Thuốc Rytary được bào chế dưới dạng viên nang, có thành phần chính là carbidopa và levodopa. Thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng của bệnh Parkinson.
1. Thuốc Rytary công dụng là gì?
Thuốc Rytary có 2 thành phần chính là carbidopa và levodopa. Thuốc có công dụng điều trị triệu chứng của bệnh Parkinson (như run, cứng khớp, khó cử động) hoặc các tình trạng tương tự Parkinson. Bệnh Parkinson xuất hiện do có quá ít dopamine trong não.
Levodopa trong thuốc Rytary có công dụng chuyển thành dopamin trong não, giúp kiểm soát được bệnh Parkinson. Còn carbidopa ngăn chặn sự phân hủy levodopa trong máu, đảm bảo nhiều levodopa được đi vào não hơn. Ngoài ra, carbidopa cũng có tác dụng làm giảm một số tác dụng phụ của levodopa như buồn nôn và ói mửa.
Chỉ định sử dụng thuốc Rytary:
- Điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson như cứng cơ, run, co thắt, kém kiểm soát cơ;
- Điều trị các triệu chứng Parkinson do ngộ độc CO hoặc nhiễm độc mangan.
Chỉ định sử dụng thuốc Rytary:
- Bệnh nhân tăng nhãn áp góc hẹp;
- Người đang sử dụng thuốc ức chế MAO hoặc dùng thuốc này trong vòng 14 ngày qua.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Rytary
Cách dùng: Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh nên nuốt cả viên thuốc, không nhai hoặc nghiền nát viên thuốc vì làm như vậy có thể giải phóng toàn bộ thuốc cùng lúc, làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.
Nếu gặp khó khăn khi nuốt cả viên thuốc, bệnh nhân có thể mở viên nang, rắc toàn bộ thuốc bột bên trong lên 15 - 30g nước sốt táo, nuốt cả hỗn hợp ngay mà không nhai. Không nên chuẩn bị hỗn hợp này trước để sử dụng sau này vì có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc.
Thuốc Rytary có thể sử dụng cùng hoặc không cùng với thức ăn. Tuy nhiên, người bệnh khi dùng thuốc nên tránh chế độ ăn giàu protein vì việc này có thể làm giảm lượng thuốc mà cơ thể có thể hấp thụ. Ngoài ra, nên tránh dùng thuốc Rytary với 1 bữa ăn nhiều chất béo hoặc nhiều calo vì điều này có thể làm chậm thời gian thuốc bắt đầu phát huy tác dụng khoảng 2 giờ. Người bệnh nên dùng liều đầu tiên trong ngày khoảng 1 - 2 giờ trước khi ăn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ.
Liều dùng: Theo chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với việc điều trị của bệnh nhân. Liều thông thường là 3 lần/ngày.
Lưu ý:
- Người bệnh nên uống thuốc Rytary cách xa các loại thuốc khác càng lâu càng tốt, đặc biệt là thuốc bổ sung sắt như vitamin tổng hợp, viên sắt,... Vì sắt có thể làm giảm lượng carbidopa/levodopa mà cơ thể hấp thụ;
- Bệnh nhân không nên dùng các dạng thuốc có carbidopa hoặc levodopa khác khi chưa được bác sĩ cho phép;
- Bệnh nhân nên dùng thuốc Rytary thường xuyên để thu được hiệu quả trị liệu tốt nhất. Để ghi nhớ, người bệnh nên uống thuốc vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày;
- Một số người có thể gặp tình trạng thuốc mất tác dụng ngay trước khi dùng liều tiếp theo hoặc mất tác dụng vào những thời điểm khác. Nếu gặp điều này, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ;
- Không ngừng thuốc Rytary khi chưa được bác sĩ cho phép. Một số vấn đề sức khỏe có thể càng trở nên tồi tệ khi đột ngột ngừng thuốc. Ngoài ra, nếu người bệnh đột ngột ngưng thuốc thì có thể gặp các triệu chứng cai nghiện như lo lắng, trầm cảm, sốt, cứng cơ, lú lẫn,... Để tránh điều này, bác sĩ có thể cho bệnh nhân giảm liều từ từ. Triệu chứng cai nghiện có tỷ lệ xảy ra cao hơn nếu người bệnh sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc với liều lượng cao. Bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các triệu chứng cai nghiện;
- Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh không cải thiện hoặc ngày càng xấu đi.
Quá liều: Các triệu chứng sử dụng thuốc Rytary quá liều thường là: Nhịp tim không đều, thay đổi tinh thần hoặc tâm tràng, co thắt cơ bắp,... Nên gọi cấp cứu ngay nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, bất tỉnh,...
Quên liều: Nếu quên 1 liều thuốc Rytary, người bệnh nên uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo thì bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, uống thuốc như bình thường, không cần uống bù liều.
3. Tác dụng phụ của thuốc Rytary
Khi sử dụng thuốc Rytary, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, khô miệng, khó ngủ, những giấc mơ bất thường, nhức đầu,... Để giảm nguy cơ chóng mặt và choáng váng, khi thay đổi tư thế, người bệnh nên thực hiện từ từ. Đồng thời, nếu bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này trở nên trầm trọng hơn hoặc vẫn kéo dài thì người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ;
- Thuốc Rytary có thể khiến nước tiểu, mồ hôi hay nước bọt chuyển sang màu đỏ hoặc màu đen. Các tác dụng phụ này không ảnh hưởng tới cơ thể nhưng có thể khiến quần áo của bệnh nhân bị ố;
- Một số người sử dụng thuốc Rytary đã ngủ thiếp đi đột ngột trong các hoạt động hằng ngày thông thường như lái xe, nói chuyện điện thoại,... Trong một số trường hợp, giấc ngủ đến đột ngột mà không có cảm giác buồn ngủ trước đó. Hiệu ứng này có thể xảy ra trong bất kỳ thời điểm nào khi dùng thuốc. Nếu người bệnh cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn hoặc buồn ngủ vào ban ngày thì không nên lái xe hay sử dụng máy móc. Nguy cơ bị buồn ngủ tăng lên khi sử dụng rượu hoặc một số loại thuốc khác;
- Người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như thay đổi tâm trạng (nhầm lẫn, ảo giác, kích động), ngất xỉu, tăng ham muốn tình dục, tăng hứng thú chơi cờ bạc, co thắt cơ, nháy mắt hoặc co giật mắt nhiều hơn, dễ bị bầm tím haowjc chảy máu, mệt mỏi bất thường, có dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, đau họng dai dẳng), thay đổi thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, giảm thị lực), ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân, đau bụng, đau mắt, chất nôn giống bã cà phê, các vấn đề về tiểu tiện, phân đen;
- Bệnh nhân nên được cấp cứu ngay nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng như đau ngực, khó thở;
- Ngừng đột ngột hoặc giảm liều thuốc Rytary có thể gây ra hội chứng ác tính do thuốc an thần (hiếm gặp). Người bệnh nên được đưa đi cấp cứu ngay nếu có các triệu chứng như sốt, lú lẫn nghiêm trọng, cứng cơ bất thường, đổ mồ hôi, thở gấp, nhịp tim nhanh hoặc không đều;
- Rất hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Rytary. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa hoặc sưng ở mặt/lưỡi/cổ họng, khó thở, chóng mặt nghiêm trọng,... thì người bệnh cần được cấp cứu ngay.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rytary
Trước và trong khi sử dụng thuốc Rytary, người bệnh cần lưu ý:
- Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với carbidopa, levodopa hay bất kỳ loại dị ứng nào khác. Thuốc có chứa nhiều thành phần khác, có thể gây dị ứng hoặc một số vấn đề sức khỏe khác;
- Trước khi sử dụng thuốc Rytary, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là rối loạn máu, các vấn đề về hô hấp (khí phế thũng, hen suyễn), bệnh tăng nhãn áp, bệnh thận, các vấn đề về tim mạch (đau tim, nhịp tim không đều, đau thắt ngực), bệnh gan, rối loạn tâm thần (trầm cảm, tâm thần phân liệt), co giật, loét dạ dày - tá tràng, rối loạn giấc ngủ;
- Thuốc Rytary có thể khiến bệnh nhân bị chóng mặt hoặc buồn ngủ. Rượu hoặc chất kích thích có thể khiến người bệnh bị chóng mặt và buồn ngủ hơn. Do đó, người bệnh không thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe hay sử dụng máy móc cho tới khi làm những điều này một cách an toàn. Đồng thời, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất kích thích;
- Trước khi phẫu thuật, người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng, bao gồm cả Rytary;
- Trong khi mang thai, thuốc Rytary chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết. Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về những lợi ích, rủi ro có thể xảy ra khi dùng thuốc trong thời kỳ mang thai;
- Levodopa có thể đi vào sữa mẹ với một lượng nhỏ. Hiện chưa rõ carbidopa có đi vào sữa mẹ hay không. Tốt nhất bà mẹ đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc Rytary
Một số tương tác thuốc của Rytary gồm:
- Các thuốc có thể tương tác với thuốc Rytary là: Thuốc chống loạn thần (haloperidol, thioridazine, chlorpromazine), một số loại thuốc điều trị cao huyết áp (methyldopa);
- Sử dụng kết hợp thuốc Rytary với thuốc ức chế MAO có thể gây tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, bệnh nhân nên tránh dùng thuốc ức chế MAO (isocarboxazid, linezolid, moclobemide, metaxalone, xanh methylene, procarbazine, phenelzine, tranylcypromine) trong khi điều trị bằng thuốc này. Đồng thời, không nên dùng thuốc ức chế MAO trong vòng 2 tuần trước khi sử dụng thuốc Rytary. Tuy nhiên, một số thuốc ức chế MAO như rasagiline, selegiline hay safinamide có thể được sử dụng với sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Người bệnh nên hỏi bác sĩ khi bắt đầu hoặc khi ngưng dùng thuốc này;
- Thuốc Rytary có thể ảnh hưởng tới kết quả của một số xét nghiệm như catecholamine/glucose/ketone trong nước tiểu. Nên báo cho nhân viên xét nghiệm và bác sĩ nếu bạn sử dụng loại thuốc này.
Để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất cho các triệu chứng của bệnh Parkinson, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình sử dụng thuốc Rytary. Bệnh nhân không được tự ý thay đổi cách dùng, liều dùng thuốc,... khi chưa được cho phép để tránh gặp phải những phản ứng bất lợi.