopa.
  • Thuốc Duopa làm tăng tác dụng hạ huyết áp của một số thuốc như Amilorid, Atenolol, Furosemide, Captopril, Hydralazine, Hydrochlorothiazide, Isosorbid dinitrat, Methyldopa, Nifedipin, Prazosin, Spironolacton, Verapamil. Nên cân nhắc phải điều chỉnh liều lượng của thuốc hạ huyết áp ở những bệnh nhân đang sử dụng thuốc Duopa.
  • Các thuốc đối kháng tác dụng của Levodopa gồm Clorpromazin, Diazepam, Haloperidol, Methyldopa, Pyridoxin.
  • Thuốc gây mê toàn thân như Cyclopropan, Halogen hydrocarbon dùng đồng thời với thuốc Duopa có thể gây loạn nhịp tim. Nên dùng các loại thuốc gây mê khác ở người dùng Levodopa.
  • Metoclopramid làm thức ăn mau ra khỏi dạ dày, do đó có thể làm tăng sinh khả dụng của Levodopa nhưng lại làm tăng các triệu chứng của bệnh Parkinson vì tác dụng đối kháng lên các thụ thể dopamin.
  • Thực phẩm giàu protein có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc Duopa.

Trên đây là những thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Duopa. Lưu ý, Duopa là thuốc kê đơn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Nếu có thắc mắc về thuốc Duopa, nên liên hệ nhân viên y tế để được giải đáp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

85 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Trivastal 50
    Công dụng thuốc Trivastal 50

    Trivastal 50 là thuốc kê đơn dạng viên nén sử dụng phổ biến cho bệnh nhân Parkinson. Trong quá trình sử dụng bạn có thể gặp một số phản ứng phụ gây rối loạn chức năng cơ thể. Do vậy, ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Stalevo
    Công dụng thuốc Stalevo

    Thuốc Stalevo là một thuốc điều trị parkinson kết hợp, với thành phần chính là levodopa, carbidopa và entacapone. Để có thể hiểu rõ về công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng thuốc hãy tham khảo bài viết ...

    Đọc thêm
  • Sinemet
    Tác dụng thuốc Sinemet

    Thuốc Sinemet là loại thuốc kết hợp giữa thành phần Levodopa và Carbidopa. Thuốc Sinemet được sử dụng để điều trị các dấu hiệu triệu chứng của bệnh Parkinson hoặc các triệu chứng tương tự như Parkinson bao gồm run, ...

    Đọc thêm
  • Apo trihex
    Công dụng thuốc Apo trihex

    Thuốc Apo trihex là thuốc được kê đơn, dùng để điều trị chứng bệnh Parkinson và kiểm soát các rối loạn ngoại tháp. Thành phần chính của thuốc Apo – Trihex là Trihexyphenidyl với hàm lượng 2mg ở dạng viên ...

    Đọc thêm
  • tasmar
    Công dụng thuốc Tasmar

    Tasmar là một loại thuốc kê đơn có chứa hoạt chất tolcapone. Thuốc tasmar được sử dụng trong kết hợp với Levodopa và Carbidopa để điều trị triệu chứng của bệnh Parkinson.

    Đọc thêm