Một số điều cần biết về Caffeine

Bài viết bởi Dược sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Quá liều caffeine xảy ra khi bạn hấp thụ quá nhiều nguồn năng lượng này qua đồ uống, thực phẩm hoặc thuốc. Tuy nhiên, một số người có thể sử dụng vượt quá lượng khuyến nghị hàng ngày mỗi ngày mà không có vấn đề gì. Điều này không nên khuyến khích vì liều lượng caffeine cao có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhịp tim không đều và co giật.

1. Caffeine là gì?

Caffeine là một chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực vật (bao gồm cà phê, hạt ca cao và lá trà), thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm khác.

Vậy caffeine có tác dụng gì? Nó có thể làm tăng huyết ápnhịp tim, tăng cường năng lượng, do đó thường được sử dụng để giúp chúng ta giữ tỉnh táo và minh mẫn. Caffeine còn được dùng trong sản xuất dược phẩm như một thành phần của thuốc.

Một số đồ uống phổ biến, chẳng hạn như cà phê, trà và soda, có chứa một lượng đáng kể caffeine. Ngoài ra, một số thực phẩm và thuốc khác cũng có chứa caffeine như socola, cacao, nước tăng lực, nước ngọt, một số loại thuốc không kê đơn có chứa caffeine (ví dụ như Panadol Extra, Panadol cảm cúm...)

caffeine
Lượng caffeine trong 1 tách (8oz = 237ml) trà và cà phê

2. Nên sử dụng bao nhiêu caffeine trong ngày?

Theo trang Mayo Clinic cho biết, lượng caffeine được khuyến nghị là 400 miligam/ngày cho người lớn khỏe mạnh. Thanh thiếu niên không nên sử dụng vượt quá 100 mg caffeine mỗi ngày.

Quá liều caffeine xảy ra khi bạn hấp thụ quá nhiều nguồn năng lượng này qua đồ uống, thực phẩm hoặc thuốc. Tuy nhiên, một số người có thể sử dụng vượt quá lượng khuyến nghị hàng ngày mỗi ngày mà không có vấn đề gì. Điều này không nên khuyến khích vì liều lượng caffeine cao có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như rối loạn nhịp timco giật. Sử dụng lượng caffeine cao thường xuyên cũng có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố.

Thời gian bán thải trung bình của caffeine trong máu từ 1,5 - 9,5 giờ; có nghĩa là có thể mất từ ​​1,5 - 9,5 giờ để nồng độ caffeine trong máu giảm xuống một nửa so với lượng tiêu thụ ban đầu. Khoảng thời gian bán thải trung bình kéo dài này khiến cho việc biết chính xác lượng caffein có thể dẫn đến quá liều là rất khó. Vì vậy mức caffeine an toàn với từng người là khác nhau dựa trên độ tuổi, cân nặng và sức khỏe tổng thể.

Do ảnh hưởng kéo dài của caffeine, Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyến cáo rằng không nên uống caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ. Vì vậy, nếu đi ngủ lúc 10 giờ tối, bạn không nên uống caffeine không muộn hơn 4 giờ chiều.

3. Quá liều Caffeine

Nếu bạn hiếm khi sử dụng caffeine thì cơ thể có thể sẽ đặc biệt nhạy cảm với caffeine. Vì vậy hãy tránh ăn hoặc uống quá nhiều caffeine cùng một lúc.

Một số loại triệu chứng xảy ra khi quá liều caffeine như:

Các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn và cần được điều trị y tế ngay lập tức như:

  • Khó thở, tức ngực.
  • Nôn mửa, ảo giác.
  • Nhịp tim không đều hoặc nhanh.
  • Chuyển động cơ không kiểm soát được, co giật.

Tác dụng của caffeine đạt đến mức cao nhất là trong vòng 30 - 60 phút sau khi bạn tiêu thụ vào cơ thể. Đây là thời điểm người sử dụng có nhiều khả năng gặp phải tác dụng “bồn chồn” của caffeine. Những người nhạy cảm với caffeine có thể cảm thấy các triệu chứng trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày sau khi tiêu thụ.

Nếu nghi ngờ quá liều caffeine, hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ thực phẩm hoặc đồ uống nào có chứa caffeine bạn đã sử dụng trước khi có các triệu chứng.

Vấn đề quá liều caffeine thường có thể điều trị được mà không gây ra các vấn đề sức khỏe về lâu dài cho người bệnh. Nhưng tình trạng này có thể gây tử vong, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nhỏ tuổi, chẳng hạn như trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Để ngăn ngừa việc tiêu thụ quá liều caffeine, bạn hãy tránh dùng quá nhiều loại thực phẩm này trong cùng 1 ngày. Trong hầu hết các trường hợp, bạn không nên nạp quá 400 mg caffeine mỗi ngày hoặc thậm chí ít hơn nếu bạn đặc biệt nhạy cảm với caffeine.

caffeine
Quá liều caffeine có thể gây khó thở.

4. Sử dụng caffeine cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã khuyến cáo phụ nữ nên thận trọng khi sử dụng caffeine trong thai kỳ, vì tác động của caffeine đối với em bé chưa được biết đầy đủ.

Caffeine có thể được chuyển qua sữa mẹ sang con. Theo Hiệp hội Nuôi con bằng sữa mẹ tại Úc cho biết, con bạn có thể tiêu thụ khoảng 1% lượng caffeine mà bạn đã sử dụng nếu cho con bú bằng sữa mẹ. Lượng caffeine cao nhất sẽ đạt vào khoảng 1 giờ sau khi uống caffeine Do đó, thời điểm tốt nhất để phụ nữ cho con bú tiêu thụ caffeine mà không ảnh hưởng tới trẻ là 4 giờ sau khi uống.

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị quá liều caffeine khi sữa mẹ chứa quá nhiều lượng chất này. Một số triệu chứng nhẹ mà trẻ gặp phải là buồn nôn và các cơ liên tục căng, sau đó thư giãn. Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn có thể đi kèm đó là nôn mửa, thở nhanh và sốc. Nếu bạn hoặc trẻ gặp phải những triệu chứng này, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị.

5. Cai nghiện caffeine

Nếu bạn đã quen với việc uống caffeine thì khi dừng thói quen đột ngột bạn có thể gặp phải triệu chứng cai nghiện caffeine. Các triệu chứng cai caffeine thường có xu hướng hết trong vòng 48 giờ, tuy nhiên việc dừng sử dụng đột ngột có thể khiến các triệu chứng cai nghiện xảy ra mạnh hơn.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bạn có thể gặp phải các triệu chứng cai nghiện trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi dừng ăn hoặc uống đồ có chứa caffeine. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Nhức đầu (triệu chứng phổ biến nhất), chóng mặt.
  • Phiền muộn, lo âu.
  • Buồn ngủ và mệt mỏi.

Caffeine chỉ là một cách để tăng cường sự tỉnh táo và chống lại cơn buồn ngủ. Do những tác dụng phụ có thể xảy ra, bạn có thể cân nhắc giảm mức tiêu thụ caffeine hàng ngày của mình xuống còn 300 mg một ngày. Con số này tương đương với khoảng 3 tách cà phê rang xay nhỏ, thông thường.

Điều quan trọng là nên tìm những phương pháp khác để bạn có thể duy trì sự tỉnh táo một cách tự nhiên mà không cần caffeine, ví dụ như:

  • Uống nhiều nước hơn.
  • Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.
  • Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, có thể giúp cung cấp năng lượng mà không bị ảnh hưởng bởi thực phẩm chế biến sẵn.
  • Tập thể dục hàng ngày, nhưng không quá gần với giờ đi ngủ.

Nên gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Một số bệnh lý tiềm ẩn như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, mayoclinic.org, marchofdimes.org, americanpregnancy.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

896 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan